Lâu nay, ngoài thung lũng Silicon thì các thành phố lớn khác của Mỹ như New York, Boston và Seattle cũng đã được biết đến là cái nôi để các công ty vừa khởi nghiệp phát triển. Các nhà đầu tư mạo hiểm thường nhắm đến khu vực này để cung cấp vốn cho các công ty ở giai đoạn khởi đầu, sở hữu những dự án có nhiều tiềm năng.
Phần lớn số đó là các ý tưởng về công nghệ thông tin. Với xu thế không ngừng cạnh tranh để giành lấy thị phần béo bở từ những ý tưởng công nghệ mang tính ứng dụng cao, các công ty đến từ các thành phố Toronto, Waterloo, Vancouver và Montreal của Canada ngày càng chứng tỏ được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tác giả Katherine Barr, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ Canada (C100), đã có bài viết “Vì sao dòng tiền đầu tư mạo hiểm đổ về Canada trong năm 2014?” trên trang Venture Beat.
Trong 5 năm gần đây, Canada đã có sự “lột xác” đáng kể. Từ hình ảnh là đất nước chuyên sâu công nghệ sinh thái, thân thiện môi trường, quốc gia Bắc Mỹ này đã tạo được bước ngoặt riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hàng loạt tên tuổi mới xuất hiện, hoạt động trên nền tảng mạng xã hội và hình thức buôn bán trực tuyến đã ghi điểm tích cực. Đây là những công ty chuyên cung cấp phần mềm dịch vụ. Nổi bật là HootSuite, Kik, Indochino trong quản lý mạng xã hội; Vidyard trong tiếp thị bằng hình ảnh; FreshBooks cung cấp giải pháp điện toán đám mây; Desire2Learn và TopHat trong giáo dục trực tuyến…
Điều gì đã giúp các công ty còn non trẻ ở Canada hấp dẫn nhà đầu tư? Đó chính là mô hình kinh doanh bền vững, tạo được lợi nhuận, tập trung giải quyết được hàng loạt vấn đề. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến những sáng kiến hợp lý, trong đó có sáng kiến dỡ bỏ phần 116 trong Luật thuế Canada năm 2009 để hạn chế những rào cản pháp lý phức tạp để các nhà đầu tư (chủ yếu là Mỹ) mạnh dạn rót tiền vào. Từ tháng 4-2013, Canada đã khởi động chương trình Start-Up Visa nhằm thu hút những doanh nhân mới được cho là sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến định cư. Mới đây, Rogers (nhà phân phối mạng lớn nhất của Canada) đã thẳng thừng từ chối phân phối Z30 - mẫu điện thoại thông minh mới và mạnh mẽ nhất của BlackBerry. Đây là thông điệp mà Canada muốn gửi đến hàng trăm ứng viên non trẻ khác rằng họ vẫn luôn có cơ hội.
Những “đại gia” trong ngành công nghệ của Mỹ đã nhanh chóng bắt lấy cơ hội để đầu tư. Tập đoàn Oracle (Mỹ) đã chi 871 triệu USD để mua lại Eloqua (công ty sản xuất phần mềm quảng cáo tự động) và 1,9 tỷ USD mua lại Taleo (cung cấp dịch vụ công nghệ điện toán đám mây) của Canada để củng cố sức mạnh của mình. Tập đoàn Salesforce.com cũng đã thâu tóm Radian6 của Canada (với dịch vụ giám sát mạng xã hội) với giá 326 triệu USD. Facebook, Amazon, Google, Twitter và Square cũng đều có văn phòng ở Vancouver, Toronto, Waterloo và Montreal của Canada để tận dụng nguồn nhân lực công nghệ tại chỗ. Công ty Kobo (phát triển phần mềm đọc sách miễn phí) đã được Rakuten (Nhật Bản) mua lại với giá 315 triệu USD, nay đã tạo được lợi nhuận hơn 1 tỷ USD.
Canada đang thể hiện rõ quyết tâm xây dựng thị trường mở. Chỉ cần ý tưởng, năng lực và dám thực hiện, một “tân binh” hoàn toàn có thể vượt qua được những tên tuổi lớn để thu hút đầu tư để biến thành “gã khổng lồ” trong thế giới công nghệ
Như Quỳnh