Những ngày hồng trên đất Champa

Chiếc xe 45 chỗ bị tận dụng không còn một khoảng trống để chất hàng chục thùng dược phẩm, dụng cụ y tế, máy vi tính, hàng trăm bịch hạt giống, quà tặng… Xe băng băng lao khỏi thành phố đi về phía núi đồi, những bản làng heo hút bên kia dãy Trường Sơn... Con đường phía trước mở ra, dài tít tắp. Trên xe, 36 chiến sĩ tình nguyện Kỳ nghỉ hồng TPHCM năm 2016 là những y bác sĩ, kỹ sư trẻ không chỉ mang theo những phần quà thiết thực, toa thuốc quý, các công nghệ trồng trọt mới mà còn cả một trái tim hồng.
Những ngày hồng trên đất Champa

Chiếc xe 45 chỗ bị tận dụng không còn một khoảng trống để chất hàng chục thùng dược phẩm, dụng cụ y tế, máy vi tính, hàng trăm bịch hạt giống, quà tặng… Xe băng băng lao khỏi thành phố đi về phía núi đồi, những bản làng heo hút bên kia dãy Trường Sơn... Con đường phía trước mở ra, dài tít tắp. Trên xe, 36 chiến sĩ tình nguyện Kỳ nghỉ hồng TPHCM năm 2016 là những y bác sĩ, kỹ sư trẻ không chỉ mang theo những phần quà thiết thực, toa thuốc quý, các công nghệ trồng trọt mới mà còn cả một trái tim hồng.

Blouse trắng và những trăn trở

Nơi đoàn chúng tôi đến là tỉnh vùng sâu Attapeu, một trong những miền đất nghèo khó nhất Nam Lào. Những ngày này, Attapeu mưa nắng thất thường. Rất vất vả chúng tôi mới đến được các huyện Sanamxay, Sanxay, Phu Vông, Saysetha.

Sáng đầu tiên của hành trình đến với các bản làng xa của huyện Sanamxay, trời mưa như trút nước. Không đi được xe 45 chỗ, các chiến sĩ chia nhau ra nhảy lên 6-7 chiếc xe bán tải. Các phần quà, thuốc men, dụng cụ y tế… đều được để phía trong, bảo quản tốt nhất. Con đường đến với Sanamxay đất đỏ ngày mưa đặc quánh. Qua hàng chục cây cầu gỗ, ổ gà, ổ voi… bản Mịt Sắm Phăn hiện ra trước mắt. Người dân ở đây đã tập trung từ sáng sớm để đón chờ đoàn. Mọi mệt nhọc trên khuôn mặt các thầy thuốc, kỹ sư trẻ vừa vượt qua chặng đường rừng dằn xóc chợt tan biến.

Đoàn y bác sĩ Việt Nam khám bệnh tại Attapeu

Trung tâm y tế của huyện đông nghịt người. Không để bà con chờ lâu, các y bác sĩ triển khai ngay công việc. Theo kế hoạch, đoàn sẽ khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho khoảng 500 người dân. Nhưng do quá nhiều người nghe tin tìm đến, đoàn phải khám liên tục hết số thứ tự, hơn 600 người, tới chiều mới xong. Tới giờ cơm trưa, các y bác sĩ phải chia nhau từng ca để không làm người dân phải chờ đợi, có người tới hơn 1 giờ mới ăn. Có bác sĩ, chỉ uống tạm bịch sữa, rồi lao vào khám bệnh. Dù trời đang mưa, giọt mồ hôi vẫn lăn dài trên gương mặt của những thầy thuốc trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diễm My - đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - luôn nhiệt huyết với công tác khám bệnh cho người dân những vùng còn khó khăn

Hai vợ chồng bà Sún (65 tuổi), ông Síng (62 tuổi) nghe tin có đoàn bác sĩ thiện nguyện từ Việt Nam qua, từ sáng sớm đã đưa các con vượt chặng đường rừng dài hơn 15km trên chiếc xe máy cày cải tiến (người dân gọi là xe tóc tóc) đi từ bản Pin Đông đến trung tâm y tế huyện. Các thành viên trong gia đình thường hay bị sốt, đau đầu, sổ mũi, sốt xuất huyết… nhưng do nhà nghèo, trạm y tế xa nên khi bệnh đến chỉ biết ở nhà chịu đựng cho qua cơn bệnh. “Các bác sĩ Việt Nam rất nhiệt tình đến đây để giúp người dân mình, không biết phải cám ơn thế nào cho đủ. Giờ mình đã có thuốc đau đầu, đau bụng, chữa sốt, sổ mũi… Khọp chay lái lai (cảm ơn rất nhiều)”, bà Sún chắp hai tay trân trọng.

Bác sĩ Thái Tuấn Vinh - đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM - tận tình kiểm tra sức khỏe cho người dân

Không chỉ ở những vùng xa xôi cách trở như Sanamxay, mà các huyện như Phu Vông, Saysetha, Sanxay, có những người dân cả đời chẳng biết bệnh viện, thuốc men là gì... Khi bệnh chỉ biết nằm nhà, cắn răng chịu đựng. Có những em bé áo quần tả tơi theo bà, theo mẹ đến khám được bác sĩ phát cho kẹo, cho thú bông cười vui hớn hở, lạ lẫm như lần đầu tiên được quà. Lê Bùi Thị Thảo Nguyên, chuyên viên gây mê hồi sức Bệnh viện Hùng Vương, xót xa: “Nhìn những người dân đang vây xung quanh mình, mùi mồ hôi lẫn với mùi quần áo cũ, họ ái ngại khi được yêu cầu cởi áo khoác ngoài ra… tôi chỉ muốn khóc. Tôi lại nhớ lời cô giáo từng nói khi lần đầu tiên dẫn chúng tôi đi thực tập ở Bệnh viện Chợ Rẫy: “Em không được khóc. Còn ai có thể tin tưởng những y bác sĩ chỉ biết khóc khi nhìn thấy bệnh nhân?”. Và Nguyên không khóc, cô giữ thái độ bình thản, nhưng có cái gì đó vẫn cứ nghèn nghẹn trong lồng ngực cô nhân viên y tế trẻ.

Nghĩa tình giữa bản nghèo

Đoàn thanh niên tình nguyện Việt Nam ghé thăm để trao nhà cho vợ chồng ông Bin (80 tuổi), bà Sáo (76 tuổi) ở bản Pọc, huyện Saysetha đúng lúc bà Sáo đang chuẩn bị bữa cơm tối. Bà Sáo hom hem ngồi dưới căn nhà sàn cũ kỹ, gió lật tơi tả các mái che. Bữa cơm tối nay của hai vợ chồng và các cháu chỉ là một nồi ốc bươu nhỏ, thêm vài cọng sả. Ông Bin cho biết: “Nhà tôi khó khăn lắm, tới từng này tuổi tôi vẫn phải đi làm ruộng thuê cho người ta nhưng vẫn không đủ ăn. Những ngày bệnh quá, tôi đành ở nhà. Người ta thấy tội thì làm giùm hoặc đem gạo qua cho. Ngày nào khỏe, hai vợ chồng đi rừng hái măng, ra ruộng bắt ốc. Tôi già rồi, mắt không nhìn rõ nữa nhưng vẫn phải đi thôi… Qua được bữa nào hay bữa đó”.

Vợ chồng ông Bin không có nhà ở 21 năm nay ông bà ở ké căn chòi rách nát của các con. Được đoàn thanh niên tình nguyện TPHCM xây cho căn nhà hữu nghị “Tuổi trẻ Việt - Lào” trị giá 40 triệu đồng, hai vợ chồng cứ ngó nghiêng mãi căn nhà mới; mấy đứa cháu còi cọc, cởi trần lem luốc cứ ôm chặt chân cột nhà mới… mắt tròn xoe nhìn những người khách lạ. 21 năm qua, ông bà chưa bao giờ dám mơ đến mùi gỗ mới, một góc nhà sàn ấm áp không gió mưa. Vậy mà giờ, họ đã ở đây - trong ngôi nhà này, có chiếu, có chăn, có bóng đèn… Hai vợ chồng không biết tiếng Việt để cảm ơn như thế nào, chỉ thấy từ trong ánh mắt họ lấp lánh bao nhiêu niềm vui và cả sự lạ lẫm giữa căn nhà mới. “Khọp chay, khọp chay lái lai…”, ông Bin, bà Sáo lặp đi lặp lại câu đó và nắm tay các chiến sĩ Kỳ nghỉ hồng đầy trân trọng, không biết bao nhiêu lần.

Tặng nhà hữu nghị ''Tuổi trẻ Việt - Lào'' cho gia đình khó khăn tại bản Pọc, huyện Saysetha

Không chỉ khám bệnh - phát thuốc miễn phí, tặng quà, tặng nhà cho người nghèo, tập huấn kiến thức sử dụng điện an toàn… các chiến sĩ Kỳ nghỉ hồng còn mong muốn người dân thay đổi các tập quán canh tác nông nghiệp lạc hậu bằng cách hướng dẫn cho họ những kỹ thuật nông nghiệp mới, hữu ích như cách làm phân hữu cơ vi sinh, cách trồng bắp, phòng trị bệnh và nâng cao năng suất nuôi bò…

Các chuyên viên - kỹ sư nông nghiệp tập huấn nông nghiệp, sản xuất phân hữu cơ vi sinh cho người dân tại huyện Saysetha

Trở lại Attapeu lần này, nhóm kỹ sư - nghiên cứu viên nông nghiệp không khỏi vui mừng vì những thành quả của năm trước. Anh Nguyễn Trường Giang (Đoàn Khối Bộ NN-PTNT TPHCM) hạnh phúc khi thấy ruộng lúa của bà con đã được gieo cấy thẳng hàng, kỹ thuật canh tác lúa mà các kỹ sư nông nghiệp TPHCM truyền đạt năm ngoái được người dân ứng dụng. Còn anh Phan Đức Duy Nhã, nghiên cứu viên Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dù lần đầu tiên đến với người dân Lào cũng không ngần ngại lặn lội cùng với cán bộ Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Attapeu khảo sát cách thức trồng trọt của bà con; lấy mẫu đất, mẫu các phụ phẩm nông nghiệp để nhanh chóng lên chương trình hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng trọt mới. Anh cho biết người dân ở đây trồng cây theo kiểu tự nhiên, chỉ dùng phân tươi bón lên đất nên rất nhiều tác hại và đã hướng dẫn bà con thực hành các khâu làm phân hữu cơ vi sinh từ các phế phụ phẩm nông nghiệp như: thân cây bắp, rơm rạ, thân đậu phộng, cây cỏ Lào, men vi sinh vật, cám gạo, nước đường… “Việc tạo ra phân hữu cơ vi sinh có rất nhiều cái lợi: tận dụng được phế phụ phẩm, cải tạo đất, giảm độc hại trên các loại cây trồng, đặc biệt là rau ngắn ngày. Bà con ở đây canh tác nông nghiệp là chính nên việc tập huấn các kỹ thuật nông nghiệp rất quan trọng, thiết thực, đánh trúng điều bà con đang cần”, anh Nhã cho biết. 

Người dân vui mừng khi nhận được quà tặng và các loại hạt giống các loại rau củ từ đoàn tình nguyện

Để truyền đạt được đầy đủ, trước khi đến Lào, từ TPHCM anh Nhã và các kỹ sư nông nghiệp đã soạn sẵn bài giảng điện tử rồi gửi trước cho các cán bộ Lào chuyển ngữ. Mỗi buổi học, người dân tập trung trong phòng trao đổi lý thuyết cách trồng trọt, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Sau đó, tất cả cùng ra ngoài thực hành. Ngoài việc hướng dẫn các kỹ thuật nông nghiệp mới, anh Nhã cùng đồng đội tặng cho người dân bình xịt thuốc trừ sâu và hơn 20 loại giống cây trồng như: rau thơm, dưa leo, húng lủi, rau cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, hành, lá hẹ, xà lách, ớt, bầu bí, khổ qua, cà chua, đậu bắp…

10 năm cống hiến thầm lặng

Vào những ngày tháng 7 hàng năm, trên nhiều bản làng của nước bạn luôn có bóng dáng của các chiến sĩ thanh niên tình nguyện Việt Nam. Trong suốt 10 năm qua, đã có hơn 350 lượt chiến sĩ Kỳ nghỉ hồng đã đến các tỉnh thành như Champasak, Attapeu, Sekong, Salavan, Vientiane… “Đây là năm thứ 10 chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng của thanh niên Việt Nam đến với chúng tôi. Rất nhiều hoạt động đã mang đến những giá trị cao đẹp về sự sẻ chia. Các bạn thanh niên tình nguyện đến đây đã làm việc không một chút nề hà. Hy vọng, những mùa chiến dịch sau sẽ gặt gái được nhiều thành công hơn nữa để góp phần tô thắm tình hữu nghị Việt - Lào đời đời bền vững”, ông Khăm Khun Sa May, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Attapeu bày tỏ.

10 năm qua, hình ảnh các chiến sĩ tình nguyện Kỳ nghỉ hồng Việt Nam không còn xa lạ với nước bạn

Những núi đồi chập chùng đất đỏ, những bản làng xa ngái, những ngôi nhà trên đồi nương đã lùi lại thật xa phía sau hành trình. Lời bài hát Tiếng hát giữa đêm rừng vẫn vang lên nhịp nhàng trên chuyến xe đưa các thanh niên tình nguyện trở về thành phố: “Tôi hỏi em trên cao giữa bầu trời/ Tìm giùm tôi một ngôi sao sáng soi đường/ Em nhìn tôi long lanh với nụ cười/ Sao tình nguyện là ngôi sao sáng nhất/ Cất tiếng hát với người thầy thuốc trẻ/ Vừa trực ca đêm đã vội bước lên đường/ Cất tiếng hát với người thầy giáo trẻ/ Vừa truyền tương lai vào từng trái tim hồng…”

VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục