Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Quý Tỵ. Mọi người mọi nhà đang tất bật chuẩn bị cho cái tết cổ truyền với nhiều cảm xúc đón một mùa xuân mới mạnh khỏe hơn, vui vẻ, an khang và thịnh vượng hơn. Ngoài không khí chung ấy, mùa tết năm nay có một tín hiệu rất đáng mừng là hàng Việt đã thực sự chiếm lĩnh được thị trường. Còn nhớ những năm trước, cứ mỗi khi tết đến, hàng ngoại lại tràn ngập các chợ, mọi nẻo đường, đến nỗi nhiều người cảm thấy tủi khi nghĩ đến cảnh “tết ta mà toàn dùng hàng tây”.
Năm nay, theo quan sát của các chuyên gia, trên 90% từ hàng thực phẩm (tươi sống, bánh, mứt, kẹo…) cho đến đồ trang trí, gia dụng là hàng Việt. Theo quy luật của thị trường, chỉ khi được người tiêu dùng đòi hỏi mua, trở thành nhu cầu bức bách - giới kinh doanh gọi là hút hàng - thì các nhà phân phối, các chợ mới xuất hiện tràn ngập hàng Việt như thế. Hiện tượng này có phải do người tiêu dùng Việt Nam duy ý chí, đặt lòng yêu nước lên trên hết để mua hàng Việt?
Không phải thuần túy như vậy. Bản chất của sự việc nằm ở chỗ khác. Đó là sự chuyển biến mạnh mẽ ngay từ khâu sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Người tiêu dùng không thể không nhận thấy hàng Việt Nam đã ngày càng tốt hơn, đẹp hơn, rẻ hơn và điều mà các bà nội trợ lo lắng nhất trong các ngày tết - đó là thực phẩm Việt an toàn hơn hàng nhập, nhất là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động cách đây 3 năm không phải là một khẩu hiệu suông mà đã thấm sâu vào các doanh nghiệp sản xuất. Trước đây, hàng trong nước luôn luôn thất thế so với hàng ngoại về chất lượng, chủng loại, mẫu mã và giá cả. Trong bối cảnh đó, không thể trách người tiêu dùng khi họ chọn mua hàng ngoại.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã “lột xác”, đầu tư rất mạnh, thay đổi thiết bị cũ bằng công nghệ, kỹ thuật và máy móc hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm; cải tiến phương pháp quản lý để giảm giá thành và chi phí sản xuất; đặc biệt là chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong nước chiếm lĩnh được thị trường đều thực hiện nghiêm chiến lược: chất lượng hàng đầu, mẫu mã phong phú, giá cả phải chăng.
Cũng vài năm gần đây, người tiêu dùng luôn luôn có sự so sánh giữa hàng trong nước và hàng ngoại trên cùng một mặt hàng. Và họ thấy rất ngạc nhiên là hàng trong nước đã thực sự tốt hơn, đẹp hơn và rẻ hơn hàng ngoại. Đây quả là một niềm vui lớn cho người Việt Nam - một niềm tin mới được củng cố vững chắc bởi sự quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình với một phong cách làm ăn đảm bảo uy tín của từng doanh nghiệp Việt.
Đã qua rồi thời làm ăn “chụp giựt, ăn xổi ở thì”. Ngày nay các doanh nghiệp đã đầu tư một cách nghiêm túc, xây dựng tập quán kinh doanh mới đảm bảo chữ tín, ổn định và lâu dài. Cùng với việc các doanh nghiệp gia tăng chất lượng sản phẩm, nhà nước đã hình thành - và sắp tới phải mở rộng hơn nữa - một hệ thống phân phối chuyên nghiệp hoàn chỉnh để đưa hàng hóa chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng, nhất là những vùng sâu, vùng xa; khép kín chu trình sản xuất và tiêu thụ, không tạo nên kẽ hở để những kẻ làm ăn bất chính có thể tuồn hàng gian hàng giả, phá hoại uy tín và thương hiệu sản phẩm của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cũng với cung cách ấy, các doanh nghiệp Việt Nam tất yếu sẽ khẳng định được vị thế trên thương trường quốc tế. Sự xuất hiện hàng Việt ngày càng tăng trên những thị trường vốn rất khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Canada… đã minh chứng cho uy tín của hàng Việt. Song đây mới chỉ là bước đầu, thị trường xuất khẩu của hàng Việt còn rất mênh mông. Muốn chiếm lĩnh được thị trường đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, gia tăng chất lượng và chủng loại, đặc biệt là đảm bảo tuyệt đối chữ tín của hàng Việt trên thị trường các nước.
Khi niềm tin trở lại với người tiêu dùng, hàng Việt sẽ có chỗ đứng vững chắc và lâu bền.
PHAN LỘC