° Đã có 20.620 người tình nguyện hiến thi hài tại Đại học Y Dược TPHCM
Có sinh ắt có tử, âu cũng là quy luật cuộc đời. Câu chuyện bắt đầu từ những dòng chữ trong “Đơn xin hiến tặng xác cho khoa học” của những người tình nguyện hiến thân thể. Với họ, khái niệm về sự sống và cái chết như lẽ thường tình của một đời người. Bởi “thác là thể phách, còn là tinh anh”.
Quan niệm sống ấy là nét đẹp tiến bộ, giúp các chuyên gia ngành y và sinh viên có điều kiện nghiên cứu, học tập và ứng dụng thành tựu y học vào thực tiễn nhằm cứu sống nhiều người. Khoa học đã chứng minh rằng: khi người vừa mới qua đời, các bộ phận như mô, bó cơ, mạch máu… còn tốt, tức khắc được ghép cho người bệnh có nhu cầu sẽ mang lại đời sống gần như bình thường cho bệnh nhân đang chờ cứu. Có lẽ vì vậy, nên hàng năm cứ vào dịp tháng Chạp âm lịch, công tác chuẩn bị cho buổi “lễ tri ân” đặc biệt của Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) TPHCM được tổ chức đều đặn trong không khí trang trọng và ấm cúng.
Do phong tục, tập quán nước ta từ bao đời nay, vấn đề tâm linh giữa người sống và người chết rất thiêng liêng nên vấn đề hiến thân xác khi qua đời còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu tính từ năm 1993 đến nay con số 20.620 người làm đơn đăng ký tình nguyện hiến thi hài tại Trường ĐHYD TPHCM là không nhỏ. Điều đó nói lên sự chuyển đổi nhận thức của người dân hiện nay, coi đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa lớn về nhiều mặt. Cô Trương Thị Sao Mai, cán bộ bộ phận hiến thi hài của Trường ĐHYD TPHCM, cho biết: “Hàng năm, số người tình nguyện hiến xác cho trường càng tăng, ở độ tuổi từ 40 trở xuống chiếm khoảng 30% tổng số người đăng ký hiến xác. Đặc biệt, có trường hợp người đăng ký hiến xác ngay khi tuổi đời còn rất trẻ, sinh năm 1989”.
Theo lời hẹn trước, chúng tôi đến huyện Hóc Môn, TPHCM để gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Đ. (30 tuổi, là giáo viên một trường tiểu học ở Hóc Môn). Người giáo viên có vóc dáng nhỏ nhắn, khỏe mạnh này đã bộc bạch chân thành: “Khi còn học lớp 12 tôi đã có ý định hiến xác. Hiến xác nhân đạo là việc cứu người, không trái với tâm linh hay đạo đức nên cách đây 2 năm, tôi đã làm đơn đăng ký tình nguyện hiến xác cho Trường ĐHYD TPHCM”. Phải chăng, đây chính là quan điểm tiến bộ của những người biết thương yêu, biết kính trọng những gì còn lại!
Với lá đơn thủ tục hiến xác đơn giản, ngỏ ý muốn hiến, ký tên bên dưới với 2 người trưởng thành làm chứng, gửi tới cơ quan nghiên cứu mà mình muốn tặng, viết tay hoặc ghi theo mẫu có sẵn và thế là phần hiến xác nhân đạo hoặc hiến bộ phận cơ thể người, gần như đã hoàn tất về mặt pháp lý.
Anh Dương Thanh Ngọc (48 tuổi, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) đã rất xúc động khi kể về người cha quá cố của mình là ông Dương Thanh Sơn (quê Tiền Giang, ở số 69/8 Cao Thắng, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM; đã qua đời tháng 5-2013) bằng những lời thơ: “Đời trai trẻ cha đi làm cách mạng/Cuối cuộc đời cha phục vụ quê hương/Khi lìa xa cha dâng tặng thân xác/ Ôi! Trọn đời đẹp đẽ đến làm sao!”.
Anh Thanh Ngọc cho biết cách đây 2 năm, cha mẹ anh đều tự nguyện muốn hiến xác cho khoa học nên khi đi dự buổi lễ tri ân của Trường ĐHYD TPHCM, mẹ anh rất xúc động và tự hào khi thấy chồng mình đã toại nguyện. Hiện nay, số người tình nguyện hiến xác gồm đủ thành phần từ trí thức, học sinh, sinh viên đến công nhân, nông dân và cả các vị sư, ni sư và các cha xứ... Trong số này có rất nhiều gia đình cả nhà cùng tình nguyện hiến xác. Có người đã tình nguyện hiến xác còn vận động thêm mấy chục người thân, bạn bè đi hiến xác.
Chị Nguyễn Thị Ph. (hiện công tác tại Báo SGGP, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM) có người cha vừa mất năm 2013, để lại di chúc hiến xác cách đây 3 năm cho Trường ĐHYD TPHCM và tâm nguyện của chị sau này cũng muốn hiến xác như cha mình đã làm.
Có thể ngàn lời tri ân cũng không thể nói hết những tình cảm đẹp nhất bằng từ thân thương trên đời về tình người giúp nhau. Yêu lắm cuộc đời chân thật, giản dị mà cao quý. Họ đã và sẽ tự nguyện hiến xác cho ngành y học Việt Nam, điều đó thật tuyệt vời! Mong sao ngày càng được đón nhận nhiều người tình nguyện hiến xác cứu người hơn nữa. Họ ra đi nhưng còn đó lòng bao dung cao thượng vì cuộc sống ngày mai tươi đẹp, lẽ sống cho đi để còn mãi, vì rằng chính họ là những người bất tử!
LÊ KIM DUNG