Những “sứ giả” bảo tồn nguồn nước

Theo Đài truyền hình nhà nước All India Radio (AIR), chính quyền bang Assam, ở Đông Bắc Ấn Độ, sẽ triển khai sáng kiến huy động 250.000 tình nguyện viên cho hoạt động giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn nguồn nước và các vấn đề liên quan đến môi trường.
Học sinh tại Ấn Độ được hướng dẫn cách sử dụng nước sạch
Học sinh tại Ấn Độ được hướng dẫn cách sử dụng nước sạch

Đây là một phần của Chương trình Jal Jeevan (tạm dịch: Cuộc sống của nước) do Thủ tướng Narendra Modi phát động vào năm 2019, nhằm cung cấp nước uống an toàn thông qua vòi cho các hộ gia đình ở các vùng nông thôn vào năm 2024.

Theo ông Kailash Karthik, Giám đốc Chương trình Jal Jeevan tại bang Assam, học sinh từ lớp 9 đến lớp 10 sẽ được chỉ định làm “sứ giả” về bảo tồn nước tại địa phương, gọi là Jal Doot. Các em sẽ có 2 ngày tập huấn tìm hiểu về nước sạch, việc đảm bảo vệ sinh và sức khỏe, cũng như nghĩa vụ với cộng đồng. Các em sẽ được tìm hiểu thực tế về cơ chế hoạt động của đường ống hệ thống cấp nước và những biện pháp bảo vệ môi trường.

Ông Karthik cho biết, các Jal Doot cũng sẽ được cung cấp các bộ dụng cụ kiểm tra thực địa để theo dõi chất lượng nước. Sau khi kết thúc khóa tập huấn, Jal Doot sẽ tuyên truyền tại địa phương cách kiểm tra nguồn nước sạch, sử dụng và bảo tồn nguồn nước đúng cách, tránh gây lãng phí tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Jal Doot sẽ tương tác với nhiều người trong cộng đồng để truyền tải thông điệp về vấn đề biến đổi khí hậu như giảm sử dụng rác thải nhựa, không lạm dụng thuốc trừ sâu hoặc phân bón khi trồng trọt. Tất cả những hoạt động tương tác với người dân địa phương và kết quả thu được sẽ được ghi lại trong nhật ký của Jal Doot.

Ông Karthik hy vọng rằng thông qua hoạt động ý nghĩa này, bản thân các em học sinh cũng sẽ có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề khí hậu, góp phần xây dựng một cộng đồng tiến bộ hơn. Việc khuyến khích học sinh tham gia vào kế hoạch bảo tồn nguồn nước nhận được sự ủng hộ không nhỏ từ dư luận Ấn Độ.

Ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sạch đang trở thành một trong những vấn đề nóng tại Ấn Độ. Theo FORCE, một tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ về vệ sinh và bảo tồn nguồn nước, Ấn Độ có dân số đông thứ hai thế giới nhưng lại quá ít nước sạch cho người dân. Trong số hơn 1,3 tỷ người, nhiều người chưa lường được hậu quả của vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng là một trong những yếu tố chính dẫn đến chất lượng sức khỏe kém của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Sự đô thị hóa thiếu kiểm soát ở những khu vực này dẫn tới việc nước thải tràn lan, không được xử lý. Ở khu vực đô thị, nước lấy từ sông, hồ, suối, ao, giếng được sử dụng cho các mục đích công nghiệp, sinh hoạt. Nước ô nhiễm có thể dẫn đến các bệnh như tả, lao, kiết lỵ, vàng da, tiêu chảy. Theo thống kê, khoảng 80% bệnh nhân mắc bệnh dạ dày ở Ấn Độ đều do nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm. Các chuyên gia cảnh báo nguồn nước bị ô nhiễm ở Ấn Độ đang khiến nhiều người dân bị ung thư và ảnh hưởng đến phát triển trí não của trẻ.

Theo báo Guardian, asen - hay còn gọi là thạch tín, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt kê là một trong 10 chất hóa học nguy hiểm đối với sức khỏe. Khoảng 300 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngầm nhiễm thạch tín, chủ yếu là những người sống ở Ấn Độ và Bangladesh.

Tin cùng chuyên mục