Đối với ngành y, vì sự liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên vấn đề y đức đặc biệt được coi trọng.
Người ta thường nhắc tới lời thề Hypocrates - lời của ông tổ ngành y, rằng thầy thuốc trước khi hành nghề bắt buộc phải thề trung thành với quy tắc, danh dự và sẽ liêm khiết trong khi hành nghề bác sĩ. Còn trong các tác phẩm đồ sộ của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - một danh y Việt Nam thời Hậu Lê, ngay từ những trang đầu tiên đã dạy y đức cho người thầy thuốc, trước khi dạy họ làm thuốc. Sau này, trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế vào ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn những người làm y tế “Lương y phải như từ mẫu”, và sứ mệnh của những người làm nghề y đòi hỏi họ phải biết hy sinh, thậm chí hy sinh vô điều kiện vì người bệnh…
Những năm qua, hệ thống y tế Việt Nam đã trưởng thành nhiều mặt, cả về trang thiết bị y tế, chất lượng khám chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe nhân dân, mạng lưới y tế và đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó, trình độ y tế chuyên sâu của Việt Nam có nhiều bước phát triển vượt bậc. Trên thế giới có kỹ thuật hiện đại nào, loại thuốc mới nào, thì trong thời gian rất ngắn, các bác sĩ của Việt Nam đều tiếp cận và làm chủ được công nghệ đó. Tuy nhiên, những sự vụ “đau lòng” gắn liền với với sự xuống cấp y đức của một bộ phận y - bác sĩ cũng là vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay. Những vụ việc bác sĩ, điều dưỡng vòi vĩnh phong bì, lừa đảo bệnh nhân, kê thuốc hưởng hoa hồng xuất hiện trên mặt báo, dù đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng phần nào xói mòn niềm tin của người dân về y đức của các thầy thuốc, làm tổn hại đến danh dự của những người thầy thuốc chân chính.
Nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ đặc biệt. Trên thực tế chúng ta chưa thực sự có cách thức để tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ đúng nghĩa với nghề đặc biệt đó. Vẫn còn nhiều bác sĩ giỏi chưa có thu nhập cao, đời sống còn khó khăn và phải chịu áp lực cho công việc rất lớn. Xã hội đòi hỏi người thầy thuốc phải có những phẩm chất đặc biệt. Muốn nâng cao y đức, chúng ta không thể hô hào chung chung, mà phải xem xét nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về y đức và đề ra các biện pháp khắc phục ngay từ khi tuyển chọn cán bộ vào ngành.
Để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng nhân dân, và để cho y đức luôn là niềm tự hào của ngành y, mỗi thầy thuốc cần phải nêu cao lòng nhân ái, cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân. Ngoài việc chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục y đức, thì Đảng và Nhà nước cũng cần có sự quan tâm về chính sách đãi ngộ thỏa đáng, để đội ngũ những người thầy thuốc yên tâm sống với nghề và đem hết sức mình cống hiến, phục vụ người bệnh.