Những người đón tết muộn

Đón giao thừa trên phố
Những người đón tết muộn

Cùng gia đình đón giao thừa, cúng tổ tiên trong đêm 30 và quây quần ấm áp trong những ngày đầu xuân là khoảng thời gian thiêng liêng, hạnh phúc nhất của mọi người trong những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, vẫn có những người phải đón tết muộn… vì chăm lo cho cộng đồng. Niềm vui lớn nhất của họ là góp phần làm cho mùa xuân an lành, vui tươi.

Những ngày giáp tết, công nhân vệ sinh vẫn miệt mài công việc.

Những ngày giáp tết, công nhân vệ sinh vẫn miệt mài công việc.

Đón giao thừa trên phố

Trong dòng người tấp nập mua sắp, dạo phố, hòa cùng tiếng xe gắn máy, xe ô tô, tiếng nhạc giai điệu mùa xuân rộn ràng là những tiếp chổi tre quệt sàn sạc xuống mặt đường của những anh chị công nhân vệ sinh.

Anh Nguyễn Việt Tiến (54 tuổi) đã gần chục năm gắn với nghề quét rác và cũng ngần ấy năm anh đón giao thừa trên đường phố.

 “Nhiều lúc nghĩ cũng thèm được giây phút vợ chồng, con cái cùng sum vầy đón giao thừa nhưng… biết làm sao được khi cái nghề đã vậy rồi chú ơi! Mà đâu phải một mình mình đâu, nào là cảnh sát giao thông, bác sĩ hay các anh bảo vệ cũng giống mình thôi”- anh Tiến tâm sự.

Năm nay anh lại tiếp tục đón giao thừa một mình khi được tăng cường làm vệ sinh tuyến đường Trần Hưng Đạo và khu vực chợ hoa xuân tại Công viên 23-9.

Từ Ba Tri (Bến Tre) lên thành phố, anh Hoài xin được vào Công ty Công trình công cộng quận 1 làm nghề quét rác. Vừa quệt mồ hôi anh vừa kể: Mới vào nghề nghe mọi người nói nghề này không có tết (không được nghỉ tết) mình không tin nhưng đến nay thì đã rõ. Thế là bao dự tính đưa vợ con về thăm ba mẹ, anh em đành gác lại vì mình phải làm tăng ca từ ngày 28 đến ngày mùng 3 Tết mới được nghỉ.

Góp phần làm cho những lễ hội tết tại TPHCM được thành công trọn vẹn còn có sự đóng góp rất lớn của lực lượng cảnh sát giao thông, công an. Khắp các các ngã tư và những tuyến đường lớn, khu vực trung tâm thành phố chúng ta luôn bắt gặp rất đông lực lượng cảnh sát giao thông, đang làm nhiệm vụ, tuần tra 24/24 giờ. Phần lớn trong số họ khi đặt chân vào ngành hầu như không ai biết hương vị đón giao thừa cùng gia đình. Thậm chí nhiều người vừa lập gia đình cũng phải để cho bà xã đón giao thừa… một mình.

Tết cùng người bệnh

Ở bệnh viện những y bác sĩ hầu như cũng không có khái niệm đón giao thừa, đi chơi tết.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện 115 cho biết: Nghề này là thế, đã chọn là phải chịu. Cứ theo ca trực mà làm nên giao thừa hay mùng 1 Tết bác sĩ, y tá không ở nhà cùng gia đình, con cái là chuyện thường.

Chia sẻ về chuyện nghề, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Khoa nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay: Đã theo nghề bác sĩ là phải chuẩn bị tâm lý trước. Đến ca phải trực, phải khám bất kể ngày thường hay lễ tết. Muốn lên kế hoạch chơi tết phải tính trước nửa năm để nhờ người trực thay may ra mới được.

Chuẩn bị “đón” tết, các bệnh viện Chợ Rẫy, Trưng Vương, Bình Dân… đã tăng cường các ê kíp trực cấp cứu. Trong đó, từ ngày 30 đến ngày mùng 3 Tết là cao điểm vì đa phần những ca cấp cứu thời điểm này là do tai nạn giao thông. “Nhiều khi ranh giới giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân chỉ tích tắc trong vài giây thôi nếu không có mình can thiệp thì sao đây…” – một bác sĩ thuộc Khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương tâm sự.

Mùa xuân sẽ chưa trọn vẹn nếu không có sự đóng góp âm thầm, miệt mài của những người làm “nghề không có tết”.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục