Những thách thức đối với tân Tổng thống Nga

Ngày 7-5, ông Vladimir Putin tuyên bố nhậm chức tổng thống mà như ông nói là không dễ dàng trong bối cảnh nước Nga đã thay đổi. Nước Nga đã khác nhiều so với 12 năm trước, khi ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu và cũng khác so với 8 năm trước khi ông bước vào nhiệm kỳ thứ 2. Tình hình thế giới cũng diễn biến vô cùng phức tạp, với 12 năm trôi qua trong ngồn ngộn những sự kiện nóng hổi: 3 cuộc chiến lớn với nhiều cuộc chiến nhỏ khác, khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Và thái độ của phương Tây đối với ông Putin cũng đã khác.
Những thách thức đối với tân Tổng thống Nga

Ngày 7-5, ông Vladimir Putin tuyên bố nhậm chức tổng thống mà như ông nói là không dễ dàng trong bối cảnh nước Nga đã thay đổi. Nước Nga đã khác nhiều so với 12 năm trước, khi ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu và cũng khác so với 8 năm trước khi ông bước vào nhiệm kỳ thứ 2. Tình hình thế giới cũng diễn biến vô cùng phức tạp, với 12 năm trôi qua trong ngồn ngộn những sự kiện nóng hổi: 3 cuộc chiến lớn với nhiều cuộc chiến nhỏ khác, khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Và thái độ của phương Tây đối với ông Putin cũng đã khác.

  • Tham nhũng vẫn hoành hành, tiếng nói đối lập gia tăng

Năm 2000, thách thức lớn nhất của ông Putin là cuộc chiến chống khủng bố ở nước CH Tresnia. Lúc đó phương Tây đã gây áp lực rất mạnh với Nga, lên án cuộc chiến chống khủng bố của Nga là vi phạm nhân quyền, từ chối công nhận các phần tử Hồi giáo cực đoan đang giết hại thường dân mỗi ngày ở Nga là khủng bố, cho dù chính họ đã bị tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda “đâm vào tim”. Nhưng khi cuộc chiến kết thúc, tình hình Tresnia đã trở lại bình thường và nước CH này đang từng bước thay da đổi thịt thì không thấy họ nói gì đến miền đất này. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Nga vừa qua cho thấy cuộc chiến chống khủng bố của ông Putin là đúng hướng vì có đến 90% người Tresnia bỏ phiếu cho ông Putin. Giờ đây, cuộc sống ổn định ở Tresnia chính là thành tựu lớn trong sự nghiệp của ông Putin. Và đó cũng là thuận lợi lớn khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3.

Bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev tham gia tuần hành cùng người ủng hộ nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5 vừa qua tại thủ đô Mátxcơva.

Bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev tham gia tuần hành cùng người ủng hộ nhân Ngày Quốc tế lao động 1-5 vừa qua tại thủ đô Mátxcơva.

Thách thức thứ hai là kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn vào thời điểm ông Boris Elsin từ chức. Nhưng có thể nói hiện nay, tình hình kinh tế Nga không còn là vấn đề đau đầu nữa. Trong những năm qua, trong khi các nước Mỹ và EU rơi vào khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ dẫn đến khủng hoảng xã hội thì Nga lại có phần dễ thở hơn dù cũng bị ảnh hưởng.

Tham nhũng, một trong những quốc nạn của Nga cũng đang là thách thức cho người đứng đầu nhà nước Nga hiện nay. Những chính sách chống tham nhũng dù quyết liệt nhưng chưa mang lại hiệu quả. Dư luận dự báo nó sẽ còn là vấn đề đau đầu của ông không chỉ vì phải chiến đấu không ngừng nghỉ với tham nhũng để làm sạch bộ máy nhà nước, mà còn phải đối mặt với những lời buộc tội của phe đối lập. Tham nhũng cũng có thể là một nguyên nhân làm mất điểm của tổng thống trong tương lai nếu các giải pháp vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Trong khi đó, thời điểm hiện nay, các đảng đối lập bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn, có thể nói phần lớn là nhờ sự bùng nổ các mạng xã hội. 12 năm trước, xã hội Nga không phân hóa như bây giờ. Tuy vậy, nhà báo Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tạp chí Global Affairs của Nga nhận định, chắc chắn rằng, khi Tổng thống Putin kết thúc nhiệm kỳ vào 6 năm tới, người Nga và thế giới sẽ nhìn ông Putin bằng cái nhìn khác. Với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và có phần bảo thủ, ông sẽ được nhìn nhận là một nhà lãnh đạo thành công trong việc đưa nước Nga vượt qua những biến động trong tương lai.

