Tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, không ít công chúng trầm trồ thán phục khi thưởng lãm tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - một trong những cây đại thụ của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Đây là món quà vô giá mà Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nhận được từ UBND TPHCM, để rồi tiếp nối tình yêu và đam mê nghệ thuật, hàng trăm bức tranh quý được bảo tàng dày công sưu tập thêm.
Thưởng lãm kiệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh: AN DUNG
Kiệt tác cho đời sau
|
Nghe bức tranh nổi tiếng được mua lại, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vừa vui vừa lo, bởi để có quyết định cuối cùng của UBND TPHCM, Hội đồng nghệ thuật và các ban ngành phải họp lên họp xuống hàng chục lần. Một cuộc tranh luận xảy ra, một số người phản đối cho rằng “Thành phố chi đến hàng trăm triệu đồng (lúc bấy giờ tương đương 100.000 USD) để mua một bức tranh là không cần thiết, là quá lãng phí”. Quan điểm khác thì lại yêu cầu phải mua lại kiệt tác này bởi đây là tác phẩm cuối đời của danh họa. Mọi việc chưa lắng xuống thì Ban giám đốc bảo tàng nghe tin, một nhà sưu tập người Bỉ đánh tiếng mua lại tác phẩm này với giá 1 triệu USD! Thông tin về tác phẩm khiến dư luận thế giới đặc biệt quan tâm, nhiều quốc gia ngỏ ý thuê Vườn xuân Trung Nam Bắc để trưng bày, nhưng để tác phẩm được bảo quản tốt nhất, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã từ chối. Ngày đón tác phẩm, niềm vui nhân lên gấp bội khi cùng với bức họa, gia đình cụ Nguyễn Gia Trí còn trao tặng 61 tư liệu, phác thảo của ông.
Kiệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc bằng chất liệu sơn mài được sáng tác trong suốt hơn 10 năm (cuối những năm 60 - đầu những năm 70), có kích thước lớn 2m x 5,4m, gồm 9 mảnh ghép lại. Tác phẩm gây ấn tượng không chỉ ở quy mô đồ sộ mà còn ở bao cảm xúc mà tác giả muốn gửi lại cho đời bằng cả tâm hồn và khối óc trước khi buộc phải dừng sáng tác vì tuổi cao sức yếu.
Thay những lời tri ân
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã chú trọng mảng ký họa kháng chiến để lưu giữ tư liệu quý về hai cuộc kháng chiến quật cường của dân tộc. Thế nhưng, nguồn ngân sách dành mua hiện vật vốn đã ít ỏi lại càng có vẻ eo hẹp hơn đối với loại hình nghệ thuật đặc thù như tác phẩm mỹ thuật. Vậy là phải cậy đến cái tình, cái nghĩa! Mà muốn thế không ai khác, chính bảo tàng phải nỗ lực để khẳng định mình. Nhân viên làm việc hết mình, tác giả được trân trọng đúng mực, tác phẩm được bảo quản cẩn thận… đã giúp tạo được niềm tin yêu nơi các họa sĩ. Bảo tàng bắt đầu nhận được ký họa kháng chiến do một số họa sĩ đã gìn giữ trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ rồi lưu giữ tại chi nhánh phía Nam của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Riêng ký họa kháng chiến của hầu hết họa sĩ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ khá trọn vẹn với hơn 3.000 tác phẩm… Ông Dominic Scriven, nhà sưu tập nổi tiếng người Anh, nhiều năm sưu tầm tranh cổ động do các họa sĩ Việt Nam sáng tác thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - đã trân trọng tặng bảo tàng 10 bức trong bộ sưu tập của mình. Nhà sưu tập Trần Mã Thượng hiến tặng tác phẩm nổi tiếng Em tôi của họa sĩ Nguyễn Sáng. Ngoài ra, nhiều họa sĩ của các nước Mỹ, Canada, Italia, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Thụy Sĩ, Pháp, Nga… đã trao tặng không ít tác phẩm tâm đắc của mình.
|
Năm 2013 đánh dấu sự kiện đặc biệt trong công tác sưu tầm của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Lần đầu tiên bảo tàng nhận được tác phẩm giá trị của nhiều họa sĩ Việt Nam đã sinh sống và sáng tác ở nước ngoài. Ngoài tác phẩm của Lê Bá Đảng - họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại đang sinh sống tại Paris (Pháp), phải kể đến các tác phẩm vô cùng quý hiếm của họa sĩ Võ Lăng, họa sĩ thế hệ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1942 - 1945), cũng là họa sĩ nổi tiếng thế hệ đầu tiên của hội họa Nam bộ. Qua nhiều năm liên lạc, gia đình họa sĩ Võ Lăng (đang sinh sống tại Pháp) đã đồng ý tặng bảo tàng 4 tác phẩm. Tuy nhiên, sau cuộc gặp gỡ tại Pháp, gia đình đã tặng 7 tác phẩm, gồm 5 tranh sơn dầu được tác giả sáng tác cuối những năm 50 và 2 tranh in lito. Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, bày tỏ như lời tri ân: “Lá rụng về cội. Đất nước chúng ta trải qua chiến tranh dài nhiều năm, tác phẩm tranh tượng thất lạc rất nhiều thì sự trở về của những tác phẩm như thế này thật quý giá và đáng trân trọng. Mỗi một món quà, tác phẩm đến với bảo tàng là một câu chuyện đầy nghĩa tình và kỷ niệm. Tất cả đều vì một chữ tâm, vì một nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bởi nếu tính bằng tiền, kinh phí của bảo tàng không bao giờ mua nổi”!
|
MINH AN