Những người giữ rừng đặc biệt

Trong khi nhiều cánh rừng phía Tây dần bị xâm hại, một số người dân ở vùng đồng bằng, ven biển miền Trung lại ra sức gìn giữ những mảng xanh còn sót lại để che chở, cưu mang nhiều loài chim trời, cá biển. Đó là câu chuyện chị em dâu ở Hà Tĩnh dành hàng chục năm giữ rừng cây nhỏ trong vườn nhà để cưu mang lũ chim trời đói rét. Hay chuyện 2 lão ngư gắn bó 8ha rừng bên đầm mặn Thị Nại bảo vệ làng quê của mình...

Rừng cây của chị em dâu

Ngoài trời đang giữa trưa một ngày cuối mùa khô năm 2021, nhưng ngồi giữa ngôi nhà nhỏ của bà Đinh Thị Trí (77 tuổi, làng Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), không khí thật mát mẻ vì được cả khu rừng sau vườn tỏa bóng che chở. Cơn gió phơn Tây Nam thi thoảng thổi phần phật cuốn những chiếc lá từ rừng cổ thụ bay xào xạc phủ đầy nền đất cát. Rót chén chè xanh mời khách, bà Trí và bà Bùi Thị Miện (79 tuổi, em dâu) kể về lịch sử dòng họ Đặng của chồng vì liên quan khối tài sản gia đình nhà chồng để lại. Hàng chục năm qua, 2 bà ra sức bảo vệ, tu bổ nơi này trở thành khu rừng nổi bật nhất của xã Cẩm Lạc bây giờ.

Bà Đinh Thị Trí (trái) và bà Bùi Thị Miện bên vườn cây nơi chim trời trú ngụ 
Ảnh: DƯƠNG QUANG
Bà Miện về làm dâu gia đình họ Đặng vào năm 1960, trước bà Trí 5 năm. Nhưng 2 ông chồng không may mất sớm, chị em bà Miện ở vậy nuôi nấng các con và giữ rừng cây nhà chồng. Nhắc đến tình cảm hai bên gia đình, bà Miện bộc bạch: “Chúng tôi là chị em dâu, nhưng đối xử với nhau còn hơn chị em ruột. Con cháu cũng yêu thương nhau như anh em ruột trong nhà vậy. Giờ tuổi tác cao nên chị em cứ quanh quẩn sau vườn nhà, bảo vệ khu rừng, bầu bạn với chim trời thôi”.

Đưa chúng tôi ra thăm khu rừng nhỏ, bà Miện liệt kê các loài cây rừng mà chị em bà từng ngày chăm sóc như: bài lài đá, mọ tró, mớc, lộc vừng, mẹng chèng, đẻn… Nhiều cây có đường kính chừng 30-60cm, có một số cổ thụ đã được trồng từ hơn trăm năm trước, đường kính một người ôm không xuể. Những năm qua, chị em bà Trí còn trồng thêm nhiều loài cây mới, giúp khu rừng rắn chắc hơn trước gió bão. Dưới tán rừng, hai chị em trồng thêm cam, bưởi, chè, chanh, chuối, khế, cau, mít… “Năm nào chúng tôi cũng trồng dặm thêm các loài cây. Có khi lên chợ huyện cách xa nhà hàng chục cây số mua cây giống về trồng. Cũng có lúc, chúng tôi mua lại cây rừng của người dân đào từ các núi trọc về trồng đủ loại”, bà Miện chia sẻ.

Hai lão ngư giữ 8ha rừng

Chúng tôi tìm đến làng muối cổ Diêm Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) nằm bên đầm Thị Nại. Ngôi làng này như khối cộng sinh với những mảnh ghép nhỏ, gồm: đồng làng - ao đìa - rừng cây ngập mặn. Ở Diêm Vân, 2 ông Nguyễn Văn Tường và Trần Hữu Khánh (cùng tuổi 76) được cả làng ghi ơn nhờ có công phục hồi, bảo tồn những cánh rừng mặn ven làng.

Lão ngư Trần Hữu Khánh đang tuần tra, bảo vệ khu rừng ngập mặn trên 4,5ha ven đầm Thị Nại. Ảnh: NGỌC OAI
Gặp chúng tôi, bà Đỗ Thị Nhung (67 tuổi, vợ ông Tường) tâm sự: “Ổng (tức ông Tường - PV) cứ ham hố làm chuyện hàng tổng mấy chục năm nay, chứ tiền phụ cấp giữ rừng mỗi năm được mấy trăm bạc thôi. Mấy năm nay ổng tăng huyết áp nhưng vẫn ăn dầm ở dề ngoài hồ tôm giữ rừng. Có hôm đang đi tuần rừng, ổng lên huyết áp suýt mất mạng, tui lo lắm! Thương chồng, tui cũng phải ra sức giúp ổng canh giữ rừng”. Ông Tường góp lời: “Thực ra, kể cả không có đồng tiền nào tui cũng phải giữ lấy rừng vì đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân nơi đây”. Đơn giản thế, nhưng ròng rã 13 năm trời, ông Tường bền bỉ cực khổ mới giữ được 3,5ha rừng như tấm khiên bên đầm Thị Nại.

