Ngày 1-9, Hội nghị quốc tế “Những người bạn của Libya” đã diễn ra ở Paris (Pháp) có mặt đại diện 60 quốc gia để bàn về tương lai đối với quốc gia Bắc Phi thời kỳ hậu Muammar Gaddafi. Hội nghị này được các nhà bình luận chính trị ví như cuộc họp để chia phần quyền lợi kinh tế của các quốc gia từ mỏ dầu Libya.
Mở đầu hội nghị, các quốc gia có mặt đã công nhận chiến thắng của lực lượng nổi dậy ở Libya. LB Nga, Ukraine và quốc gia láng giềng của Libya là Algeria đã công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) là chính quyền hợp pháp. Bộ Ngoại giao Algeria tuyên bố sẽ không cho phép ông Gaddafi và người thân tỵ nạn chính trị ở nước này. Tờ Al Watan của Algeria ngày 1-9 dẫn nguồn tin từ chính quyền Tổng thống Abdelaziz Bouteflika cho biết, ông Gaddafi và gia đình hiện đang trú ở thị trấn Ghadames, khu vực biên giới giữa Libya và Algeria. Tuy nhiên, họ không được phép vào lãnh thổ Algeria.
Lợi ích dầu mỏ
Nhật báo Liberation của Pháp ngày 1-9 trích lá thư NTC gửi Qatar (quốc gia có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quân nổi dậy Libya) để thông báo việc NTC đồng ý cho Pháp khai thác 35% lượng dầu thô của Libya. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nói rằng ông không biết có hay không việc ký kết quyền khai thác nhưng theo ông đó là điều đương nhiên khi xét vai trò của Pháp với NTC trong thời gian qua.
Về trữ lượng dầu mỏ, Libya chỉ xếp vị trí thứ bảy trên thế giới, nhưng chất lượng dầu của quốc gia này thuộc loại tốt nhất. Vì thế, hội nghị ngày 1-9 không khác gì cuộc họp thăm dò để chia phần lợi của các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đã tích cực “giúp đỡ” phe nổi dậy Libya trong chiến dịch quân sự từ tháng 3 đến nay gồm Pháp, Anh, Ý. Và hiển nhiên, không thể không có phần của Mỹ. Báo Telegraph trích dẫn lời của Tổng thống B.Obama trong các bài phát biểu gần đây đã công khai nhấn mạnh việc Mỹ sẽ giành được phần đáng kể từ thị trường dầu của Libya.
Tuy nhiên, chính quyền của NTC đã khiến một số quốc gia có liên quan đến lợi ích dầu mỏ ở Libya như “ngồi trên đống lửa” khi tuyên bố sẽ xem xét liệu có hay không dấu hiệu tham nhũng trong các hợp đồng khai thác dầu mỏ được ký kết trong quá khứ. Nếu có tham nhũng, những hợp đồng sẽ hiển nhiên bị xóa. Điều này khiến nhiều quốc gia đã có các hợp đồng ký kết trước đó với chế độ Gaddafi phải lo ngại. Đầu tiên phải kể tới Nga, Trung Quốc và Đức, những nước đã bỏ phiếu trắng tại HĐBA hồi tháng 3 khi thông qua nghị quyết đóng cửa không phận Libya.
Vì thế, ngay trước thềm hội nghị, ngày 1-9, Nga đã chính thức công nhận NTC. Trung Quốc dù không công nhận NTC nhưng thái độ mới nhất của nước này là nhìn nhận phe nổi dậy là lực lượng có vai trò quan trọng và cần thiết để đàm phán.
Những mâu thuẫn trong quá trình phân chia lại lợi ích dầu mỏ tại Libya được dự đoán có thể làm nảy sinh những cuộc chiến tranh kinh tế không chỉ giữa những công ty mà còn có thể giữa các quốc gia.
Nội bộ mâu thuẫn
Trước khi hội nghị diễn ra, ngày 31-8 NTC ra tối hậu thư yêu cầu các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đến ngày 10-9 phải đầu hàng nếu không muốn đối đầu với “cuộc chiến cuối cùng”.
Hai con trai của ông Gaddafi đã đáp lại với hai thái độ trái ngược. Trả lời phỏng vấn của Reuters, chỉ huy lực lượng quân nổi dậy Libya, Abdel Hakim Belhadj cho biết con trai thứ ba của ông Gaddafi là Al-Saadi Gaddafi đang thương lượng để ra hàng.
Trong khi đó, qua đoạn ghi âm được phát trên kênh truyền hình Al-Arabiya, con trai thứ nhì của Gaddafi, Saif al-Islam Gaddafi (cùng ông Gaddafi bị Tòa án Hình sự quốc tế ICC phát lệnh bắt với cáo buộc chống lại loài người) vẫn khẳng định sẽ quyết chiến đến cùng với lực lượng nổi dậy. Saif tuyên bố hiện 20.000 người thuộc lực lượng trung thành đã sẵn sàng bỏ mạng để bảo vệ Sirte, quê hương và cũng là thành lũy cuối cùng của ông Gaddafi ở Libya.
Vẫn còn hàng ngàn dân di cư mắc kẹt ở thủ đô Tripoli Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), vẫn còn hàng ngàn dân di cư mắc kẹt ở thủ đô Tripoli và đang chịu cảnh màn trời chiếu đất, thiếu lương thực, nước uống và điều kiện y tế gần như bằng không. Sau khi LHQ chấp thuận việc Mỹ trả 1,5 tỷ USD tài sản của Libya bị phong tỏa, nhiều quốc gia phương Tây đã đề nghị LHQ giải ngân cho Libya. EU ngừng phong tỏa tài sản của 28 công ty Libya, gồm các cảng và ngân hàng, để cung cấp tài chính cho lãnh đạo phe đối lập và khôi phục nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này. |
Như Quỳnh