Những trẻ mồ côi mang họ Nguyễn Phước

Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh đã ngoài 60 tuổi, gần 17 năm nay trụ trì chùa Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng là thời gian sư cô gắn cuộc đời mình với bao trẻ thơ bất hạnh.
Những trẻ mồ côi mang họ Nguyễn Phước

Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh đã ngoài 60 tuổi, gần 17 năm nay trụ trì chùa Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng là thời gian sư cô gắn cuộc đời mình với bao trẻ thơ bất hạnh.

Năm 1997, khi mới về chùa được vài tháng, sư cô ngỡ ngàng khi có người dắt 3 đứa trẻ quê Quảng Trị đến gửi nuôi. Người ta bảo rằng, ba mẹ chúng đi làm ăn xa rồi biệt tăm không thấy về, không có ai nuôi nấng nên chỉ biết đến nương nhờ nhà chùa. Thấu hiểu được sự bất hạnh của trẻ nhỏ, sư cô nhận nuôi. Tiếp đó, có cháu được người thân dắt đến gửi nuôi bởi gia đình họ quá nghèo, có cháu vào chùa vì cha chết, mẹ mắc bệnh ung thư; có cháu bị bỏ rơi do dị tật tay chân hay bại não; có cháu sinh ra sau những cuộc tình vụng trộm, lầm lỡ rồi mang đến bỏ trước cửa chùa…

Sư cô Minh Tịnh nhận nuôi dạy “đứa con” thứ 100 của mình.

Sư cô Minh Tịnh nhận nuôi dạy “đứa con” thứ 100 của mình.

Hàng chục đứa trẻ đến với sư cô Minh Tịnh với mỗi cái “duyên” khác nhau, trong số đó, rất ít ai biết được gốc gác đời mình. Tuy vậy, những đứa trẻ ấy lại thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như anh chị em ruột thịt trong nhà. Ai cũng được sư cô bồng bế đến chính quyền địa phương làm giấy khai sinh, đặt tên thì lấy họ Nguyễn và chữ lót là Phước, nếu là bé gái sẽ có chèn thêm chữ Thị. Hỏi về cách đặt tên này, sư cô giải thích: “Các cháu được sống làm người trong tình cảnh nghiệt ngã, trớ trêu này là phải nhờ đến phước đức mới có, nên sư cô dùng chữ Phước. Hơn nữa, lỡ sau này có đứa không xuất gia theo nghiệp tu hành mà về lại với đời để sống… thì anh em chúng còn biết để nhận ra nhau”.

Hiện, sư cô Minh Tịnh và 5 bảo mẫu (vốn là người xin vào chùa sống và làm công đức) nuôi dưỡng 5 trẻ sơ sinh, 36 trẻ dưới 3 tuổi và trên 50 cháu từ 3 đến 15 tuổi, chưa kể đến các cháu đã trưởng thành đã ra khỏi chùa hoặc đang học các trường trung cấp, cao đẳng của TP. Ngoài 2 sào ruộng lúa, sư cô còn nhận làm dịch vụ nấu thức ăn chay cho các đám tiệc, rồi bán những gánh hàng chay như bún, mì, cháo… ở chợ Miếu Bông. Số tiền kiếm được, sư cô phải tính toán, chi li, tiện tặn để lo từng miếng ăn, manh áo, sách vở để bọn trẻ đến trường. “Biết tính trẻ con hay tranh giành, tị nạnh nhau nên mỗi lần sắm sửa cái gì, cũng chia đều cho mỗi đứa” - sư cô Minh Tịnh tâm sự.

VÕ NHƯ TRANG

Tin cùng chuyên mục