Nếu ở phía Bắc có trà Thái Nguyên đậm đà, ngọt chát thì phía Nam có trà B’Lao ngát hương sói, hương lài. Để có thương hiệu trà hương nổi tiếng này là biết bao trở trăn, tâm huyết và cả mồ hôi, nước mắt của người dân xứ B’Lao.
“Bà chúa” trà hương
Từ gần 100 năm nay, vẫn chưa có người nào, kể cả các bậc cao niên, biết chắc ai là người Việt đầu tiên đưa cây trà kết duyên với xứ B’Lao (tên gọi cũ của thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Nhưng điều chắc chắn, người đầu tiên đặt nền móng cho sản phẩm trà ướp hương đặc thù của B’Lao chính là bà Đỗ Thị Ngọc Sâm (chủ hiệu trà Đỗ Hữu).
Đã 88 tuổi nhưng ký ức về những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất B’Lao của bà Sâm vẫn vẹn nguyên. Bà kể, năm 25 tuổi, bà theo mẹ từ Huế vào B’Lao làm ăn. Những ngày đầu, do chưa có vốn liếng, gia đình bà phải đi làm thuê cho các đồn điền trà của Pháp, công việc chính là cắn hạt trà (bóc vỏ quả trà để lấy hạt làm giống). Vừa làm thuê kiếm sống, gia đình bà vừa khai khẩn đất đai để trồng trà. Thế còn giống trà? “Hồi đó các ông chủ người Pháp quản lý chặt lắm, không cho mang hạt giống ra ngoài. Tôi phải lén giấu mỗi ngày vài hạt vào “gô” cơm mang về. Được hạt nào ươm hạt nấy, đến khi vườn trà cho đọt, hái sấy bán thô, đủ sống qua ngày thì không đi làm thuê cho Pháp nữa” - bà Sâm thổ lộ.
Nghiệp làm trà ướp hương đến với bà Sâm thật tình cờ. Trong một lần uống trà, anh trai bà ngẫu hứng hái bông hường vi thả vào tách trà, uống thấy thơm ngon nên bảo bà ướp thử. Bà liền mua 2 chiếc bồ để ướp trà với hoa hường vi, lúc đầu chỉ để uống, sau này nhiều người đến nhà chơi, uống thử thấy ngon đặt mua làm quà. Đến khi nhu cầu tăng lên, bông hường vi không đủ để ướp (vì cây hường vi không hợp khí hậu vùng B’Lao), bà trồng thêm vườn hoa sói, hoa lài. Bà tâm sự: “Mỗi loại hương có một cách ướp khác nhau, nên phải tốn nhiều công sức để làm thử, mẻ nào không thơm ngon thì đổ bỏ, qua thời gian đúc kết được bí quyết”. Trà ngon, nên dù thời gian đầu chưa có thương hiệu, bao bì (chỉ gói bằng giấy báo) nhưng khách du lịch tuyến Sài Gòn - Đà Lạt vẫn tấp nập ghé mua. Nghe góp ý, bà Sâm nghĩ đến việc đặt nhãn hiệu cho sản phẩm trà hương để khách dễ nhớ. Và từ đó, nhãn trà Đỗ Hữu với biểu tượng con bồ câu trắng ra đời, nổi danh cho đến ngày nay.
Đưa hương trà bay xa
Trên lộ trình Sài Gòn - Đà Lạt, du khách ít ai không biết đến điểm dừng chân thưởng thức trà miễn phí Trâm Anh tại thành phố Bảo Lộc. Đây được coi là một cách thức tiếp thị thương hiệu khá thực tế và hiệu quả mà chủ hiệu trà Trâm Anh - ông Vũ Hùng Anh (63 tuổi) thực hiện từ 25 năm nay.
Xuất thân trong gia đình làm trà “nòi”, từ thời ông ngoại, rồi đến bố mẹ đều làm trà, nên việc tiếp nối nghiệp trà của ông Vũ Hùng Anh cũng là điều dễ hiểu. Ông kể, từ những năm 1950, ông ngoại của ông đã làm trà với nhãn hiệu Chín Phương, đến khoảng năm 1960, bố ông lấy nhãn trà Vạn Xuân, gia đình đã có nhà máy chế biến 10 tấn trà búp tươi/ngày. Tiếp nối nghiệp trà của ông cha truyền lại, nhưng không dừng ở việc trồng, chế biến trà, ông Vũ Hùng Anh còn tiến thêm một bước mang tính đột phá, đó là làm thương hiệu và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm trà của mình. Năm 1986, ông bắt đầu mở điểm thưởng thức trà miễn phí và giới thiệu trà ướp hương cho khách du lịch. Ông nói: “Làm kinh doanh thì ai cũng nghĩ đến lời lãi, nhưng đã có lãi thì tôi có quyền trích một phần để thết đãi khách, như vậy mới bền lâu. Hơn nữa, việc uống trà đã là truyền thống văn hóa, khách đến nhà thì phải có chén trà…”.
Lúc đầu, các tour du lịch Sài Gòn - Đà Lạt ít, một tuần chỉ vài chuyến nên chỉ cần kê 2 bàn là đủ tiếp khách, đến nay, quy mô tăng lên hàng chục lần. Hiệu quả của việc “quảng bá trực quan” này cũng thấy rõ, thương hiệu trà Trâm Anh được nhiều người biết đến, lượng hàng bán ra tăng lên. Hiện sản phẩm trà Trâm Anh đã có mặt ở 50 siêu thị trong nước với khoảng 50 tấn trà các loại/mỗi năm.
| |
Nam Viên