Niềm tin bị lung lay

Các doanh nghiệp của Nhật Bản đang xuống tinh thần, đó là kết quả khảo sát về niềm tin của doanh nghiệp Tankan do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố ngày 1-10 vừa qua. Theo Economic Times, đây là một tín hiệu đáng lo ngại cho thấy sự mất niềm tin của các doanh nghiệp vào nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Cuộc khảo sát được tiến hành với hơn 10.000 công ty cho thấy, trong quý 3-2015, chỉ số Tankan đã hạ 3 điểm từ mức +15 xuống +12. Chuyên gia Marcel Thieliant của Công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics ở London, Anh, nhận định chỉ số Tankan hiện có thể chưa đáng lo ngại nhưng lại cho thấy những dấu hiệu chững lại của kinh tế xứ Phù Tang. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong trạng thái lo âu trước viễn cảnh kinh tế của Nhật Bản không khởi sắc trở lại như mong đợi và chính sách cải tổ mang tên thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics) không đem lại những kết quả như mong đợi.

Báo cáo của BoJ được đưa ra một ngày sau khi cơ quan chức năng của Nhật Bản công bố chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 của nước này cũng sụt giảm. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này thụt lùi. Junko Nishioka, nhà kinh tế trưởng của Sumitomo Mitsui Banking Corp, cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chững lại là do nhu cầu tiêu thụ của thế giới trì trệ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Năm 2014, Nhật Bản xuất khẩu hơn 18% lượng hàng hóa qua thị trường Trung Quốc và đây cũng là nơi mà 23.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động, trong đó đứng đầu là các hãng sản xuất ôtô như Toyota và Nissan. Không chỉ có lĩnh vực sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng cũng lần đầu tiên giảm trong hơn 2 năm qua, cho thấy chi tiêu nội địa cũng đang lạnh dần.

Điểm sáng duy nhất của nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ đến từ lĩnh vực dịch vụ. Chỉ số tin tưởng của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tăng 2 điểm. Đây là mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1990. Thành quả này có được nhờ đồng Yen yếu đã kéo một lượng lớn du khách châu Á ồ ạt đổ về Nhật Bản, đem lại nhiều lợi nhuận cho ngành thương mại, khách sạn và nhà hàng.

Chuyên gia Thieliant nhận định, trong cuộc họp về chính sách kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ hôm nay 6-10, BoJ sẽ phải thừa nhận rằng nhu cầu từ hải ngoại sụt giảm đã làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước. Với tình hình trên, ngày càng có nhiều nhà phân tích đánh cược rằng BoJ sẽ bị buộc phải sử dụng gói kích thích kinh tế sớm hơn dự kiến. Chương trình mua các tài sản trị giá 665 triệu USD của BoJ - tương tự như nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - là một trụ cột quan trọng trong chính sách của ông Abe. Chương trình nhắm đến việc bơm tiền vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát lên mức 2% như Chính phủ Nhật Bản đề ra. Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu NLI, dự đoán BoJ sẽ công bố gói kích thích kinh tế vào đầu năm tới. “Nền kinh tế Nhật Bản đang chậm lại nhanh hơn so với những gì chúng tôi dự đoán. Các nhà hoạch định chính sách tin tưởng ​​sự hồi phục của nền kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước tăng mạnh, nhưng thực tế thì trái ngược hoàn toàn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ phải tung gói kích thích sớm hơn dự kiến để trấn an các nhà đầu tư trong nước”, chuyên gia Tsuyoshi Ueno nói.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục