Niềm tin tất thắng

Hôm nay 30-4, tròn 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúng ta kỷ niệm ngày trọng đại này trong bối cảnh cả nước đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ TPHCM và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM - TP đầu tàu kinh tế cả nước.

Có thể nói, kể từ khi kết thúc cuộc chiến chống giặc ngoại xâm đến nay, chưa bao giờ quyết tâm và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” lại tăng cao, “nói đi đôi với làm” như hiện tại. Nếu trước đây, đề cập đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta, nhiều người tỏ ra hoài nghi, các thế lực thù địch càng ra sức chống phá, khi mà phần lớn những vụ việc tham nhũng, tiêu cực được lôi ra ánh sáng chủ yếu từ “thắt lưng” trở xuống. Những đối tượng, thế lực đầu sỏ, chống lưng cho “quyền lực ngầm”, “lợi ích nhóm” vẫn hiên ngang, thậm chí công khai bành trướng hoạt động. Nhưng giờ đây, tất cả đều phải nhìn nhận, khái niệm “không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, trên thực tế đang thể hiện chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Hàng loạt vụ án, hàng loạt nhân vật có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực ở hàng chức vụ cao cấp nhất như ủy viên Bộ Chính trị trở xuống, đã và đang tiếp tục phải đứng trước công lý, phải vào tù vì vi phạm pháp luật.

Tham nhũng, tiêu cực được sinh ra từ đâu? Ai cũng biết nó được sinh ra từ chủ nghĩa cá nhân, mà cụ thể là từ chính lòng tham, từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, đặt lợi ích của bản thân và gia đình lên trên lợi ích chung của tập thể, của dân tộc. Bác gọi chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm” - kẻ địch ở bên trong. Bác nhấn mạnh: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Vì vậy, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, là nguồn gốc của những căn bệnh làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. 

Một cái cây muốn xanh tươi, phát triển khỏe mạnh, cái cây đó phải có sức đề kháng tốt trước bệnh dịch. Cái cây đó muốn có hoa thơm trái ngọt, phải được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Một đất nước muốn phát triển vững mạnh, đất nước đó trước hết cũng cần có một cơ thể khỏe mạnh. Một khi cơ thể đã bị bệnh tật, nhất định căn bệnh phải được tầm soát và chữa trị kịp thời tận gốc rễ. Chỉ khi cơ thể được triệt tiêu, chuyển hóa hết mầm bệnh thì cơ thể đó mới có thể tái sinh và phát triển bình thường.

Thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh chống kẻ thù bên ngoài - giặc ngoại xâm - dù khó vẫn dễ thấy, dễ đánh. Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ bởi ngoại bang, trải qua hàng vạn cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm và chúng ta đã chiến thắng. Tuy nhiên giờ đây, cuộc chiến khó khăn nhất lại là cuộc chiến đấu chống “giặc nội xâm”, chống chủ nghĩa cá nhân - cuộc chiến đấu vượt lên, chiến thắng chính mình. Bởi “giặc nội xâm”, chủ nghĩa cá nhân không lộ nguyên hình mà ẩn tàng, cấu kết tinh vi trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân. Cuộc chiến đó diễn ra ở nhiều cấp độ, từ trong Đảng, trong từng địa phương, cơ quan đơn vị đến trong bản thân mỗi con người. Mà khi nào còn chủ nghĩa cá nhân, khi đó chúng còn ngăn trở người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của dân đối với Đảng. 

Bài học lịch sử luôn được minh chứng một cách hùng hồn: có được lòng dân là có tất cả, bởi “dân còn thì đất nước còn, đất nước còn thì dân tộc còn”. Niềm tin của nhân dân vào Đảng đang được củng cố mạnh mẽ. Sức mạnh của Đảng đang được hồi sinh, bởi “Ý Đảng - Lòng dân” đang hòa làm một trong trận tuyến chống “giặc nội xâm” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tổng tư lệnh.

Có ý kiến lo ngại rằng “diệt hết tham nhũng thì lấy ai làm việc”. Luận điệu đó đang được chứng minh là sai, là ngụy biện, bởi mầm bệnh mà còn thì sớm muộn nó cũng sẽ tái bùng phát với sức mạnh tàn phá ghê gớm hơn, tính chất nguy hiểm hơn. Khi đó, chắc chắn sự sống của cơ thể sẽ khó cứu vãn. Song, như ý kiến của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Chúng ta không có vùng cấm trong chống tham nhũng nhưng phải tiến hành một cách chặt chẽ, thận trọng. Chặt chẽ, thận trọng để tìm đúng tế bào gây bệnh, diệt hết mầm bệnh. Chặt chẽ, thận trọng để bảo vệ, nuôi dưỡng, không làm tổn thương những tế bào lành. Và một khi cơ thể không còn bệnh tật, sức mạnh vốn có sẽ hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Sẽ chẳng có lý do gì để một đất nước hàng ngàn năm văn hiến với hơn 90 triệu dân được thế giới đánh giá là “giỏi giang, cần cù, chịu khó, thông minh” trong một cơ thể khỏe mạnh lại không tìm ra được những người đủ tài đủ đức để cùng nhau “gánh vác giang sơn”.

Không có vinh quang nào bằng vinh quang vượt qua, chiến thắng chính mình. Hơn lúc nào hết, khi toàn dân, toàn quân cùng hướng về Đảng, đồng tâm hiệp lực cùng với Đảng, quyết tâm chiến đấu đến cùng với “kẻ thù bên trong”, chắc chắn, dù có gian nan đến mấy, nhất định chúng ta sẽ giành được chiến thắng vinh quang nhất trong hành trình vượt qua chính mình để xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống của cha ông, với sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ.

Tin cùng chuyên mục