Những “lỗ thông gió”

Thương vụ xuất nhập khẩu đầu tiên
Những “lỗ thông gió”

Năm 1981, trong giai đoạn cả nước đang áp dụng cơ chế quản lý kinh tế tập trung bao cấp, tại TPHCM xuất hiện hình thức những công ty xuất nhập khẩu trực dụng với chức năng đưa các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu ra nước ngoài để có ngoại tệ và nhập vào các nguyên liệu, vật tư nhằm cứu lấy sản xuất công, nông nghiệp trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận. Một trong những công ty lớn làm ăn có hiệu quả thời kỳ này là Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn (gọi tắt là Công ty Cholimex) đóng trên địa bàn quận 5, TPHCM.

Sản xuất chả giò tại Công ty Cholimex. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất chả giò tại Công ty Cholimex. Ảnh: Cao Thăng

Thương vụ xuất nhập khẩu đầu tiên

Sau năm 1975, khi niềm vui giải phóng còn chưa nguôi, người dân TPHCM phải đối mặt với một giai đoạn hết sức khó khăn. Trước giải phóng, dù kháng chiến gian khổ là vậy nhưng Sài Gòn, ở cả khu vực nội thành và ngoại thành, chưa bao giờ lâm vào cảnh thiếu lương thực thực phẩm. Cho nên giải phóng xong, không ai hình dung được cảnh sống giữa TP, đứng trên vựa lúa của miền Nam mà đến gạo cũng không có, phải ăn độn.

Do khan hiếm hàng hóa, lương thực, trong xã hội xuất hiện tâm lý “dự trữ, phòng thủ”, ai cũng nhín lại một chút để cất giữ cho riêng mình. Tình hình của TP lúc bấy giờ có thể tóm gọn trong 2 câu: Người không đủ ăn, máy móc không có nguyên liệu để sản xuất. Nhiều người vượt biên, niềm tin vào một tương lai tươi sáng, ấm no, hạnh phúc của đất nước bị lung lay.

Đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo TPHCM, lúc đó đứng đầu là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt và Chủ tịch UBND Mai Chí Thọ quyết định bằng mọi cách TP phải có lương thực cho người dân và nguyên liệu cho sản xuất. Cách thức thực hiện là kêu gọi thành lập các công ty xuất nhập khẩu. Thế nhưng lúc này, những người làm ngành kinh doanh xuất nhập khẩu của TP phần lớn đã đi vượt biên gần hết.

Năm 1980, lãnh đạo TP chỉ đạo UBND quận 5 tập hợp các thương nhân người Hoa còn ở lại TPHCM, đề nghị họ liên hệ trở lại với các đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu trước đây tại thị trường Hồng Công, Singapore... để thực hiện các thương vụ trao đổi hàng xuất nhập khẩu tại phao số 0 (khu vực Vũng Tàu). Họ đi thu gom các mặt hàng như tôm khô, mực khô, đậu phộng, hàng thủ công mỹ nghệ để trao đổi lấy sợi thuốc lá, sợi dệt, xăng dầu… Giá cả đều tính ra USD và trao đổi bằng hiện vật. Sau thành công của những cuộc trao đổi hàng hóa tại phao số 0, TP chủ trương cho thành lập các công ty xuất nhập khẩu trực dụng.

Cuối năm 1980, việc chuẩn bị thành lập Công ty Cholimex đã bước vào giai đoạn nước rút. Tôi vốn là thầy giáo nên được giao nhiệm vụ làm đề án. Thiệt tình là lúc đó tôi còn chưa biết hợp đồng kinh tế phải viết ra sao chứ nói gì đến chuyện viết đề án kinh tế. Sau khi nghe các thương gia người Hoa nói lại những gì họ biết về xuất nhập khẩu, tôi tổng hợp thành một tờ trình dài khoảng 7 trang để trình lên. Danh mục hàng xuất khẩu gồm: hột vịt muối, bong bóng cá, đồ gỗ, thậm chí cả… cán chổi. Tờ trình này sau 7 lần góp ý, chỉnh sửa, cuối cùng cũng được phê duyệt. Trước đó, UBND quận 5 đã tích cực vận động bà con người Hoa tham gia góp vốn vào công ty (bấy giờ, cấp trên chưa cho phép huy động vốn rộng rãi trong xã hội nên chỉ bó gọn trong đồng bào người Hoa).

Ngày 15-4-1981, Công ty Cholimex được thành lập theo Quyết định số 73/QĐ-UB do Chủ tịch UBND TPHCM ký với tên gọi là Công ty hợp doanh Xuất nhập khẩu trực dụng, gọi tắt là Cholimex. Ngày 1-5-1981, chuyến tàu chở hàng mang tên Weily trọng tải 200 tấn từ Hồng Công cập cảng Sài Gòn chở theo 30 tấn nhựa PE, 30 tấn sợi, 10 tấn bột ngọt và 1 tấn phèn chua để đổi lấy 70 tấn đậu phộng của Công ty Cholimex.

Đây là thương vụ xuất nhập khẩu đầu tiên của TPHCM được thực hiện tại cảng Sài Gòn, mở ra thời kỳ nối lại hoạt động thương mại xuất nhập khẩu chính thức với thị trường tư bản. Đây được ví như phát súng đột phá vào hàng rào cơ chế bao cấp lúc bấy giờ về mặt ngoại thương. Các công ty xuất nhập khẩu trực dụng được thành lập tại TPHCM lúc bấy giờ gồm Direcximco, Cholimex, Ficonimex, Pharimex.

Bóng dáng công ty cổ phần đầu tiên

Sau thương vụ xuất nhập khẩu nói trên, thành phần cổ đông của Công ty Cholimex cũng được mở rộng. Tỷ lệ góp vốn của đồng bào không phải gốc Hoa tăng nhanh. Khi công ty chấm dứt thu nhận thêm vốn vào cuối năm 1981, tỷ lệ đó đã vượt trên 50% tổng vốn của công ty. Năm đầu tiên, công ty xuất khẩu trên 3 triệu USD hàng nông sản và nhập khẩu 2,7 triệu USD hàng nguyên liệu, vật tư, phụ tùng…

Cuối năm 1982, công ty tiến hành xây dựng xí nghiệp đông lạnh và xí nghiệp điện tử. Để làm việc này, công ty có kế hoạch huy động vốn rộng rãi trong nhân dân. Công ty có cho đăng ký thử trong vòng 1 tuần. Kết quả là có 2.000 người đăng ký tham gia. Mệnh giá 1 cổ phần là 20.000 đồng - tăng gấp 4 lần so với giá cổ phần năm 1981.

Theo kế hoạch, công ty có thể xây dựng trước một xí nghiệp và điều hành kinh doanh có hiệu quả, sau đó đem xí nghiệp ra bán cổ phần với giá gấp đôi, công ty chỉ giữ 50% cổ phần, bộ máy điều hành xí nghiệp sẽ được bổ sung từ các cổ đông có nghiệp vụ chuyên môn, như vậy xí nghiệp sẽ hoạt động càng hiệu quả hơn. Còn số tiền bán 50% cổ phần sẽ được đầu tư vào một xí nghiệp khác và điều hành kinh doanh theo mô hình tương tự. Như vậy cách làm này hứa hẹn tạo ra một sự đột phá mới, huy động được nguồn lực lớn về chất xám, lao động, kỹ thuật trong xã hội. Như vậy, theo ước đoán trong vòng 10 năm, công ty có khả năng bung ra xây dựng thêm cả trăm xí nghiệp. Việc quản lý và điều hành xí nghiệp giao lại cho những cổ đông có kinh nghiệm, tay nghề sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong mô hình này.

Đến cuối năm 1983, Công ty Cholimex đã hình thành được 6 xí nghiệp và 2 trung tâm. Hoạt động của Cholimex đi vào chiều sâu, tổ chức hợp tác sản xuất ở nhiều lĩnh vực như sản xuất mì ăn liền, bột ngọt, bột giặt, rượu bia, lắp ráp radio, cassette, tivi… Giai đoạn này, Cholimex cũng đã xây dựng một chương trình đưa vi tính vào quản lý công ty.

Tuy nhiên, kế hoạch dài hơi và hứa hẹn nhiều thành công này cuối cùng đã không được thực thi. Một trong những lý do dẫn đến điều này là do TP bị Trung ương “tuýt” còi. Kết luận của đoàn kiểm tra Trung ương cho rằng ngành xuất nhập khẩu không thể có thành phần tư nhân tham gia. Do vậy, UBND TPHCM phải chuyển Cholimex thành công ty quốc doanh, chấm dứt giai đoạn góp vốn của của cổ đông. Như vậy, dù có giấy phép hoạt động trong 10 năm nhưng chỉ mới hoạt động được 2 năm, Cholimex đã được cải tổ thành công ty quốc doanh.

Sau khi chuyển thành công ty quốc doanh, Cholimex có tên mới là Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận 5 (tên giao dịch đối ngoại vẫn giữ là Cholimex). Giai đoạn này, các quận huyện đều được thành lập công ty cung ứng hàng xuất khẩu như quận 5. Tất cả hàng xuất khẩu phải thông qua Tổng Công ty Imexco (trực thuộc UBND TP). Nhiều công ty xuất nhập khẩu trực dụng khác của TPHCM cũng bị chuyển đổi thành công ty nhà nước.

Sau Cholimex, nhiều công ty dạng công ty cung ứng cấp quận huyện được khai sinh ở TPHCM. Ở các tỉnh cũng hình thành những công ty xuất nhập khẩu cấp tỉnh và công ty cung ứng cấp huyện. Về hình thức kinh doanh cũng theo cơ chế giá thị trường như 4 công ty trực dụng trước đây nhưng là doanh nghiệp quốc doanh. Tình trạng này có thể hình dung một cách nôm na rằng: Cơ chế quản lý cũ lúc đó ví như một bức tường bít bùng bao bọc lấy đời sống kinh tế - xã hội. Mọi người ở trong bức tường ấy cũng thấy ngột ngạt nhưng phải chịu đựng. Thế rồi ở TPHCM, lãnh đạo TP cho phép đục mấy “lỗ thông gió” (là 4 công ty xuất nhập khẩu trực dụng lúc bấy giờ). Có không khí, có gió, mọi người cảm thấy dễ thở hơn.

Khi những “lỗ thông gió” ở TPHCM bị “bịt” lại vẫn không thể ngăn cản các ngành, các giới trong cả nước tự vươn ra tìm lấy luồng gió mát cho chính mình. Thực tế cho thấy, hàng trăm “lỗ thông gió” lớn nhỏ khác nhau, với những hình thức, cách làm đa dạng được trổ ra, đã tạo điều kiện thực tiễn, chuẩn bị cho giai đoạn chính thức mở cửa, làm tiền đề cho quá trình đổi mới toàn diện của đất nước.

Xuất khẩu sắn khô và tội “phá hoại kinh tế”

Năm 1983, Công ty Cholimex có đơn đặt hàng mua sắn lát khô với giá 98 USD/tấn. Tại Pleiku, Nhà nước thu mua sắn lát của dân với giá 2 đồng/kg. Tuy nhiên, người dân không chịu bán vì tiền công nhổ sắn và xắt lát phơi khô cũng đã gần 2 đồng/kg. Do vậy, dù sắn bạt ngàn nương rẫy nhưng dân vẫn không chịu nhổ lên. Cholimex bàn với lãnh đạo tỉnh nâng giá thu mua sắn khô lên 4,5 đồng/kg. Nếu tính hết các khoản chi phí, 1kg sắn khô khi xuất bán lên tàu sẽ là 4.900 đồng/tấn. Tỷ giá USD lúc đó là 70 đồng đổi 1 USD. Tính toán cặn kẽ, đó là một thương vụ có lời. Đổi lại, Cholimex sẽ cung cấp cho Pleiku vỏ ruột xe, xi măng, vải, bột ngọt… Như vậy đôi bên cùng có lợi.

Thương vụ trên có thời đã bị lên án là một hành vi phá hoại nền kinh tế với lập luận: Công ty mua sắn giá cao hơn giá quy định của Nhà nước khiến cho việc thu mua sắn lát của các công ty cung ứng thức ăn gia súc của Nhà nước gặp khó khăn. Điều này làm cho giá thức ăn gia súc tăng, ngành chăn nuôi tê liệt vì giá thịt đã được ấn định cho phù hợp với giá phân phối thịt, tương ứng với đồng lương công nhân viên. Từ đó, hàng loạt giá của các mặt hàng khác cũng ảnh hưởng. Kết quả là sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia.

Thế nhưng vào thời gian đó, nhiều người không nghĩ ra, không thừa nhận cơ chế giá kế hoạch sẽ giết chết cây sắn và một khi cây sắn không sống được sẽ kéo ngành chăn nuôi chết theo.

Phan Chánh Dưỡng
(Nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Xây dựng và kinh doanh KCX Tân Thuận)
Ái Chân - Mai Hương (ghi)

Bài đã đăng:

>> Dấu ấn từ những đề xuất đột phá 

Tin cùng chuyên mục