Những ý tưởng “xanh”

Máy ấp trứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời, nghiên cứu tái chế dầu mỡ trong nước thải nhà hàng khách sạn làm nhiên liệu sinh học, xe điện scooter tiết kiệm năng lượng… là những sản phẩm sáng tạo của các bạn trẻ tại cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2011” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TPHCM tổ chức.
Những ý tưởng “xanh”

Máy ấp trứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời, nghiên cứu tái chế dầu mỡ trong nước thải nhà hàng khách sạn làm nhiên liệu sinh học, xe điện scooter tiết kiệm năng lượng… là những sản phẩm sáng tạo của các bạn trẻ tại cuộc thi “Sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2011” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TPHCM tổ chức.

  • Tái tạo năng lượng

Hình ảnh người nông dân Bắc bộ sau mỗi vụ mùa tập trung trấu, rơm, rạ đốt ngay tại ruộng khiến anh Nguyễn Quang Vinh (SN 1982, Hà Nội) băn khoăn. Anh nói: “Việc thải bỏ ra môi trường và đốt các phế phẩm nông nghiệp vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Đồng ruộng sẽ bị khô, chai cứng do một lượng lớn nước bị bốc hơi trong quá trình cháy rơm rạ. Ngoài ra, còn phát tán một lượng lớn các khí nhà kính, có hại cho sức khỏe con người…”. Vinh đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu sản xuất viên nén Biomass từ phế thải và phụ phẩm nông nghiệp làm chất đốt.

“Việc tận thu các phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm viên nén năng lượng Biomass đã được các nước phát triển áp dụng nhiều. Vừa tận dụng lượng phế thải sẵn có từ ngành nông - lâm nghiệp như rơm rạ, trấu, vỏ đậu vừa cắt giảm việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch, đem lại lợi ích kinh tế, môi trường” - Vinh chia sẻ.

Trăn trở trước thực trạng các nhà hàng khách sạn, quán ăn… thải dầu mỡ dư thừa ra môi trường gây ô nhiễm, Dương Thị Thanh Thủy (SN 1987, Nam Định) đã đưa ra ý tưởng nghiên cứu tái chế dầu mỡ thừa trong nước thải của nhà hàng, khách sạn làm nhiên liệu sinh học (biodiesel). Thủy cho biết: “Việc tinh lọc dầu mỡ trong nước thải tinh chế làm biodiesel vừa tạo ra thêm nguồn năng lượng mới vừa giải quyết được khó khăn trong vấn đề xử lý nước thải nhiễm dầu mỡ”.

Không hẹn mà gặp, gần một nửa các ý tưởng, sản phẩm vào vòng chung kết cuộc thi sáng tạo ý tưởng tiết kiệm năng lượng năm nay đều hướng đến việc tìm kiếm, tạo ra năng lượng từ các sản phẩm tưởng chừng vứt đi. Ý tưởng nghiên cứu sử dụng vỏ trứng làm chất xúc tác rắn trong tổng hợp biodiesel bất chợt đến khi Nguyễn Bích Thanh, sinh viên khoa Công nghệ hóa học Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đi chụp X-quang. Nhìn thành phần chủ yếu của xương là canxi oxýt, Thanh bất chợt nghĩ đến vỏ quả trứng gà. Cấu trúc vỏ trứng có nhiều lỗ xốp, giống cấu trúc các chất xúc tác dùng để chế tạo dầu sinh học... Thanh tính toán: “Vỏ trứng rất dễ kiếm và rẻ hơn các loại xúc tác khác. Thêm vào đó, khâu tinh chế sẽ giảm được chi phí bởi việc tách chất xúc tác thể rắn trong quy trình tổng hợp dễ dàng hơn so với các chất xúc tác ở thể lỏng, thể khí...”.

  • Vì môi trường xanh

Bên cạnh những ý tưởng độc đáo, sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng “xanh” của các bạn trẻ cũng tạo được sự chú ý và thích thú không kém. Không giống những chiếc xe hai bánh thông thường, xe điện scooter tiết kiệm năng lượng của Phạm Ngọc Anh Tùng, sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, có thiết kế lạ, tiết kiệm năng lượng.

Tùng chia sẻ: “Chiếc xe cho phép người lái di chuyển nơi đông đúc, trong không gian chật hẹp cũng như thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng... Mỗi người cùng thực hiện những hành động nhỏ, nhiều người cùng thực hiện sẽ tạo ra hiệu quả to lớn, nguồn năng lượng tiết kiệm được sẽ theo đó mà tăng lên”.

Giới thiệu mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào nuôi trồng thủy sản và chiếu sáng

Giới thiệu mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào nuôi trồng thủy sản và chiếu sáng

Bên cạnh đó, chiếc máy ấp trứng tự động sử dụng năng lượng mặt trời của Lê Tấn Phúc, sinh viên Đại học Nông Lâm TPHCM, hay mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào nuôi trồng thủy sản và chiếu sáng của một nhóm bạn trẻ tại TP lại xuất phát từ sự trăn trở, đồng cảm với những khó khăn của người nông dân.

Việc cúp điện thường xuyên trong mùa nắng gây khó khăn do người dân không chủ động được nguồn điện cung cấp, đặc biệt ở những nơi không có điện hoặc giá điện rất cao. Do vậy, việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo dồi dào của mặt trời, kết hợp với việc tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp là một giải pháp tối ưu. Những chiếc máy này có thể được sử dụng tại vùng xa, vùng sâu, hải đảo…

THANH AN

Tin cùng chuyên mục