Niềm tin được củng cố, người dân sẽ “miễn nhiễm” với thông tin sai trái

Các đại biểu thảo luận, phân tích, làm rõ tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời phân tích, làm rõ việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng.

Sáng 27-10, Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phối hợp cùng Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. 

Niềm tin được củng cố, người dân sẽ “miễn nhiễm” với thông tin sai trái ảnh 1 PGS.TS Nguyễn Tấn Phát phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM nhấn mạnh, hội thảo khoa học được tổ chức nhằm triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa xã hội, bản chất, mục tiêu, quy luật khách quan của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; cùng với đó là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Hội thảo tập trung thảo luận nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Đối thoại với những trường hợp hoài nghi

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  là một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời khẳng định giá trị khoa học và tính thời sự sâu sắc của tác phẩm; nhấn mạnh vai trò của tác phẩm trên một số lĩnh vực; củng cố niềm tin, lòng kiên định với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; làm rõ những luận cứ khoa học để đánh bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Theo TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, thời gian qua, TPHCM đã có nhiều giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này còn hạn chế nhất định như chưa kịp thời đấu tranh phản bác; thông tin nội bộ của nhiều tổ chức và cá nhân chưa được bảo mật tốt; năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cũng còn nhiều khó khăn. 

Niềm tin được củng cố, người dân sẽ “miễn nhiễm” với thông tin sai trái ảnh 2 TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

TS Trần Thị Hà Vân cho rằng cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải chủ động trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, phải chủ động trong xây dựng kế hoạch tiến hành công tác tư tưởng; chú trọng tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; giáo dục niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội.

“Khi niềm tin được củng cố, tăng cường thì cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ “đề kháng”, “miễn nhiễm” hoàn toàn với các thông tin sai trái, thù địch”, TS Trần Thị Hà Vân khẳng định. 

Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức Đảng cần đánh giá kết quả thực hiện việc ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái, trước hết là sự suy thoái về tư tưởng chính trị; bám sát thực tiễn, nắm bắt dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc đặt ra tại cơ sở và giải quyết kịp thời, không để tình trạng bức xúc không được giải quyết có thể trở thành điểm nóng. Song song với kịp thời kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên qua không gian mạng. Đối với từng cán bộ, đảng viên phải luôn coi mình là một chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, tạo thành lực lượng to lớn, rộng khắp. 

Đồng thuận với ý kiến của TS Trần Hà Vân, TS Vũ Thị Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, cũng cho rằng phải tăng cường nhận thức rõ về trách nhiệm và bổn phận trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chủ động đối thoại và tích cực làm công tác tư tưởng với những trường hợp có biểu hiện giảm sút niềm tin, hoài nghi nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo TS Vũ Thị Nghĩa, khi phát hiện các trường hợp cán bộ, đảng viên có những phát ngôn thể hiện sự bất mãn, thái độ thiếu nghiêm túc khi bình luận về nền tảng tư tưởng của Đảng hoặc thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội có biểu hiện lệch lạc, không đúng mực thì phải gặp gỡ trực tiếp đối thoại để chấn chỉnh nhận thức, đả thông tư tưởng.

“Phải kiên quyết ngăn chặn, tuyệt đối không im lặng cho qua vì như vậy sẽ khiến cán bộ, đảng viên tự huyễn hoặc và ngộ nhận cho rằng mình nghĩ đúng, hiểu đúng, nói đúng”, TS Vũ Thị Nghĩa nói. 

Ở góc độ của những người làm công tác giảng dạy, TS Lê Thị Hồng Hà, Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, vai trò của giảng viên trường chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là rất quan trọng. Từ đó góp phần củng cố niềm tin, nâng cao lập trường chính trị cho người học, phòng chống những biểu hiện suy thoái…

Trong giảng dạy, cần chú trọng xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng nhằm nâng cao trình độ chính trị, nhiệt tình cách mạng, tinh thần tự giác và có tính tích cực trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Ở đó, làm rõ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, chú trọng việc phản biện những quan điểm xuyên tạc, thù địch bằng lý luận khoa học; đảm bảo sự thống nhất giữa tính Đảng và tính khoa học nhằm tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Niềm tin được củng cố, người dân sẽ “miễn nhiễm” với thông tin sai trái ảnh 3 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG
Mặt khác, giảng viên phải đảm bảo “dân chủ hoá” trong quá trình giảng dạy. Cũng theo TS Lê Thị Hồng Hà, phải luôn chú ý đến vấn đề thực tiễn đã và đang đặt ra, xuất phát từ tư duy khoa học để làm luận cứ phân tích, thuyết phục, hướng đến củng cố niềm tin, lập trường chính trị cho người học, tránh giáo điều. 