Trên chiếc sõng câu (loại ghe cá nhỏ), chúng tôi được lão ngư Trần Hữu Khánh đưa ra thăm khu rừng ngập mặn 4,5ha trên 10 năm tuổi của mình. Tay khoát mái chèo, ông Khánh kể lại quá khứ của ngôi làng Diêm Vân và gia phả dòng họ Trần từ đời ông cố. Ký ức của ông Khánh về làng quê ven đầm Thị Nại xưa vẫn chỉ rặt những rừng cây bần, mắm, đăng, đước… Trước kia và bây giờ, bao người vẫn sống dựa vào cua cá ngoài đầm Thị Nại.

Hơn 10 năm trước, ông Khánh lập tổ ngư dân Diêm Vân (8 người) ra giữa đầm Thị Nại trồng 4,5ha rừng ngập mặn, bất chấp bao lời gièm pha vì bà con chưa hiểu dự án phục hồi rừng, cứ lo phá bãi đẻ cua cá, cản trở hoạt động đánh bắt của họ. Nhiều người kéo ra chống phá, đe dọa người trồng rừng. Cứ trồng được vài cây, tổ lại cắt cử cắm chòi giữa đầm canh chừng. Phải đến 5 năm sau, cây rừng lớn mạnh, thân vai vươn mình khắng khít bảo vệ làng, ao đìa tôm của làng tránh khỏi mấy đợt bão, đợt lụt trong khi mùa hè gọi cua cá về tán rừng, cả làng mới đổi cách nhìn về dự án.

“Bảo mẫu” chim trời cá nước

Ngồi dưới tán cổ thụ, chị em bà Trí kể lại những kỷ niệm về khu rừng sau hàng chục năm về làm dâu dòng họ Đặng, trong đó có những đàn chim trời hoang dã. “Hàng năm chim về nhiều lắm, chúng kêu chẽo chẹt, líu lo rất vui tai. Nào là cói, cò, vạc, diệc, ngàng… và nay thì thêm nhiều loài chim rừng, chim nước ngọt bay về đây làm tổ, chúng có màu sắc rất đẹp, hót hay chứ không kêu àng ạc như chim biển”, bà Trí giải thích. Để bảo vệ khu sinh sản, trú ngụ của các loài chim trời, gia đình bà Trí và bà Miện thống nhất giữ nguyên trạng cây xanh trong vườn, và mỗi năm trồng dặm thêm các loài cây mới. Hai bà còn cho giăng dây thép gai khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng vì mấy năm rồi, các vùng trung du miền núi Hà Tĩnh rộ lên nạn săn bắt chim trời. Những ngày mưa bão, giá rét, thương lũ chim trời, bà Miện và bà Trí ăn ngủ không yên. “Thương nhất là lũ chim nhỏ, không có đôi cánh lớn để bay xa tìm nơi trú đông, trú rét, cứ quanh quẩn vườn nhà nguy hiểm lắm”, bà Trí chia sẻ.

“Rừng mặn ông Tường” đang vươn mình già cỗi với nhiều cây bần, mắm, đước có tán lá và cánh tay dang rộng như một ngôi nhà lớn. Đi vào giữa rừng, chúng tôi có cảm giác đang lạc giữa các vườn sinh thái ở miền Tây Nam bộ. “Mấy năm nay, có nhiều chim bay về trú ẩn ở khu rừng do tôi bảo vệ: cò, diệc, bói cá, cồng cộc, cói, quốc…, còn có nhiều loài chim nhỏ khác như sáo sậu, cu, chích, sẻ, sâu... Để bảo vệ những đàn chim, hiện chính quyền đang hạn chế tối đa người lạ xâm nhập, kiên quyết xử lý những thợ săn chim bằng súng hơi, lưới cá”, ông Tường nói.

Buổi chiều, chiếc sõng câu của ông Khánh cắt ngang con sóng để trở về nhà. Trên mặt sóng nước đầm Thị Nại, thủy triều bắt đầu rút xuống, lộ lên những bãi bồi, tán rừng ngập mặn. Từng đàn chim trời ngàn vạn con trở về những ngôi nhà cây giữa đầm để kiếm ăn, trú ngụ. Từ các ngôi làng, nhánh sông, ghe tàu của ngư phủ bắt đầu chuẩn bị cho chuyến mưu sinh về đêm. Đoàn người lội giữa con nước mặn, mang theo nhiều dụng cụ đánh bắt đổ ra dưới các tán rừng để săn bắt cua cá. “Mấy khu rừng ngập mặn làm chỗ cho cua cá ở, chim trời cũng về trú ẩn sinh sản nhiều lắm. Cua cá đầm Thị Nại thơm ngon nức tiếng nên dân làng chỉ cần ra đầm làm 1 đêm là sống được”, ông Khánh kể.

Tin cùng chuyên mục