MỘT
Có nơi gọi là thôn, có chỗ gọi là làng, nhưng nơi tôi sinh ra, từ xưa các cụ đã gọi là giáp; sau này là xóm. Giáp Nam, Giáp Bắc...; xóm 14, xóm 18, xóm 20...
Mỗi giáp, xóm cách nhau một cánh đồng và bao giờ giữa đôi bờ trù phú ấy cũng có một dòng sông. Sông Sẻ, sông Múc, sông Sò... Từ thuở khai phá, khẩn hoang cách đây vài trăm năm, Cụ Thượng Nguyễn Công Trứ và trước đó tổ thượng của chúng tôi - Cụ Trần Vu đã có tầm nhìn xa: quy hoạch vùng đất miền chân sóng này vừa an sinh, sạch khí, vừa mỹ quan, phong thủy... Có lẽ thế, thời trước, khi vua kinh lý qua đây đã phong tặng cho vùng đất này là mỹ tục khả phong, thiện tục khả phong...
Minh họa: A Dũng
HAI
Đến đời chúng tôi - những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, được thừa hưởng di sản của cha ông, sống trong những ngôi nhà cạnh bờ sông ắp đầy truyền thuyết, huyền thoại. Con sông quê hương, không của riêng ai, mà gần như của tất cả người Việt chúng ta, đều gắn bó với biết bao kỷ niệm vui buồn. Con sông quê hương; Dòng sông tuổi thơ; Khúc hát sông quê, Tuổi thơ tôi... chẳng đã đi vào thơ, nhạc, theo ta suốt cả cuộc đời đó sao?
Đối với riêng tôi, có cõi riêng, nỗi niềm khác. Những ngôi nhà dọc bờ sông ở quê tôi gắn liền với thế hệ những người cầm súng, đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước.
Sau chiến tranh, tôi khoác ba lô về quê. Đêm đầu tiên, tôi đi thăm gia đình bạn bè, đồng đội - những người đã nằm lại chiến trường, không trở về sau ngày toàn thắng.
Đi khắp lượt, tôi mới ngộ ra một điều. Hầu như tất cả các ngôi nhà dọc bờ sông quê thân yêu này đều đã hiến dâng cho đất nước ít nhất một người ruột thịt của mình. Đó là anh Chiễu, anh Khơi nhà cụ Hạo; anh Thanh nhà cụ Xán; anh Định nhà cụ Phức; anh Sắc nhà cụ Tắc; anh Thu nhà cụ Chi; anh Hòa nhà cụ Điều; anh Châu nhà cụ Hỗ; anh Chiến nhà cụ Cẩn... Và cả em trai tôi nữa - anh Thiềng nhà cụ Thắng.
Những chàng trai ấy là người cùng trang lứa với tôi. Trước đó đã có nhiều người thuộc lớp cha anh ngã xuống trong thời chống Pháp ở Điện Biên Phủ, Văn Đàn, Đông Biên, Xương Điền, Văn Lý...
Vì vậy, mỗi lần về quê, tôi đều dành khoảnh khắc linh thiêng lúc nửa đêm thả bộ dọc bờ sông để “trò chuyện” với những người đã khuất như là họ đang hiển hiện đâu đây.
BA
Những ngôi nhà dọc bờ sông, không chỉ đậm dấu ấn của những người đã khuất - đã hiến dâng đời mình cho đất nước mà cả những người đang sống cũng đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho hạnh phúc của toàn xã hội. Những người mẹ, người chị, người em gái hiến dâng cho đất nước theo cách riêng của mình - đó là sự hy sinh thầm lặng!
Tôi vừa đến thăm một bà mẹ liệt sĩ. Con trai mẹ là bạn thân của tôi thời còn cắp sách tới trường. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, con trai mẹ đã nằm lại chiến trường hơn chừng ấy năm, nhưng gặp tôi lần nào mẹ cũng hỏi: “Con về rồi, bao giờ thì thằng Thu nhà bác về?”.
Câu hỏi ấy giống câu hỏi của mẹ tôi “Con về còn em con đâu?”. Tôi chỉ biết lặng thinh ôm đôi vai gầy của mẹ. Biết đến bao giờ chúng tôi mới trả lời được “câu hỏi đời người” ấy?!
Còn nữa, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ trong ngôi nhà dọc bờ sông cứ đằng đẵng theo năm tháng. Tôi có những người chị, người bạn gái đã mòn mỏi mấy thập kỷ chờ đợi người yêu, người chồng từ mặt trận trở về, dẫu họ chỉ trở về trong hộp thiêng phủ đẫm cờ Tổ quốc.
Và, chiến tranh kết thúc đã mấy chục năm, những chàng trai ấy không thể trở về, thân thể các anh đã biến thành đất đai tổ quốc. Hồn đã bay lên thành linh khí quốc gia; khiến những người phụ nữ kia “hóa đá” như trong truyền thuyết.
Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ cháy lòng khi viết về những người đàn bà Việt Nam huyền thoại ấy:
Em đợi anh mấy mươi mùa mưa
Mùa mưa nào cũng đầm vạt áo
Chim sáo sang sông vẫn là chim sáo
Em đợi anh, con gái hóa bà già
Mấy chục năm, mùa mưa đi qua
Đếm hạt mưa gõ trên mái lá
Hạt mưa thì trôi còn em hóa đá
Chỉ trái tim hồng chín tháng năm
Em đợi anh từ thuở tóc còn xanh
Nay tóc bạc, mây trắng về vần vũ
Cánh đồng xưa và con đường cũ
Không sao quên được bóng hình anh....
BỐN
Những người còn sót lại sau chiến tranh trở về với những ngôi nhà cạnh bờ sông có cách tri ân quê hương, tưởng nhớ bạn bè, đồng đội theo cách riêng của họ.
May mắn về quê dịp cuối năm này tôi được dự lễ khánh thành cây cầu văn hóa bắc qua dòng sông có những ngôi nhà liệt sĩ ấy. Hai người lính thuộc thế hệ sau chiến tranh chống Mỹ nay đều là đại tá. Một đại tá quân đội, một đại tá công an. Hai người bạn “học chung một lớp” đã bỏ tiền bạc, công sức vận động cơ quan, bạn bè chung nhau xây dựng cây cầu cho quê hương. Số tiền không nhiều, nhưng ý nghĩa thật nhiều. Ngày khánh thành cầu cũng là ngày hội đoàn kết toàn dân. Tôi gặp lại các bà mẹ liệt sĩ, các người vợ, người chị “hóa đá” chờ người thân mấy chục năm nay mà không sao cầm được nước mắt.
NĂM
Bây giờ cuộc sống đã có phần đổi khác. Người ta tập trung lo làm giàu, làm quan và tìm mọi cách vun vén cho riêng mình. Điều ấy cũng dễ hiểu. Nhưng sẽ thật sự khó hiểu, nếu vì kế sinh nhai, lập thân, thăng tiến mà người ta lãng quên quá khứ; quên đi những “câu hỏi đời người” của các bà mẹ liệt sĩ; quên đi những gương mặt khắc khổ, tàn phai theo thời gian của những cô gái vốn một thời đẹp như trăng rằm, đang mòn mỏi đợi người từ mặt trận trở về; sẽ là một khiếm khuyết, một tội lỗi không thể nào tha thứ được!
Nửa đêm, trước khi tạm biệt quê hương, theo thói quen, thả bộ cạnh những ngôi nhà dọc bờ sông, tôi nghĩ thế!
Hải Hậu, tháng 12-2016.
TRẦN THẾ TUYỂN