Những người đi giữ màu xanh

Nắng nóng liên tục thời gian qua đã khiến hàng chục ngàn hécta rừng ở ĐBSCL có nguy cơ bị cháy. Để giữ màu xanh cho rừng, tết này, lực lượng bảo vệ rừng đã thay phiên nhau trực 24/24 giờ, đón tết giữa màu xanh đại ngàn.
Những người đi giữ màu xanh

Nắng nóng liên tục thời gian qua đã khiến hàng chục ngàn hécta rừng ở ĐBSCL có nguy cơ bị cháy. Để giữ màu xanh cho rừng, tết này, lực lượng bảo vệ rừng đã thay phiên nhau trực 24/24 giờ, đón tết giữa màu xanh đại ngàn.

  • Vất vả rừng Bảy Núi

Tính đến tháng 2 này, toàn vùng Bảy Núi có ít nhất 4 tháng không mưa, cá biệt nhiều khu vực hạn hán kéo dài 5 đến 6 tháng. Nắng nóng oi bức, khô hanh, nhiều con suối, đường ô xung quanh triền núi Dài, núi Cô Tô, núi Cấm bị cạn kiệt, thậm chí trơ đáy không còn nước. Khắp các sườn núi ở Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn… rừng đã ngả màu vàng úa, nhiều khu vực cây bị khô héo và chết đứng để lộ ra những vồ đá cheo leo. Có lẽ, núi Sam (thị xã Châu Đốc) là khu vực có biểu hiện nguy cấp nhất, do vách núi nơi đây thiếu chất mùn và cát nên rừng gặp hạn hán thì cây ngả màu ngay và dễ nhìn thấy nhất.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, mùa khô năm nay sẽ căng thẳng, vùng trọng điểm cháy hơn 6.800 ha, chiếm 55,84% diện tích rừng đồi núi và đồng bằng. Ông Trần Phú Hòa, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm An Giang, cho biết: “Với phương châm không để xảy ra cháy rừng đồi núi, nếu có sự cố cũng phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại nên dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng tôi phải cử lực lượng bám trụ, thường xuyên túc trực bảo vệ rừng. Từ trước tết, đơn vị K93 (Tỉnh đội An Giang) đã chủ động lên kế hoạch, quán triệt cán bộ và chiến sĩ đơn vị sẵn sàng tham gia chữa cháy nếu có sự cố.

Tuần tra bảo vệ rừng U Minh hạ. Ảnh: ĐẤT MŨI

Tuần tra bảo vệ rừng U Minh hạ. Ảnh: ĐẤT MŨI

Mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm Tri Tôn tách khu vực núi Tô thêm một Trạm kiểm lâm Cô Tô, chia sẻ gánh vác với các xã Cô Tô, Ô Lâm, An Tức và Núi Tô. Ông Pông Tốk, Bí thư Chi bộ ấp Phước Lợi – xã Ô Lâm nói: “Ăn tết nhưng đài truyền thanh xã luôn thường xuyên thông báo bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng bằng 2 thứ tiếng Việt và Khmer. Tết này ấp phải cử lực lượng tham gia canh rừng, vận động bà con cẩn thận củi lửa phòng khi xảy ra sự cố.

Anh Hứa Minh Khoa, Trưởng trạm Kiểm lâm Lương Phi cho hay, rừng núi Dài từ vồ Đá Bia đến Ô Cây Chương và Bụng Ông Địa bây giờ cực kỳ nguy hiểm; còn khu vực vồ Đá Bạc, Thalot, Nam Quy cũng đề cao cảnh giác. Suốt mấy ngày tết, anh em làm nhiệm vụ cứ buổi sáng ở vách núi bên này thì đầu giờ chiều lại chạy qua khu vực bên kia; hàng ngày từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới trạm cơm nước, nghỉ ngơi. “Năm nay có cái mới, hiệp đồng trách nhiệm với lực lượng dân quân tự vệ, có anh em tiếp tay tụi tui cũng đỡ, chứ chỉ lực lượng chuyên trách thì làm không xuể” – anh Khoa hồ hởi.

  • Nóng bỏng U Minh hạ

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, đã có 21.000ha rừng tràm U Minh Hạ đang bị khô nước, trong đó có hơn 3.000ha đang ở mức báo động cháy rừng cấp 4 (cấp nguy hiểm). Vào thời điểm khắc nghiệt này, những người làm nhiệm vụ giữ rừng phải đối mặt với nhiều gian nan. Họ sống trong căn chòi đơn sơ nằm giữa đại ngàn. Hàng ngày, công việc của những người giữ rừng bắt đầu từ rất sớm, với bữa sáng đơn sơ, rồi chia nhau len lỏi vào những cánh rừng, hay đứng gác hàng giờ trên thang cao để canh giữ cho những cánh rừng xanh mướt. Gian khó là thế, nhưng họ vẫn quyết bám giữ để rừng sinh sôi, phát triển.

Trạm trưởng Phạm Văn Đẹt, người có thâm niên 20 năm làm công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, tâm sự: “20 năm ăn tết ở rừng, dần rồi quen và cảm nhận được nhiều điều thú vị. Thời gian đầu người nhà chưa hiểu và thông cảm, khuyên tôi tìm một công việc khác, nhưng mỗi khi nhìn những cánh rừng xanh tốt, bạt ngàn tôi không đành lòng bỏ đi”. Mùa tết, các “chiến sĩ” giữ rừng được nghỉ một ngày về thăm nhà, rồi trở lại với công việc, trở lại với những cánh rừng thân yêu.

Công việc tuần tra canh rừng trong những ngày tết cũng không kém phần căng thẳng vì năm nay mùa khô đến sớm nên ngay từ Tết Dương lịch, anh em phải tập trung lực lượng, túc trực kiểm tra rừng 24/24 giờ. Vất vả là thế, nhưng anh em luôn lạc quan. Đối với họ, mỗi khi luồn rừng tuần tra đó là lúc họ cảm thấy hạnh phúc khi lắng nghe hơi thở của rừng vào xuân

T.ÂN – M.THƯỜNG

Nếu để xảy ra cháy rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch UBND các tỉnh, thành

Từ đầu năm 2010 đến nay, ở nhiều địa phương đã diễn ra tình trạng khô hanh kéo dài, nhiệt độ không khí trung bình cao hơn nhiều năm gần đây, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Đến nay, nhiều nơi đã xảy ra cháy rừng, đặc biệt là vụ cháy rừng lớn tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai vào ngày 8-2.

Trước tình hình trên, Thủ tướng vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng tại địa phương nào thì trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch UBND các tỉnh, thành...

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo, kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ...

L.NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục