Niềm tin

Quá tải bệnh viện, thực trạng nhức nhối và đau lòng diễn ra cả chục năm nay ở nước ta đang là thách thức lớn, nếu không nói là thách thức không thể vượt qua đối với toàn bộ hệ thống y tế nói chung và bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói riêng.

Người tiền nhiệm của bà, ông Nguyễn Quốc Triệu, trong nhiệm kỳ trước khi ra trước Quốc hội trả lời những chất vấn gay gắt của các đại biểu về sự “quá đi” cái quá tải nhà thương đã hứa là sẽ giảm tải nó trong thời gian ông tại chức. Tuy nhiên, sau khi ông mãn nhiệm kỳ, tình trạng quá tải của các bệnh viện tại các TP lớn chẳng những không giảm mà còn tăng hơn.

Đến lượt mình, được trao lại gánh nặng “muôn năm cũ”, tân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thực hiện bước đi đầu tiên là xuống từng cơ sở khám chữa bệnh để chứng kiến tận mắt các triệu chứng quá tải để tìm ra các giải pháp căn cơ cho một vấn đề đang làm đau đầu những người hoạt động trong ngành y tế. Và bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã chứng kiến hình ảnh hàng chục người nuôi bệnh lóp ngóp chui ra từ gầm giường của bệnh nhân để chào đón mình. Bà cũng chứng kiến cảnh tượng 3 người bệnh chung một giường nằm với đống dây truyền dịch chằng chịt, bên cạnh là những lối đi chật ních người…

Nguyên nhân của tình trạng quá tải này thì nhiều vô kể, song trước nhất vẫn là cung không theo kịp cầu: Dân số tăng gấp đôi mà bệnh viện hầu như không xây thêm. Từ đó, lời giải chống quá tải được thống nhất chung là phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tức là tăng thêm các bệnh viện mới. Nhưng tăng bằng cách gì khi mỗi dự án xây cất phải “chạy” giấy tờ lòng vòng trong 2 - 3 năm và còn vướng khâu đền bù giải tỏa cho ra “đất sạch”? Thiết nghĩ, việc này vẫn có thể làm được nếu có sự quyết tâm cao từ chính quyền địa phương. Vấn đề ở chỗ, họ có dám làm hay không và họ có dám hy sinh “lợi ích” từ những dự án mang tính thương mại để thực sự lo cho dân, vì dân?

Một bạn đọc ở TPHCM đã thẳng thắn góp ý: “Hiện Sở Y tế TPHCM có một phó giám đốc phụ trách là thạc sĩ về xây dựng, kiến trúc. Nên chăng UBND TPHCM giao cho vị phó giám đốc này phải xây dựng cho được một bệnh viện trong một năm, có khó khăn gì thì trình cấp trên giải quyết. Còn trong trường hợp UBND TPHCM đã tạo mọi điều kiện mà ông phó giám đốc Sở Y tế không làm được thì cắt chức, thay bằng một người khác như ông Đinh La Thăng làm với dự án xây dựng sân bay Đà Nẵng”. Âu đó cũng là một cách làm hay, một hành động cụ thể chống quá tải mà tác động của nó có khi còn hiệu quả hơn các phát biểu hoành tráng của vài quan chức ngành y tế.

Nhìn từ góc độ chuyên môn, vấn đề quá tải đã rối lại càng rối hơn khi các chuyên gia y tế cho rằng nó trầm trọng vậy là bởi chúng ta “thoáng” quá trong nhiều chuyện. Từ giao thông quá “thoáng”, chạy đường cao tốc chút xíu là về tới các bệnh viện chuyên sâu ở TPHCM, đến “thoáng” bảo hiểm y tế khi vượt tuyến thì bảo hiểm y tế cũng sẽ trả một phần. Tức là mỗi thứ một tí tạo sự quá tải chung. Giải pháp chống “thoáng” này được đưa ra là củng cố tuyến y tế cơ sở cả về trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực, cũng như thực hiện công tác luân chuyển cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến dưới theo đề án 1816. Nhưng kết quả đạt được đến nay vẫn còn quá khiêm nhường, nếu không nói là không tạo ra sự đột phá đáng kể. Muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề quá tải, trước hết phải có quy hoạch tổng thể hệ thống bệnh viện. Thêm vào đó là củng cố bằng các chương trình đào tạo cán bộ y tế cho bệnh viện tuyến dưới… Và nhất thiết phải tạo niềm tin từ người dân đến đội ngũ thầy thuốc về khả năng vượt tải của ngành y tế.

Bích Phượng

Tin cùng chuyên mục