1.
Trong buổi khánh thành Tượng đài liệt sĩ Gạc Ma, có nhiều mẹ liệt sĩ đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Người đem lá thư ngả màu vàng ố, người đem đôi dép, người đem ba lô. Tất cả đều là di vật của các con còn sót lại.
“Những người mẹ Gạc Ma nói riêng và bao bà mẹ liệt sĩ của cả nước đều có một mẫu số chung đau thương mất mát. Đảng và Nhà nước mãi mãi tri ân, ghi ơn những người mẹ, người vợ liệt sĩ. Bởi chính các mẹ, các chị cho Tổ quốc những người con, người chồng ưu tú nhất. Các mẹ đã hóa thân vào đất nước để tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ của thế kỷ 20 và ngàn đời hậu thế”, nguyên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại buổi lễ khánh thành tượng đài.
Mẹ Trần Thị Huệ cất giữ cẩn thận lá thư của liệt sĩ Lê Thế ở quê nhà Đà Nẵng. Mẹ không nhớ đã bao lần khóc khi mở lại thư con, có một điều khiến mẹ luôn ray rứt, đó là được nhìn thấy nắm xương cốt của con, dù chỉ là mảnh san hô đem về từ biển. Đến Cam Ranh lần này, mẹ Huệ đem theo lá thư con trai để tặng cho phòng lưu trữ di vật liệt sĩ Gạc Ma trong khu tưởng niệm. Khi ban tổ chức mời mẹ Huệ lên sân khấu trao di vật cho nhà lưu niệm, mẹ Huệ tay run run đưa lá thư lên ngực như ôm con mình lần cuối.
Nước mắt lưng tròng, bà nói với chúng tôi: “29 năm qua tui giữ lá thư này và coi đó như xương cốt thằng Thế. Rất nhiều người đến xin, nhưng nay tui mới trao. Con trai tui được về đây rồi, phần nào cũng đỡ đau xót hơn”.
Mẹ Huệ kể, ngày anh Thế tạm biệt gia đình đi đảo Gạc Ma, anh mới 23 tuổi. Sau hơn 1 tháng nhập ngũ, mẹ nhận được lá thư anh gửi về từ một đồng đội. Anh Thế kể, chuyến đi biển trên tàu hải quân bị say sóng và hỏi thăm sức khỏe cả nhà. “Trong thư, nó cứ dặn đi dặn lại má giữ gìn sức khỏe, con sẽ về. Ai ngờ đâu chỉ ít ngày sau, tui nhận được tin nó hy sinh ngoài Gạc Ma”. Mẹ Huệ khóc. Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt gầy của người mẹ gần 70 tuổi.
Mẹ còn nhớ như in khuôn mặt đứa con trai: “Thằng Thế có tật nhỏ ở mắt trái nên đi khám nghĩa vụ mấy lần không đậu. Nó cứ nằng nặc đòi đi bộ đội nên tui đã đưa nó đi phẫu thuật. Nó hoạt bát lắm. Ngày trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nó ôm vai tui bảo “nhất định con sẽ trở về”. Ai ngờ đâu nó lại hy sinh…”. Đến Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời đón con từ Gạc Ma trở về, mẹ Huệ mặc bộ đồ đen. Bộ quần áo mà 29 năm trước, mẹ Huệ tiễn anh Thế lên đường ra Trường Sa xây đảo. Vẫn quần áo đen này, 29 năm sau, mẹ Huệ đón anh Thế trở về.
2.
Khi nhận được thư mời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mẹ Hà Thị Liên, mẹ của liệt sĩ Đào Kim Cương, đón xe đò từ Hà Tĩnh vào thành phố Nha Trang trước 2 ngày khánh thành Tượng đài Gạc Ma. Ngồi ở hàng ghế thân nhân gia đình liệt sĩ, khuôn mặt của mẹ Liên hằn sâu nỗi đau mất con.
