Những nẻo đường xuân…

Có những con đường gắn kết ta với những kỷ niệm khó phai, mỗi khi nhớ đến lòng rưng rưng như mùa xuân đang về. Và có những con đường mang đến cho ta sự “khai phá”. Những con đường ở miền Tây Nghệ An mang trong mình đầy đủ những ý nghĩa đó, với tôi, và với hàng ngàn con người ở miền Tây xứ Nghệ. Những con đường đã đưa tôi lên với miền rẻo cao xứ Nghệ, hòa mình cùng người Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ đu… Và quan trọng hơn cả, chính những con đường đã mở ra cho đồng bào vùng cao dần theo kịp miền xuôi…
Những nẻo đường xuân…

Có những con đường gắn kết ta với những kỷ niệm khó phai, mỗi khi nhớ đến lòng rưng rưng như mùa xuân đang về. Và có những con đường mang đến cho ta sự “khai phá”. Những con đường ở miền Tây Nghệ An mang trong mình đầy đủ những ý nghĩa đó, với tôi, và với hàng ngàn con người ở miền Tây xứ Nghệ. Những con đường đã đưa tôi lên với miền rẻo cao xứ Nghệ, hòa mình cùng người Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ đu… Và quan trọng hơn cả, chính những con đường đã mở ra cho đồng bào vùng cao dần theo kịp miền xuôi…

Quốc lộ 7, đoạn thị trấn Mường Xén đi Nậm Cắn

1. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu ngược quốc lộ 48 bằng xe máy để lên với vùng đất Quế Phong. Một mình xuyên qua con đường 48 như ngược vào chốn vô định, và rồi chợt vỡ òa khi đến cầu Châu Tiến (Quỳ Châu). Ô kìa, những con nước như những người đàn ông siêng năng đang cần mẫn múc nước dưới sông lên đồng. Và kia, bên sông, vài phụ nữ Thái đang lặn ngụp với cái tép, cái tôm,… Không xa trong phía núi ngược sông Nậm Việc là bản Hoa Tiến, một bản Thái cổ hiếm hoi còn ở lại với thời gian.

Và đây rồi, miền đất được mệnh danh “đất quế” đã hiện ra. Cái “hương quế” hình như đã thấm vào người ngay từ lần đầu gặp. Ngay từ hôm ngủ ở Đồn Biên phòng Tri Lễ. Đêm lạ nhà khó ngủ, chợt giật mình bởi một tiếng chim lạ. Mở cửa ngó ra ngoài, suýt phải thảng thốt kêu lên: Trăng rẻo cao đẹp quá! Trăng như được treo trên đỉnh núi Phà Cà Tún, trải ánh sáng vàng mơ xuống những khoảnh rừng, bản làng trong tiếng côn trùng kêu rả rích… Cây quế lừng lững như người lính đứng canh bên vườn chè đang tỏa hương… Mới rồi, có người nhắn rằng mùa xuân tới có lên lễ hội đền Chín Gian không? Có lên với cơm lam, với cá suối tôm sông? Có lên để được say qua hết 9 mường? Lên đi, không rồi lại quên mất cái “thăm tay”, cái say mà rạo rực trong từng bước nhảy sạp, lâng lâng trong tiếng cồng chiêng dội ngược vào lồng ngực, vang động núi rừng… Lên để được ngất ngây, bâng khuâng theo câu hát: “Ước sao được hứng sương trên Đền Trâu cho bông lau gặp gió. Ước được làm vợ, làm chồng người mường Nọc đẹp nổi tiếng 9 mường…”.