Chủ động nắm bắt từ sớm, từ xa các thông tin xấu độc

Theo đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Đỗ Quyết Thắng, việc thực hiện Nghị quyết 35, mục tiêu của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái là nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể đấu tranh tư tưởng. Do đó, đòi hỏi việc đấu tranh tư tưởng phải hoạt động hiệu quả, có những điều chỉnh kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả nhiệm vụ trên.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM xác định 5 yêu cầu cụ thể trong nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng. Đó là, phải chủ động nắm bắt từ sớm, từ xa các thông tin xấu độc; tăng cường thực hiện các hoạt động sinh hoạt khoa học, sinh hoạt chính trị nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền lan tỏa thông tin tích cực, ngăn chặn thông sai trái một cách chủ động, quyết liệt; xử lý nhanh chóng, chủ động và có hiệu quả với thông tin xấu độc; phát huy tốt nhất, tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị. 

Niềm tin được củng cố, người dân sẽ “miễn nhiễm” với thông tin sai trái ảnh 4 Đồng chí Đỗ Quyết Thắng trình bày kinh nghiệm và các giải pháp của Ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh: THU HƯỜNG

Đồng chí Đỗ Quyết Thắng chia sẻ thêm về những kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại TPHCM thời gian qua. Đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức, hành vi của cán bộ, đảng viên về ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp cho việc lan tỏa các thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng đầu tư cho tuyên truyền trên internet, mạng xã hội phù hợp với xu thế; chủ động định hướng tuyên truyền trên báo chí, lấy đó là hạt nhân, là địa chỉ đỏ để lan tỏa thông tin tích cực. 

Một trong những kinh nghiệm cần quan tâm đó là tập trung xây dựng và thực hiện hệ thống quy chế, quy định giao tiếp trên mạng xã hội; chủ động phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống chính trị ở các địa phương, đơn vị lân cận để thực hiện hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng thực sự sắc bén, hiệu quả.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ chuyên gia viết bài, tổ chức tập huấn, quản trị thông tin, bảo mật. Đầu tư các thiết bị công nghệ để giám sát các thông tin trên mạng xã hội; kiểm tra, giám sát các quy định của Đảng trong đăng, phát các thông tin trên internet, mạng xã hội để xử lý kịp thời các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải, phát tán các thông tin xấu độc trên không gian mạng. 

Niềm tin được củng cố, người dân sẽ “miễn nhiễm” với thông tin sai trái ảnh 5 Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Dân – Chính - Đảng TPHCM Nguyễn Thị Kim Dung kết luận tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, bên cạnh những luận cứ, luận điểm khẳng định tầm quan trọng tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều ý kiến đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp về lý luận và tổ chức thực tiễn để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới vì chủ nghĩa xã hội. Trọng tâm là cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, định hướng, chỉ dẫn của đồng chí Tổng Bí thư; vận dụng giá trị tác phẩm vào đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao trách nhiệm mỗi tổ chức và cá nhân; tạo sự thống nhất trong toàn Đảng và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. 
Hội thảo cũng đã làm rõ, phân tích, nhận diện về quan điểm sai trái, quan điểm thù địch, về các âm mưu, thủ đoạn phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng. Đồng thời, khẳng định rõ tính cách mạng, khoa học, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam – là nền tảng lý luận góp phần đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đã đưa ra các luận cứ khoa học về thực trạng, sự cần thiết phải nâng cao tính chủ động trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay; đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 35 trong thời gian tới.

Tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Vân, Học viện Cán bộ TPHCM nhấn mạnh, cuốn sách của Tổng Bí thư đã trang bị cho người đọc những tri thức có hệ thống về những thành quả lý luận quan trọng của Đảng trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. “Với sự phân tích, luận giải sâu sắc, rõ ràng, cụ thể hơn về những thành quả này, cuốn sách đã góp phần hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, TS Nguyễn Thị Vân nhấn mạnh. 

TS Nguyễn Thị Vân cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư là tài liệu quý cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; là vũ khí sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. 

Tin cùng chuyên mục