  • Khó khăn hơn trong quan hệ với phương Tây

Năm 2000, các nhà lãnh đạo phương Tây không biết nhiều về ông Putin, chỉ biết đó là một nhà lãnh đạo trẻ và từng là thành viên của cơ quan tình báo Liên Xô. Họ còn có vẻ phần nào yên tâm vì đó là sự lựa chọn của Tổng thống lúc bấy giờ là Boris Elsin, người khá thân phương Tây. Nhưng chỉ trong 4 năm đầu, họ nhận ra ông Putin không phải người họ “chờ đợi”, không “dễ thỏa hiệp” với phương Tây và quan trọng hơn, dưới sự lãnh đạo của ông, nước Nga thật sự trỗi dậy.

Lần này, ông Putin trở lại Điện Kremli, báo chí phương Tây vẫn chưa thôi cay cú và chỉ đưa thông tin đậm về các cuộc mít tinh của phe đối lập Nga phản đối ông Putin mà không đề cập đến cũng ngần ấy cuộc mít tinh ủng hộ ông Putin. Họ cũng nhấn mạnh chi tiết ông Putin thắng cử với tỷ lệ ủng hộ thấp hơn 8 năm trước. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tỏ ra quá trịch thượng khi kết quả bầu cử được công bố một tuần rồi mới gửi điện chúc mừng ông Putin. Một số lãnh đạo các nước EU cũng chỉ chúc mừng vài ngày sau khi có kết quả bầu cử.

Có thể nói ông Obama và các lãnh đạo EU biết chắc không thể lật được thế cờ, nhưng vẫn chần chờ việc chúc mừng như cố ý làm mất mặt vị tổng thống tương lai của nước Nga. Nhưng có một thực tế là ông Obama và một số nhà lãnh đạo phương Tây “đã quên” tỷ lệ phiếu bầu mà ông Putin đạt được (63,6%) cao hơn bất kỳ phiếu bầu mà các nhà lãnh đạo này đạt được trong cuộc bầu cử ở nước họ. Ví dụ như ông Obama chỉ đạt được có 53% phiếu bầu phổ thông trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ông Sarkozy đạt được 53,4% khi đắc cử Tổng thống Pháp năm 2007…

Vấn đề đầu tiên mà phương Tây phải giải quyết với ông Putin là việc Mỹ và NATO cùng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ngay tại các nước sát biên giới với Nga. Thái độ cứng rắn của ông Putin sẽ không cho phép Nga lùi bước trước bất cứ sự leo thang nào trong cuộc chạy đua phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Việc NATO cương quyết không cam kết bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO không nhằm vào an ninh nước Nga cũng là một bằng chứng cho thấy Nga khó có thể tin tưởng vào NATO. Còn đứng từ góc độ lịch sử thì rõ ràng NATO là di sản của chiến tranh lạnh.

Thứ hai là tiến trình tự do hóa thương mại ở Nga. Nga chưa được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới và hiện các nước thường lấy các cuộc đàm phán về hiệp định cho phép Nga vào WTO để gây áp lực với nước này về mở cửa thị trường, cạnh tranh hàng hóa. Thế nhưng quan điểm của ông Putin là Nga cũng nên vào WTO nhưng không có nghĩa là vào bằng mọi giá. Như vậy, cơ hội để họ gây áp lực với Nga có vẻ không nhiều.

Thứ ba là nguồn cung cấp khí đốt. Dù muốn dù không các nước châu Âu cũng không thể gây căng thẳng với Nga quá mức. Hiện nay Nga và một số nước EU đã bắt đầu xây dựng các đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” và “Dòng chảy phương Bắc” thẳng từ Nga sang châu Âu mà không qua Ukraine là nước hay “làm khó” cả Nga và châu Âu, nhưng chỉ cần Nga khóa van khí đốt thì 1/3 châu Âu sẽ không thể sưởi ấm trong mùa đông cũng như vận hành các nhà máy sản xuất.

Xét cho cùng, dù người đứng đầu nhà nước Nga là ai, vì lợi ích quốc gia của mình và an ninh toàn cầu, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng phải hợp tác với ông Putin, mà còn phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề trên. Hiện nay ông Putin 59 tuổi, khi hết nhiệm kỳ thứ ba ông mới 65 tuổi và có lẽ còn thừa sức lực và trí tuệ để đảm đương tiếp nhiệm kỳ thứ tư. Có lẽ đó thật sự là điều tiếp tục ám ảnh phương Tây. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, nếu như Tổng thống Mỹ Obama tái đắc cử nhiệm kỳ nữa thì khi ông mãn nhiệm, vị tổng thống tương lai của Mỹ vẫn phải tiếp tục làm việc với ông Putin. Điều lo ngại nhất của phương Tây là quan điểm mà ông Putin luôn luôn bảo vệ: nước Nga phải thật sự là một cường quốc. 

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục