Những sắc màu mỹ thuật

Cuối năm 2010, các phòng triển lãm của Trường Đại học Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật TPHCM và một số gallery tranh, gallery cà phê đã liên tục giới thiệu nhiều tác phẩm của các họa sĩ trong, ngoài nước.
Những sắc màu mỹ thuật

Cuối năm 2010, các phòng triển lãm của Trường Đại học Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật TPHCM và một số gallery tranh, gallery cà phê đã liên tục giới thiệu nhiều tác phẩm của các họa sĩ trong, ngoài nước.

Sau khoảng thời gian dài ít xuất hiện tại các phòng triển lãm, họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Trung đang trình làng những tác phẩm sáng tác trong năm 2010, có tên Xám, Trắng, Đen (trưng bày tại gallery Quỳnh, 65 Đề Thám, quận 1). Người xem có thể gặp lại những tác phẩm trừu tượng mới của ông được thể hiện qua những gam màu lạnh, bộc lộ những cảm xúc, những trải nghiệm, suy tư thật thâm trầm của nghệ sĩ về cuộc sống.

Nhóm họa sĩ quen thuộc của CLB Mỹ thuật người Hoa: Lý Tùng Niên, Lý Khắc Nhu, Lý Chánh Vân, Trương Lộ, Trần Văn Hải với cuộc triển lãm nhóm mừng năm mới tại 218A Pasteur, quận 3, vẫn điệu nghệ qua những nét vẽ đặc trưng tranh thủy mặc truyền thống, đồng thời vận dụng bút pháp hiện thực, đưa hơi thở cuộc sống hiện tại vào tranh. Cuộc triển lãm tranh Thầy và trò tại Trường Đại học Dân lập Hồng Bàng (1B/25 Thống Nhất, Gò Vấp) cũng vừa được các họa sĩ - giảng viên tổ chức khá công phu.

Đa dạng và tương đối mới mẻ, khởi sắc, các họa sĩ trẻ Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Hoàng Thuận Nhân (Himiko Visual Cà phê, 324 bis Điện Biên Phủ, quận 10), Đỗ Thiên Hương (Cà phê Ami, Khu du lịch Văn Thánh), Nguyễn Lý Phương Ngọc (218A Pasteur, quận 3)… đã và đang trình làng những tác phẩm mới với nhiều cố gắng tìm tòi nét riêng trong nghệ thuật giá vẽ.

Trở lại phòng tranh cá nhân Chân dung mộng mị của Nguyễn Lý Phương Ngọc, nữ họa sĩ trẻ nhất trong mùa triển lãm cuối năm nay, người xem bắt gặp một số cảm xúc khá thú vị. Đưa khách thưởng ngoạn đến thế giới nghệ thuật riêng của mình qua mảng tranh khỏa thân, tác giả tạo khoảng không gian đầy mộng ảo như sương khói bàng bạc và hòa tan cùng hình vóc, đường nét khá đẹp của người phụ nữ.

Tranh Nguyễn Lý Phương Ngọc thể hiện mạnh mẽ nhưng cũng lãng mạn, trong sáng, khoáng đạt khi sử dụng những “thủ pháp dùng hiệu ứng màu loang chảy tự nhiên nhưng cũng dựa vào đó để tạo hình… có thể lay động được bề mặt của tranh”, theo nhận xét của họa sĩ Uyên Huy.

Trái lại, từ những bức chân dung sắp xếp thành cụm như kiểu dựng hình (montage) của thủ pháp điện ảnh là một cách kể từng câu chuyện khá hóm hỉnh qua tranh của Phương Ngọc. Hai bức chân dung rời Khi tôi mười lăm tuổi Khi tôi xế chiều tạo sự đối lập khá dí dỏm nhưng cũng bộc lộ những cảm nhận và suy tư mang một chút triết lý về thời gian và cuộc đời của tác giả muốn sẻ chia cùng người xem.

Tranh chân dung của họa sĩ Nguyễn Lý Phương Ngọc.

Tranh chân dung của họa sĩ Nguyễn Lý Phương Ngọc.

Phòng tranh Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, số 5 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh đang trưng bày những tác phẩm điêu khắc thể hiện cuộc hành trình văn hóa, với tên gọi Nguồn khá sâu sắc và rất đẹp của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn.

Hội trường A của nhà trường cũng giới thiệu cuộc giao lưu mỹ thuật Hàn - Việt giữa nhóm họa sĩ Hàn Quốc Hae Sook Yong, Jin Sook Yoo, Jisu Kim, Soo Hyun Jeon, Soon Jong Lee, Sunmi Kim, Yen Sik Kim và 3 họa sĩ Việt Nam Nguyễn Thanh Trúc, Bùi Công Khánh, Nguyễn Thị Châu Giang.

Buổi tối, khai mạc cuộc triển lãm có tên rất lạ Xưởng làm bánh sầu riêng (Durian pie factory), đã gây sự hiếu kỳ cho các bạn trẻ trong nghề. Ngoài các thể loại tranh giá vẽ, hai họa sĩ Hàn Quốc đã giới thiệu tác phẩm video - art.

Qua tác phẩm Oh Gamdo (tạm dịch: Bức tranh đầy cảm xúc với chim quạ), họa sĩ Soo Hyun Jeon cho rằng anh đã mô tả sự nhàm chán của con người trước cuộc sống luẩn quẩn, lặp đi lặp lại nhiều điều một cách vô vị! Đây cũng là hiện tượng chung của nhiều nghệ sĩ chịu ảnh hưởng từ bài thơ cùng tên trên của Lee Sang, một nhà thơ Hàn Quốc nổi tiếng thế kỷ 20.

Hướng về nội tâm, Sự tan mất của họa sĩ Yen Sik Kim cố gắng tạo ấn tượng và cảm xúc “rất thực” về những ám ảnh trong đời thường ở mỗi con người. Tác phẩm được coi là cách thể nghiệm mới nhất của họa sĩ, khi anh sử dụng chất liệu sơn dầu cùng phấn màu pastel được pha trộn và nung chảy. Khi độ nóng tăng lên đã làm hình ảnh chân dung ban đầu bị tan biến dần. Đó cũng là ý đồ nghệ thuật của người sáng tác.

Nhìn lại, chỉ khu hẹp khoảng thời gian cuối năm 2010 nhưng qua một số hoạt động sáng tác, triển lãm, giao lưu đã cho thấy sự bộc lộ “những sắc màu” tương đối đa dạng, mới, mạnh mẽ của các nghệ sĩ mỹ thuật. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục