Nhân dân TPHCM vừa đón cái tết cổ truyền của dân tộc trong ấm áp, an bình. Đây là mùa sum vầy thứ 40 kể từ ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, thống nhất. Không dám nói rằng tất cả người dân đều có được cái tết đủ đầy, nhưng cũng không quá để nói rằng, tại TP đông dân nhất nước này, nhà nhà đều có tết.
Bên cạnh nguồn chăm lo “cứng” từ ngân sách Trung ương và địa phương, không thể không kể đến nguồn chăm lo rất lớn từ những tấm lòng trong xã hội. Tùy theo điều kiện của mình, không ít doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã làm công việc thiện nguyện này âm thầm, lặng lẽ.
Nhận thấy năm nay tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến người dân, nhất là người nghèo nên những ngày cận tết, chủ một tập đoàn kinh doanh lớn tại TPHCM đã quyết định không khánh thành tòa trung tâm thương mại rình rang như dự định mà tổ chức thật gọn nhẹ, không múa lân, không hoa và dành hết khoản kinh phí dự định tổ chức (khoảng 2,6 tỷ đồng) chuyển đến Ủy ban MTTQ TP, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo tết, xây nhà tình thương tặng người nghèo khó.
Đã có rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp chọn điểm du xuân của mình không phải là những địa chỉ du lịch nổi tiếng, xa xỉ mà họ lặng lẽ đến các nhà mở, mái ấm, các bệnh viện để thăm hỏi, động viên, tặng tiền - quà tết… như một sự sẻ chia. Có một sinh viên Trường Đại học Y Dược, mỗi ngày tiết kiệm 10.000 đồng để tết đến, anh đến bệnh viện lì xì, mừng tuổi bệnh nhi nghèo khó. Anh đã làm điều này thành một thói quen từ nhiều năm nay…
Tại Cần Giờ, một huyện nông nghiệp kinh tế còn nghèo khó nhưng tết này mạnh thường quân ở đây cũng đã góp 3 tỷ đồng trong tổng số khoảng 13 tỷ đồng mà huyện thực hiện chăm lo cho dân. Qua hệ thống MTTQ các quận - huyện, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã đóng góp khoảng 70 tỷ đồng; đóng góp qua Thành đoàn TPHCM khoảng 22 tỷ đồng để chăm lo dân...
Lâu nay, đã không ít người lo ngại rằng mặt trái của nền kinh tế thị trường sẽ làm người ta sống thực dụng, tính toán, làm tình người lạnh lẽo. Nhưng thực tế có thể thấy, khi đất nước bớt khó khăn, kinh tế phát triển, cuộc sống của bộ phận người dân được khấm khá, đủ đầy, con người lại có xu hướng hướng về cộng đồng để sẻ chia. Đây cũng là truyền thống, là đạo lý cao đẹp của người Việt Nam về tinh thần tương thân tương ái. Truyền thống, đạo lý ấy đã được được vun đắp từ những tâm hồn giàu có.
VÂN ANH
Các tin, bài viết khác
-
Báo SGGP thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng ở Đắk Nông
-
Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Đa dạng sinh học và Ngày Môi trường Thế giới
-
Quảng Bình: Ngày hội Nghĩa tình biên giới biển đảo
-
Nắng nóng tại Trung bộ
-
Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 4: Trả lại môi trường, không gian sinh hoạt cho người dân
-
Mực nước sông Mê Công đang cao hơn cùng kỳ khoảng 1,7-2,93m
-
Ươm mầm sống cho biển
-
Trong luật và ngoài luật
-
Không để người nghèo sa bẫy “tín dụng đen”
-
Lãnh đạo TPHCM thăm tân binh