Những ngày nghị lực

“Mệt không?”, tôi hỏi. Đầu dây bên kia, bạn tôi - Trúc Phương (điều dưỡng Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM), được đều động tăng cường truy vết và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở khu vực Gò Vấp - vội vàng: “Mệt nhưng mà quen rồi, ráng chút xíu nữa là xong”. Tôi biết, “chút xíu nữa” của bạn sẽ là trắng đêm...

Giữ mình

Chiều 31-5, đường sá vắng lặng hẳn, vì lệnh giãn cách toàn TPHCM theo Chỉ thị 15 đã bắt đầu từ 0 giờ ngày 31-5. Hơn 4 giờ chiều, đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), con đường ăn uống với nhiều hàng quán từ ăn vặt đến ăn no, cũng trở nên trống trải. 

Những ngày này, thành phố đang “giữ mình” thật kỹ, mọi người ai nấy tự giác hạn chế đi lại, hàng quán cũng chỉ bán mang đi. Trước đó, trong chiều muộn 30-5, thành phố nâng cao mức “giữ mình” hơn nữa, khi có chỉ đạo từ thành phố, ngành y tế sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên diện rộng, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Điều này khiến nhiều người mừng rỡ và vững tâm, vì lúc này an toàn sức khỏe là trên hết.

Qua điện thoại, Trúc Phương (điều dưỡng Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM) kể: “Đợt này tụi tui phải đi tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhiều nơi trong thành phố. Ráng thôi, chịu cực lúc này để dập được dịch. Mấy bữa đầu tôi chưa quen, cũng oải lắm, chứ bây giờ có thức xuyên mấy đêm cũng chấp luôn”. Nói xong, bạn cúp máy cũng lẹ để vào ca, đội ngũ tuyến đầu lúc nào cũng thế, tranh thủ từng giây từng phút để giữ bình yên và an toàn cho cộng đồng.

Những ngày nghị lực ảnh 1 Hình ảnh được nhiếp ảnh gia Giang Sơn Đông chụp tại Bắc Giang trong những ngày vừa qua. Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG

Bên cạnh đội ngũ y tế, lực lượng địa phương cũng ngày đêm trực ở các khu vực bị cách ly để kịp thời hỗ trợ người dân. Hai bạn trẻ Nguyễn Đặng Anh Khoa và Nguyễn Hoàng Việt (đều là sinh viên năm 3, Nhạc viện TPHCM, chiến sĩ dân quân thuộc Trung đội Dân quân phường 5, quận Bình Thạnh), tham gia bảo vệ các chốt phong tỏa, nơi cách ly y tế, tham gia hỗ trợ khử khuẩn tại những địa điểm tổ chức xét nghiệm cho bà con, vận chuyển đồ đạc, đồ ăn, thức uống đến nơi cách ly và những công việc hậu cần khác...

Khi hỏi về nguy cơ lây nhiễm ở những khu vực này, Anh Khoa bày tỏ: “Tôi và Việt, tình nguyện và cũng xem là trách nhiệm và nghĩa vụ, cùng với dân quân thường trực địa phương hỗ trợ phòng chống dịch. Tụi mình không hề sợ hãi hay do dự, thay vào đó, mình cực kỳ cẩn trọng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn trong công tác phòng chống dịch”. Giọng Khoa nhẹ tênh, như hẳn việc đó là việc của người trẻ.

Chia lửa

Chống dịch nhưng TPHCM vẫn không quên “chia lửa” với những tỉnh thành khác. Các bác sĩ, nhân viên y tế TPHCM tỏa về những điểm nóng về dịch ở nhiều tỉnh thành để chung tay hỗ trợ. Câu chuyện về bác sĩ trẻ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM “xuống tóc”, sẵn sàng vào tâm dịch, là hình ảnh đẹp được chia sẻ mấy hôm nay…

Ngày 25-5, nhiếp ảnh gia Giang Sơn Đông đến Bắc Giang với giấy giới thiệu từ Hội Nhiếp ảnh TPHCM, ghi rõ: “Hỗ trợ truyền thông”. Hẳn nhiều người sẽ băn khoăn, có cần trong lúc này không và vì sao lại là hỗ trợ truyền thông, tôi cũng có chung thắc mắc… Nhưng nghĩ lại thì cần chứ, có ngày ghi nhận hơn 100 ca nhiễm tại nơi này, cả nước hướng về Bắc Giang thì cần lắm những thông tin, hình ảnh chính xác từ nơi đây, bởi đối mặt với dịch bệnh, những tin giả rất dễ làm lòng người xô lệch, hoang mang, kể cả hoài nghi khả năng của đội ngũ y bác sĩ và năng lực chống dịch nước nhà.

Cuộc kết nối với anh vào tối 27- 5 không thành, sáng hôm sau trên trang cá nhân, anh viết vội mấy dòng: “Nhìn những em bé được mẹ ẵm trên tay đi vào bệnh viện mà khóe mắt tôi cứ cay cay. Theo tôi được biết, các xe cứu thương sẽ chạy xuyên đêm, vậy là ở nơi đây, từ các y bác sĩ tới bệnh nhân, họ lại trải qua một đêm trắng. Bắc Giang 2 giờ ngày 28-5-2021”.

Trưa 30-5, từ khu vực Bệnh viện dã chiến số 3 ở Bắc Giang về khách sạn, anh nối máy với tôi: “Bệnh viện dã chiến số 3 đã hoàn thành 90% rồi”.

Hỏi về một ngày của anh ngoài ấy, anh kể: “Cũng chưa biết nói lịch trình ngày mai thế nào hết, vì có đoàn hỗ trợ nào tới thì tôi cũng phụ họ vận chuyển. Có ngày từ 6 giờ sáng rồi thức trắng đêm ghi nhận những đoàn xe cứu thương đưa người từ các khu cách ly về khu vực bệnh viện dã chiến để điều trị”. 

Trước khi gác máy, anh không quên hỏi chúng tôi về tình hình ở thành phố và nói về lý do anh đến Bắc Giang: “Tôi sinh ra ở Bắc Giang, sau này sinh sống và làm việc ở TPHCM, nghe tin quê mình như thế, trong lòng cứ thôi thúc mình phải đi. Và tôi là một người chụp ảnh, nên phần việc hỗ trợ truyền thông cho nơi đây, tôi nghĩ sẽ phù hợp với mình nhất. Tôi muốn mọi người có thông tin, hình ảnh chính xác được ghi nhận từ Bắc Giang, chứ không phải nghe qua người này người kia, hay tin giả trên mạng xã hội. Đội ngũ ngoài này đang dốc hết sức để làm nhiệm vụ. Hãy tin tưởng vào tuyến đầu…”.

Những ngày thành phố giãn cách xã hội, những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch, chúng tôi gọi đó là “những ngày nghị lực”, bởi câu chuyện về những người dù ở tuyến đầu hay tuyến sau thật sự đáng cảm phục.

Nhà ở quận Tân Phú, trong hẻm có 1 gia đình gồm 5 người dương tính với virus SARS-CoV-2, cả con hẻm bị cách ly, kết nối qua mạng xã hội, anh N.H.S. kể: “Lúc đầu tôi cũng hết hồn vì công việc còn dang dở. Bình tâm lại, nhìn thấy mọi người ai cũng như mình thì tôi không than vãn nữa, tự tìm niềm vui trong cảnh khó. Mấy anh công an rất dễ thương luôn, nhà tôi ngay đầu hẻm, nên nhờ mấy anh mua đồ rất dễ. Mấy bạn dân quân thì chạy ngược chạy xuôi hỗ trợ mọi người trong công tác chống dịch, phải ngồi ngoài đường, vừa muỗi vừa kiến, 
thấy thương lắm”.

Tin cùng chuyên mục