Những việc cần làm ngay

Những việc cần làm ngay

Ngày 17-5-1996, UBND TPHCM ra thông báo: “Tạm xác định 108 đối tượng đã được Chương trình nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đưa vào danh mục (cần bảo tồn) và sớm soạn thảo quy chế tạm thời để thực thi công tác này trên địa bàn TPHCM”. Rõ ràng kết quả nghiên cứu của kết quả nhà khoa học đã được lãnh đạo thành phố chấp thuận. Vậy thì với lý do gì mà kết quả nghiên cứu này được “cất giữ” quá lâu như vậy? Câu chuyện của 15 năm trước, bây giờ tìm đâu ra câu trả lời chính xác?

Chỉ sau một cơn mưa, đường Kinh Dương Vương đã bị ngập sâu. Ảnh: KIM NGÂN

Chỉ sau một cơn mưa, đường Kinh Dương Vương đã bị ngập sâu. Ảnh: KIM NGÂN

Thế nhưng, điều quan trọng bây giờ không phải là tìm ra câu trả lời mà là làm sao để những nghiên cứu mà Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện trong thời gian tới đây không bị “xếp cất” như nghiên cứu trước kia. Lần này, với sự có mặt của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài với chức danh Trưởng ban, các nhà khoa học sẽ có điều kiện nghiên cứu và đề xuất những giải pháp cho công tác bảo tồn hơn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ. Và quan trọng hơn cả, nếu những nghiên cứu ấy được thừa nhận, chúng sẽ có điều kiện được hợp pháp hóa.

Theo một báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) TPHCM, chỉ trong các đợt ngập lụt thông thường hiện nay ở thành phố, tỷ lệ đất bị ngập đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, tại quận 7 đã có khoảng 972 ha đất bị ngập, tăng khoảng 27% so với thời gian trước; quận 8 có khoảng 661 ha đất bị ngập, tăng khoảng 24%; huyện Bình Chánh có 3.939 ha đất bị ngập, tăng khoảng 15%; huyện Nhà Bè cũng ở tình trạng tương tự với khoảng 1.604 ha đất bị ngập, tăng khoảng 16% so với trước…

Tình trạng ngập này, theo Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH, sẽ làm hư hại rất nhiều công trình xây dựng như đường sá, cầu cống, các công trình kiến trúc khác… Trong tương lai, nếu tình trạng ngập không được cải thiện đáng kể thì hơn một nửa nút giao thông hiện có và dự kiến sẽ có, hàng chục km đường sắt (metro) mà TPHCM sẽ xây dựng trong tương lai cũng như hàng chục ngàn công trình xây dựng khác sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập úng.

Kiến trúc sư Võ Kim Cương, Hội Kiến trúc sư TPHCM và ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đều cho rằng tình trạng ngập nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến độ bền của các công trình, nhất là các công trình cổ, đã xây dựng từ lâu. “Nước ngập có thể làm mục, làm yếu các kết cấu, nhất là khi các kết cấu này đã cũ kỹ”, kiến trúc sư Võ Kim Cương nói.

Tuy nhiên, BĐKH không chỉ là… ngập nước. Các diễn biến thất thường của thời tiết như nóng quá, nóng kéo dài, mưa trái mùa… cũng là những biểu hiện khác nhau của BĐKH và điều này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, kiến trúc sư Võ Kim Cương cho biết thêm.

Trước những diễn biến bất lợi này, kiến trúc sư Tâm Thảo, Phó Phòng Khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng, tốt nhất thành phố nên có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn những bất lợi của thời tiết tác động lên các công trình kiến trúc cổ và các công trình kiến trúc có giá trị khác. Đối với các công trình nằm ở các khu vực có khả năng bị ngập cao thì nên có kế hoạch di dời đến nơi cao hơn hoặc có kế hoạch đắp đê ngăn nước; xây dựng kế hoạch trùng tu các công trình đã có biểu hiện xuống cấp… Việc phòng ngừa, về cơ bản không những có chi phí rẻ hơn chi phí xử lý hậu quả mà riêng đối với nhiều công trình kiến trúc cổ, phòng ngừa còn có ý nghĩa giữ gìn, lưu giữ lại cho đời sau bởi một khi đã bị sự cố, khó mà phục hồi lại được như cũ.

Sơn Lam

Tin cùng chuyên mục