Những lớp học “lạ”

Sẽ thật không giống ai nếu đem những lớp học này giới thiệu với người thuộc thế hệ 7X, 8X… nhưng với lớp trẻ gen Y, gen Z, khi vấn đề phát triển bản thân được chú trọng, nhiều bạn trẻ chọn những lớp học “lạ”, tưởng chừng theo trào lưu nhưng lại giúp bản thân tự tin nhìn vào khuyết điểm của chính mình.
Người trẻ và những lớp học “lạ” từ trực tiếp đến trực tuyến để lắng nghe và thấu hiểu bản thân
Người trẻ và những lớp học “lạ” từ trực tiếp đến trực tuyến để lắng nghe và thấu hiểu bản thân

Tìm mình trong… múa cột

Là một người trẻ 9X, bản thân chúng tôi và nhóm bạn không ít lần định kiến về múa cột. Bởi những gì chúng tôi biết về bộ môn này là hình thức uốn éo khá phản cảm bên cây cột và địa điểm là những quán bar, beer club… cường độ âm nhạc chát tai, ánh sáng thì yếu ớt, mờ ảo. Cho đến khi một người bạn chia sẻ những hình ảnh và video trong quá trình học múa cột của cô ấy lên Instagram… hóa ra lâu nay tôi đã vội vàng “dán nhãn” oan cho múa cột.

Những video tập luyện ban đầu cũng trầy trật, khi cột cứ xoay, còn bạn tôi chẳng thể nào giữ được thăng bằng. Những vết bầm trên cơ thể mờ dần và chấn thương ít lại, bạn tôi mới tự tin chia sẻ: “Bước vô lớp nhìn mọi người tập luyện dáng ai cũng đẹp, động tác điêu luyện nhưng coi lại video, mọi người vẫn chưa hài lòng. Lúc đó, tôi còn chưa biết bắt đầu với cây cột thế nào, tự ti về cơ thể mũm mĩm nên càng thu mình trong lớp học. Nhưng đến buổi thứ 3 khi tôi chấn thương nhẹ ở tay do khởi động không kỹ, mọi người xúm lại hỗ trợ, chia sẻ cách tập luyện cùng nhau, tôi thấy mọi thứ khác hẳn”.

2 triệu đồng hoặc hơn cho 16 buổi học múa cột, con số không lớn cũng không nhỏ nhưng Phan Thị Mai (20 tuổi, quận Gò Vấp) thoải mái đăng ký. “Học cái gì cũng đáng, học để cải thiện bản thân mình thì càng xứng đáng, đừng nhìn múa cột từ những tụ điểm ăn chơi như quán bar, nó là một bộ môn thể thao để mình tập luyện và cải thiện điểm chưa đẹp trên cơ thể”, Mai bày tỏ.

Mai kể: “Ít nhiều bạn cũng từng bị la rầy hoặc nghe qua cụm từ “con người ta”, điều này làm tôi rất ám ảnh và hay so sánh mình không giỏi, không đẹp như người khác. Nhưng với múa một, ở phòng tập khi mọi người thay đồ vào lớp, mọi điểm tốt xấu trên cơ thể đều thể hiện một cách chân thật, mọi thứ rất cởi mở, không ai phán xét ai”.

“Chữa lành” chính mình

Và “lạ” hơn chuyện học múa cột, bạn trẻ sẵn sàng chi bạc triệu cho những lớp học để nhìn vào tổn thương tâm lý của chính mình. Gõ cụm từ “chữa lành” lên mạng xã hội có hàng trăm hội nhóm chia sẻ bài viết liên quan đến trầm cảm, sang chấn hoặc tổn thương tâm lý. Với những bài viết ẩn danh, người trong cuộc thường đang gặp những biến cố trong cuộc sống và ở ngưỡng cửa bước vào đời, tìm lời khuyên hoặc một sự “xoa dịu” từ những người xa lạ.

Để giải quyết những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, nhiều nhóm tổ chức các lớp học trực tuyến để giải quyết áp lực vô hình trong giới trẻ hiện đại như: vòng tròn thấu cảm, lắng nghe đứa trẻ bên trong mỗi người, tham vấn tâm lý - trả phí tùy tâm, kết nối với chính mình… Học phí tính theo buổi hoặc khóa phụ thuộc vào người tổ chức và có lớp học phải đủ 10 thành viên trở lên mới tổ chức. Mức học phí cho những lớp học tâm lý này thường không quá cao, vài triệu đồng cho một khóa học, phần lớn vẫn là những lớp chia sẻ miễn phí.

Hơn một tháng tham gia khóa học trực tuyến “Kết nối bên trong mình”, Lương Thị Thu Hằng (sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ: “Áp lực việc học và chuyện tình cảm không suôn sẻ, có lúc em không biết mình thiết tha điều gì, cố gắng vì cái gì. Đọc những bài chia sẻ từ các thành viên nhóm rồi bấm bụng mất gần 1 triệu đồng học phí nhưng em thấy xứng đáng lắm, không phải học để làm chuyên gia tâm lý, mà để tìm giải pháp cho chính mình”.

Khi vấn đề áp lực tâm lý trong giới trẻ hiện đại được quan tâm, những lớp học “ăn theo” cũng nở rộ. Khá kinh nghiệm trong việc tìm các lớp học tâm lý trên mạng xã hội, Trúc Ngân (27 tuổi, huyện Bình Chánh) cho biết: “Muốn học tâm lý trực tuyến cũng phải coi kỹ do ai, nhóm nào tổ chức và đọc thêm phần giới thiệu của nhóm đó. Có nhiều nhóm bán hàng trên mạng, thấy vấn đề “chữa lành” được quan tâm thì cóp nhặt bài viết mỗi nơi một ít rồi chia sẻ lại. Sau đó tổ chức mở lớp học chủ yếu để kiếm tiền, người tham gia có thêm một kênh để tâm sự với người lạ, chứ không phải chuyên gia tư vấn gì đâu”.

Trong những góc nhìn đa chiều của xã hội hiện đại, những lớp học “lạ”, chú trọng phát triển bản thân của giới trẻ là điều đáng ghi nhận. Bởi suy cho cùng khi tiếng nói cá nhân, sự khác biệt của mỗi người được thể hiện và đón nhận một cách văn minh, sự cô đơn hay mất kết nối trong xã hội hiện đại sẽ dần được xóa nhòa…

Tin cùng chuyên mục