Như một sự mặc định của đất trời, vùng đất châu thổ sông Cửu Long được giao phó là vựa lúa, vựa cá, không chỉ của Việt Nam, hay “bát cơm châu Á”, mà còn là của thế giới. Trải qua biết bao biến đổi, người ĐBSCL không chỉ khai thác, mà còn tìm cách gìn giữ, bảo tồn những giá trị đặc hữu của vùng đất này.
Bảo tồn cá ở vựa cá
Cách nay hơn 10 năm, chuyện TS Nguyễn Hữu Chiếm cùng cộng sự (Trường Đại học Cần Thơ) xây dựng thành công “túi cá” ở quận Ninh Kiều (Cần Thơ) không khỏi làm người dân ngạc nhiên. Các nhà khoa học đã chọn con rạch Ngã Ngay dài hơn 2km ở ấp Lợi Dũ B, phường An Bình làm nơi dẫn dụ cá tự nhiên về sống. Họ chất nhiều đống chà, trồng rau muống, lục bình... cho cá trú ẩn và săn mồi. Dự án triển khai, người dân cười mấy nhà khoa học làm chuyện tào lao: Làm sao tái sinh được nguồn tôm cá trong con rạch mà đến con ốc, con cua không còn? Hơn 6 tháng trôi qua, điều kỳ lạ xảy ra: cá linh, cá hú, cá sát, cá lăng, cá lóc, cá bống, tôm tép... nhung nhúc. Cá quần tụ kéo theo các loài cộng sinh như rắn, rùa, cua đồng... xuất hiện. Từ thành công của “túi cá” ở Cần Thơ, hiện TS Nguyễn Hữu Chiếm đang xây dựng đề tài cấp bộ, đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ xây hàng chục “túi cá” ở miền Tây.
Cũng tâm huyết với nguồn cá ở ĐBSCL, nhưng cách của “Thạc sĩ cá hô” Thi Thanh Vinh (Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ NN-PTNT) ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thì khác hơn. Gần mười năm nay, Th.S Thi Thanh Vinh cùng cộng sự miệt mài với dự án bảo tồn nguồn gien cá nước ngọt ĐBSCL. “Cuộc chiến” bảo vệ con cá hô khỏi nguy cơ tuyệt chủng là một ví dụ. Cá hô là loài đặc biệt của sông Mê Kông, nguồn lợi tự nhiên hiện còn rất ít. Để bảo tồn loài cá này, Th.S Thi Thanh Vinh và cộng sự phải làm nhiều công đoạn: sưu tầm, lai tạo, thuần chủng cá trước khi thả về môi trường tự nhiên. Chỉ trong 3 năm, Th.S Thi Thanh Vinh cùng cộng sự đã sưu tầm được 40 con cá hô. Từ 40 con cá ban đầu, nhóm của anh đã lai tạo thành công thế hệ cá hô đầu tiên và thả nuôi thành công tại Búng Bình Thiên của huyện An Phú (An Giang). Không chỉ có vậy, trung tâm còn lai tạo gần 10.000 con cá hô bột và cung cấp đại trà cá giống cho người dân có nhu cầu, hiện đã có nhiều hộ dân, doanh nghiệp… nuôi thành công cá hô. Khi việc bảo tồn cá hô chưa kết thúc, nhóm của Th.S Thi Thanh Vinh lại tiếp tục dự án với cá vồ cờ và trà sóc, những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Vựa lúa ĐBSCL - bát cơm châu Á. Ảnh: DUY BẰNG
Làm sao để nông dân giàu lên?
Chúng tôi vẫn còn nhớ như in tại Festival lúa gạo Việt Nam lần 2 (ở Sóc Trăng năm 2011), thầy trò Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL mang đến một tấm bản đồ đặc biệt: “Bản đồ Việt Nam bằng lúa” được ghép bằng nhiều hạt lúa, hạt gạo đủ loại. Đây là ý tưởng của TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng. Công trình đạt kỷ lục quốc gia này chỉ là một trong những chuyện dễ thấy. Ít ai biết nhà khoa học “Hai Lúa” này chính là người hơn 10 năm trước đã đề xuất “phá bờ mẫu, đóng cừ sạn mở mang ruộng lúa để liên kết hợp tác nông dân làm ăn lớn”. Ý tưởng đó bây giờ là hình mẫu của “cánh đồng mẫu lớn” bằng cách tập hợp nông dân trồng lúa, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo. Ý tưởng “cừ sạn” ngày trước được thay bằng các bản đồ số hóa với công nghệ GIS để người nông dân thành cổ đông bằng quyền sử dụng đất. Cũng chính ông “tam nông” này là người nói về “hạt gạo đang bị cắn chia làm tám” khiến phần lợi nhuận của nông dân trồng lúa bị teo tóp, kêu gọi việc “chia lại lợi tức” trong chuỗi giá trị này. Từ đây, ông nói về câu chuyện “nông dân bốn bước”: Bước lên, bước xuống, bước ra, bước vào liên kết làm ăn hợp tác để làm giàu; “nông nghiệp bốn đúng”: Đúng lượng, đúng chất, đúng thời điểm, đúng giá trị nông sản; “nông thôn bốn nhất”: nghèo nhất, lạc hậu nhất, hưởng phúc lợi xã hội thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất... Sau đó là những nghiên cứu, đề xuất cải tiến cơ chế, chính sách liên kết vùng, thực hiện “tam nông” trong điều kiện và đặc thù riêng của vùng ĐBSCL.
TS Nguyễn Văn Sánh nay vẫn canh cánh trong lòng câu hỏi “phải làm sao để nông dân giàu lên?”, dù biết đấy là chuyện không phải của một người. Trước đây, có bậc cha chú từng “xé rào” để “khoán chui” trong nông nghiệp, góp phần hình thành chủ trương, chính sách mới của Đảng, tạo kỳ tích từ một nước thiếu ăn trở thành cường quốc xuất khẩu gạo chiếm hơn 20% sản lượng gạo thương mại toàn cầu; thành vương quốc cá tra; tôm nổi tiếng thế giới. Nhưng yêu cầu đặt ra của ngày nay là làm sao để nông dân có thể kiếm sống và làm giàu bằng nghề của mình? Đó là một bài toán cần sự tiếp cận đa ngành, cần quy mô sản xuất lớn hơn và sự chuyển đổi tận gốc rễ để tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.
TRẦN MINH TRƯỜNG