Mẹ Hà Thị Liên áp má vào di ảnh liệt sĩ Đào Kim Cương bật khóc
Hình ảnh khiến chúng tôi không cầm được nước mắt, đó là khi mẹ Liên đến bên di ảnh liệt sĩ Đào Kim Cương treo trang trọng ở khu lưu niệm di vật liệt sĩ Gạc Ma. Hai bàn tay nhăn nhúm của mẹ Liên miết lên di ảnh, rồi sờ lên đầu, lên mắt con trai. Mẹ áp má rồi hôn liên tục lên di ảnh con mình. Trong đau xót tột cùng, mẹ Liên gọi: “Con ơi, Cương ơi, mẹ đón con về đây này”. Khi đoàn người di chuyển lên phía trên Công viên Hòa Bình, mẹ Liên vẫn nấn ná không chịu rời di ảnh con. Mẹ bảo: “Bao năm tui chẳng nguôi ngoai. Thằng Cương là đứa con hiếu thảo lắm. Khi hy sinh, nó mới 18 tuổi đầu. Tuy không sờ thấy thịt xương con, nhưng con đã có phần mộ ở đây, không còn nằm lạnh cóng ngoài biển khơi nữa, mẹ cũng yên lòng”.
3.
Ngoài hành trình từ thành phố Đông Hà - Quảng Trị vào Khánh Hòa đón con trở về từ biển cả, mẹ Nguyễn Thị Hằng, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, có một ước nguyện cuối đời là xin cho con trai út được biên chế chính thức dạy nhạc ở một trường cấp ba nào đó trong thành phố Đông Hà. Bà nói với chúng tôi trong nước mắt: “Ước nguyện cuối đời của mẹ là mong ước cho thằng con trai út có việc làm ổn định, vừa để sinh sống, vừa thờ phụng anh nó. Chừ nó nghèo quá, lương 3 triệu đồng/tháng nuôi 2 con nhỏ, vợ ốm đau. Tiền tuất của thằng Đông được 1,3 triệu đồng/tháng. Cả 5 con người có hơn 4 triệu đồng…”.
Mẹ Hằng chậm rãi bước lên từng bậc tam cấp, đứng trước di ảnh con trai, bà nghẹn ngào rơi nước mắt, gọi tên: “Đông ơi, má đến để đưa con về”. Bà quay sang nói với tôi: “Thằng Đông nhập ngũ năm 21 tuổi thì 22 tuổi nó hy sinh. Ngày nhận được tin, tui không tin nó chết, mà nghĩ nó bị thất lạc đâu đó giữa biển. Cho đến bây chừ, tui vẫn nhớ ngày nó chia tay đi Trường Sa. Nó bíu vào vai tui bảo, con đi sẽ về, má đừng khóc. Ai ngờ nó hy sinh thiệt”.
Thân nhân gia đình liệt sĩ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma
Chúng tôi đã bắt gặp trong buổi khánh thành tượng đài những người mẹ như thế. Nỗi đau vẫn còn đó trong lòng, nhưng các mẹ cũng hiểu, sự hy sinh to lớn của con mình chính là để giữ gìn bờ cõi, biên cương Tổ quốc. Ba người mẹ Nguyễn Thị Hằng, Hà Thị Liên, Trần Thị Huệ chỉ là 3 bà mẹ tiêu biểu trong nhiều người mẹ liệt sĩ Gạc Ma trong buổi khánh thành Tượng đài Những người nằm lại phía chân trời tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Còn những bà mẹ khác như mẹ Hồ Thị Đức - mẹ liệt sĩ Trần Văn Phương; mẹ Nguyễn Thị Đảo - mẹ liệt sĩ Trương Văn Thịnh; mẹ Phan Thị Đay - mẹ của liệt sĩ Võ Đình Tuấn… mỗi mẹ một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng, song đều có một nỗi đau chung là mất đi đứa con thân yêu máu thịt.
Sau 29 năm chờ đợi, ngày đón xương cốt các con từ biển trở về, chen lẫn nước mắt tuôn rơi là niềm tự hào kiêu hãnh. Bởi từ nay, các mẹ đã ấm lòng hơn vì xương cốt của các con mẹ được an táng trong lòng đất chứ không phải ngoài tầng sóng lạnh. Ngày 14-3, hay ngày rằm, tết, các mẹ không phải cúng vọng, mà ít nhất cũng được đến bên mộ thắp nén hương gọi đón con về.