Những kỷ niệm xanh

Những kỷ niệm xanh

Trời mờ sáng. Không khí dịu, nhẹ và trong. Cái mát mẻ sớm mai khiến ai cũng dễ chịu, khác xa với cái nóng hừng hực thường ngày lên đến ba mươi tám độ buổi trưa hè rực lửa. Ba mươi hai người trên hai chiếc xe, chúng tôi lên đường thẳng tiến đến Bù Gia Mập.

Bù Gia Mập là một huyện biên giới thuộc tỉnh Bình Phước được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-11-2009. Nhìn bản đồ của huyện, có người văn vẻ nói giống một vầng trăng khuyết, còn người thực dụng thì nói giống một cái… bánh bao! Có người còn nói nó giống một cánh tay đang vươn ra để nắm bắt tương lai. Nói gì thì nói, Bù Gia Mập hiện nay vẫn là một huyện thuộc vùng sâu vùng xa sát biên giới Campuchia còn nghèo khó. Và đó chính là mục đích chúng tôi đến để tìm hiểu chuẩn bị cho chiến dịch tình nguyện của sinh viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Đây là lần thứ tư sinh viên kinh tế chọn Bình Phước làm điểm hẹn Mùa hè xanh. Năm 1999 đến sóc Bombo và xã Đắc Nhau thuộc huyện Bù Đăng. Năm 2009 đến Bù Đốp và Lộc Ninh. Còn bây giờ là Bù Gia Mập. Mới nghe qua tên gọi ai nấy đều không hiểu. Có người giải thích bù là sóc, như sóc Bombo ấy mà. Còn Gia Mập thì không biết. Hỏi các đồng chí lãnh đạo huyện cũng không ai biết, chỉ cười hì hì rồi nói đang tìm hiểu, giải thích sau.

Tôi nhớ lần đi tiền trạm đầu tiên hồi tháng ba vừa rồi, khi lên xe có một sinh viên nhìn tôi cười và nói: lần này thầy bị đoàn trường chơi khăm rồi, làm sao thầy viết được bài hát cho tụi em mà có tên Bù Gia Mập. Ừ, khó thật đấy, tôi cười, nhưng biết đâu. Bù Gia Mập, Bù Gia Mập, tôi lẩm bẩm.
Buổi sáng mát trời. Anh em ở Huyện đoàn nói nhờ có trận mưa sáng sớm hôm nay. Con đường uốn mình quanh co như một giải khăn voan vắt qua lưng chừng núi. Những ngọn núi chập chùng nối tiếp nhau. Phía trước, mây trắng giăng giăng cuối trời. Nơi xa tít ấy là xã Bù Gia Mập, giáp với biên giới Campuchia. Thiên nhiên ở đây thì giàu và hào sảng nhưng con người thì nghèo khó, còn đối mặt với nhiều khó khăn thường ngày.

Tôi bỗng nhớ ngày kết thúc chiến dịch sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh năm 2006 tại Bù Đăng. Đó là những ngày đầu tháng tám trời mưa tầm tã, đến giờ hội quân để về lại thành phố vẫn còn thiếu bốn mươi sinh viên được phân công đến ở tại xã Đăng Hà. Nơi ấy đang có lũ lụt lớn. Các chiến sĩ bộ đội phải dùng bo bo vào nhiều chuyến để chở ra. Cũng như trước đó hai năm, sinh viên kinh tế gặp rất nhiều khó khi đến huyện Buôn Đôn thuộc tỉnh Đắc Lắc.

Năm ấy tôi đưa các nhạc sĩ thuộc CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn đến thăm và giao lưu với các bạn sinh viên. Chúng tôi còn đi tiếp đến Gia Lai, xuống Chư P’rông biểu diễn văn nghệ trong một đêm mưa rừng như thác đổ, còn bà con lội qua bao con sông con suối đến xem không chịu về. Họ đứng giữa mưa. Có người cầm dù, có người trùm áo mưa, có người đứng trần dưới mưa. Vì thế, chúng tôi phải diễn. Ca sĩ thì có người cầm dù che để hát. Ban nhạc thì núp dưới những chiếc áo mưa…

Đêm về, sương mù giăng kín. Cách xa hai mét chỉ thấy mờ mờ ảo ảo. Xe phải chạy chầm chậm để nhìn rõ đâu là vực đâu là đường. Chính những điều đó đã tạo nên cảm xúc trong tôi và nửa đêm hôm ấy tôi không ngủ được, phải lấy chiếc máy vi tính xách tay ra để ghi lại bài hát Những kỷ niệm xanh...

Còn ở đây hôm nay, tôi lại nhớ đến những đêm ở Phú Văn, Đức Hạnh, ở các Trung tâm Khám chữa bệnh và giải quyết việc làm do Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cũng như Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố quản lý, những đêm anh em nhạc sĩ, ca sĩ đi thực tế sáng tác và biểu diễn giao lưu giữa mưa rừng lạnh giá. Tất cả những kỷ niệm ấy ùa về và tôi viết rất nhanh bài Biên giới xanh để tặng các sinh viên tham  gia chiến dịch Mùa hè xanh nơi này: Những đêm mưa rừng nhớ, nhiều sương xuống lạnh. Ngồi bên bếp hồng nhớ về phương trời xa. Giờ ta đến nơi đây bạt ngàn sương núi. Vẫn ấm áp tình yêu nước non quê nhà. Về đây bên nhau cùng chung sức: Mùa hè xanh, biên giới xanh.

Năm nay có bảy trăm sinh viên đại học kinh tế đến với mười bốn xã thuộc huyện Bù Gia Mập và công tác từ ngày 6-7 đến 28-7 mới về. Họ sẽ đáp ứng yêu cầu giúp đỡ khó khăn của bà con, có những đội chuyên về thông tin; có đội về ôn tập với các em thiếu nhi. Đoàn cũng đem hai mươi máy vi tính để mở hai lớp tin học và khi xong chiến dịch sẽ tặng toàn bộ số máy này cho thanh niên địa phương. Trong dịp này, nhà trường cũng xây dựng tặng hai ngôi nhà tình thương tại xã Đức Hạnh và xã Long Bình. Tất nhiên sẽ không thiếu những đêm văn nghệ nghĩa tình trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Bấy nhiêu đó tuy chưa có gì lớn lao nhưng ý nghĩa đối với sinh viên thì rất lớn. Họ háo hức chung tay đến với cuộc sống còn bao khó khăn của các bà con ở vùng sâu vùng xa, tình nguyện tham gia các hoạt động chung với cộng đồng, sống đẹp vì cộng đồng. Và cũng chính vì thế tôi đã viết được ca khúc Hát từ Bù Gia Mập để tặng những sinh viên tình nguyện: Về Bù Gia Mập hôm nay áo màu xanh sinh viên tình nguyện, cùng nhau góp sức chung tay giúp bà con đang còn nghèo khó. Cất tiếng hát ước mơ hồng trên công trình thanh niên. Vẫn giữ mãi bao nghĩa tình, có bao giờ nhạt phai! Ánh mắt ấy sao quên được, sáng lên niềm mơ ước. Vẫn nhớ mãi bao kỷ niệm: Nhớ sao Mùa hè xanh…

Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN HIÊN

Tin cùng chuyên mục