2. Cuối năm, men theo con đường bên sông Nậm Mộ lên “cổng trời” Mường Ải (Kỳ Sơn). Cứ tưởng hoa trạng nguyên chỉ có ở dưới xuôi, ai ngờ trên này thật nhiều trạng nguyên. Mùa này, hoa trạng nguyên bung ra, như đang cố khoe cái sắc đỏ “hoa mà lá, lá mà hoa” của mình với rừng xanh, suối trong. Ở rừng, sáng dậy sớm. Vừa cúi xuống vòi nước suối tự chảy ở Đồn biên phòng Mường Típ để rửa mặt, thì trước mặt hiện ra một gốc đào với đầy vết “trầm tích” như khắc dấu thời gian vào thân của mình. Gốc đào dẫn theo con mắt lên theo thân cây. Òa, những nụ đào ngậm sương đang lớm chớm hồng. Mấy vòm “hoa” trạng nguyên đứng bên cũng đang đỏ rực, lay lay như bầy gà trống đang chụm đầu vào nhau gáy sáng. Và phía trên, lá cờ Tổ quốc đang bay theo gió sớm… Bỗng dưng trong lòng như bật ra một tiếng “nghiêm” và đứng lặng. 

Mùa này, đường lên Na Ngoi (Kỳ Sơn), tôi gặp những lùm hoa loa kèn như ngàn chiếc chuông trên cây thông Noel rung lên báo tin mừng… Sương mù ở Na Ngoi đặc quánh, mặt giáp mặt mới thấy rõ nhau. Trong màn sương đó, tôi đã giật mình khi một phụ nữ địu con bất ngờ xuất hiện. Tôi hỏi thăm đường, người phụ nữ nói đi theo mình. Được một đoạn thì đầu đụng phải một cành cây. Sương rũ xuống đầu. Ngẩng lên, nhìn kỹ, thì ra là một cây đào. Các tán đào đang bung hoa bên mái nhà gỗ sa mu. Hình như mùa xuân trên rẻo cao thường về sớm? Cả ngày không thấy mặt trời, chỉ nghe tiếng nói của con người trong sương. Sương mù bay tràn cả vào phòng truyền thống của Đồn biên phòng Na Ngoi. Sương như che giúp cái ngại ngùng của mấy cô giáo đến thăm các chiến sĩ và khích lệ các cô cất lời: “Đồn biên phòng ở lưng chừng núi…”. 

3. Tết Bính Thân 2016 này, bà con ở 3 huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn có thêm nhiều niềm vui mới, lạ. Ngày xưa, bà con dân bản ở Kỳ Sơn, Tương Dương muốn sang thăm người thân ở Quế Phong (và ngược lại) phải băng rừng, vượt sông ra quốc lộ 7 rồi xuôi xuống quốc lộ 1A, sau đó ngược lên quốc lộ 48 mới tới nơi, với quãng đường từ 500 - 600km. Sau này, có đường Hồ Chí Minh, quãng đường tuy đã ngắn lại nhưng vẫn chưa gần. Nhưng kể từ tháng 9-2015, mọi việc đã khác. Với chiều dài 184km, đường Tây Nghệ An đã “xâu” 3 huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn vào nhau. Một loạt các xã trọng điểm vùng biên giới mà “con đường hạnh phúc” đi qua và kết nối, như: Tri Lễ (Quế Phong), Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Lống, Huồi Tụ, Phà Đánh (Kỳ Sơn)… Người dân ở các địa phương này sẽ có cơ hội thoát nghèo nhờ những sản vật mình làm ra như: gà đen, lợn nít, dê, khoai sọ, dong diềng, măng… sẽ có người đến mua hoặc tự đem đi bán. Bà Lô Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, mừng ra mặt: “Người dân sướng mười thì cán bộ nhà em sướng một trăm. Trước đây, khi chưa có đường miền Tây đi qua xã, mỗi lần xuống huyện họp là cơ khổ. Nếu họp 1 ngày thì tôi phải đi về mất thêm 2 ngày nữa, chỉ với con đường duy nhất theo sông Nậm Nơn. Bây giờ về xuôi khỏe re. Mỗi ngày có 2 chuyến xe khách rẽ đi hai hướng, một hướng về huyện Quế Phong theo quốc lộ 48 về xuôi, một hướng về huyện Kỳ Sơn theo quốc lộ 7 xuôi về…”

Duy Cường

Tin cùng chuyên mục