Trong khi ở nhiều nơi, hàng xóm tranh nhau lối đi chỉ vài chục tấc đất; có gia đình cha mẹ, con cái, anh em đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì tranh chấp căn nhà vài chục mét vuông thì ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta nói chuyện cho vài công đất cứ như không. Với họ, ngoài niềm vui trúng mùa, được giá, họ còn mở hội mừng ngày mình được hiến đất.
Chia ngọt sẻ bùi
Ở tuổi 78 nhưng ông Nguyễn Văn Thế (Chín Thế) ở ấp Bảy Bền, xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, vẫn còn nhanh nhẹn. Ngày ngày ông vẫn phăm phăm làm lụng dưới ruộng, ngoài vườn từ tinh mơ đến nhọ mặt người. Lúc ngơi tay dao tay cuốc, một trong những niềm vui của ông là đứng ngắm đám học trò Trường THPT Hòa Hưng hối hả đến lớp chăm chỉ sách đèn hay ríu rít cười đùa trong giờ ra chơi. Với ông, ngoài 8 người con (6 trai, 2 gái) thành đạt, lớp lớp học trò Trường Hòa Hưng cũng mang đến cho ông nhiều niềm vui.
Năm 2003, khi con trai thứ bảy là Nguyễn Văn Quý đã ăn cơm căng tin, ngủ giường ký túc ở Trường Đại học Cần Thơ, ông Chín mới thôi phấp phỏng mỗi sớm mai con xách cặp đến trường. Để ra được Giồng Riềng học phổ thông trung học, Quý phải đi 30 km. “Tôi phải dậy từ 5 giờ, tất tưởi lội bộ ra bến, rồi đò dọc, đò ngang, lội bộ dăm ba chặng mới tới được trường. Nhiều khi không có đò ngang, tôi phải cởi quần áo đút vào cặp sách rồi bơi, lội qua kênh rạch, sang bờ bên kia mới mặc lại rồi đi bộ tiếp. Mà nào đã yên, lắm khi đang bơi đuối sức hoặc bị tàu lớn chạy qua, sóng cồn lên dúi người xuống nước, thế là quần áo, sách vở ướt nhẹp…”, anh Quý nhớ lại.
Con đi học đã khổ, cha mẹ ở nhà cũng cực vì lo. Mình đã trải qua rồi nên thấu hiểu những người cùng cảnh ngộ. Giá có ngôi trường gần nhà thì con em trong xã bớt khổ. Nhà có 15.000m² ruộng, vườn, tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng lúa, cá, trái cây cũng dư dả quanh năm; bớt đi chút đất chắc cũng chẳng đến nỗi thiếu thốn gì. Mà có thiếu thì một gia đình co kéo cũng dễ dàng hơn hàng trăm gia đình có con em đi học phải lao đao… Suy ra nghĩ vào mất mấy tháng trời rồi một ngày, trong buổi họp mặt gia đình, ông Chín thổ lộ với vợ, con ý định hiến một phần đất của gia đình để xây trường cho con em trong xã đỡ khổ khi đi học, không phải bỏ học. Cả nhà nhất loạt đồng tình. Hởi dạ, ông lên trình bày với ủy ban nhân dân xã, xã mời Phòng Giáo dục huyện Giồng Riềng vào khảo sát địa hình. Khu đất định hiến gia đình ông Chín đang sạ lúa, trồng xoài, chuối, mít, cam, quýt… thu nhập hàng năm trung bình 30 triệu đồng/công ấy nằm cách đường kênh sáng Ô Môn 80m, địa thế đẹp, đi lại thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ. Thấy các thành viên trong đoàn khảo sát tấm tắc, xuýt xoa, ông Chín phấn khởi hiến luôn 8.000m² đất vườn (trị giá 1.230.000.000 đồng).
Có đất, Phòng Giáo dục huyện mua ngay cây, lá về dựng một ngôi trường cấp hai, ba. Năm 2008, huyện đầu tư xây trường mới, ông Chín lại mừng bằng việc hiến thêm 1.500m² đất nữa để làm con đường bê tông thẳng băng, rộng rãi chạy từ đường kênh sáng Ô Môn vào tận cổng trường. Năm 2011, Trường THPT Hòa Hưng hoàn thành khang trang, đẹp mắt với 18 phòng học và 17 phòng chức năng, với số tiền đầu tư 23 tỷ đồng.
Ông Phạm Phước Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Hưng, xúc động: “Chú Chín là người duy nhất trong xã hiến đất xây trường học. Không có chú, tiền đâu mà mua, làm gì có trường này”. Năm 2013, trường có 606 học sinh của 3 xã: Hòa Hưng, Hòa An, Hòa Lợi theo học. Ông Cường tự hào: “Từ khi thành lập đến nay, Trường Hòa Hưng luôn đạt tỷ lệ 100% đỗ tốt nghiệp THPT và hơn 60% đỗ đại học, cao đẳng, chất lượng giáo dục chỉ thua Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt, trường chuyên của tỉnh”. Nghe vậy, ông Chín cười rạng rỡ. Ông hạnh phúc vì mình đã góp được một phần vào niềm vui chung ấy.
Thấy tôi hỏi chuyện hiến đất xây trường, ông Đặng Công Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang, rủ đến ấp Hòa Đông, xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, để nghiệm thu điểm Trường Tiểu học Đông Hòa 4. Từ mảnh đất rộng 3.500m² do ông Nguyễn Văn Hiếu hiến, được Hội Từ thiện VNHELP (Vietnam Health, Education and Literature Projects) của Hoa Kỳ tài trợ, ngày 30-12-2011, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang khởi công xây dựng 4 phòng học, thư viện, sân chơi, nhà vệ sinh hai ngăn, cầu bê tông qua kênh... đạt tiêu chuẩn, đưa vào sử dụng từ tháng 8-2012. Tháng trước, bà Đỗ Anh Thư, Chủ tịch VNHELP, về thăm trường, thấy học sinh đông quá thương các em phải học hành chật chội. Thế là ông Hiếu lại hiến thêm 390m² nữa để xây thêm hai phòng học. Toàn bộ kinh phí xây dựng Trường Tiểu học Đông Hòa 4 là 1 tỷ 200 triệu đồng.
Được anh Bảy Cộ ở ấp Láng Côm, xã Bình Giao, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, hiến 5.000m² đất, liên hiệp kêu gọi Tổ chức Hội Ésperance (Thụy Sĩ) tài trợ 700 triệu đồng để xây Trường Tiểu học Láng Côm. Ngôi trường gồm 2 phòng học này dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2013. Cô Đỗ Ngọc Anh ở ấp Bằng A, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, hiến 800m² đất vườn, liên hiệp kêu gọi Công ty Maico tài trợ 200 triệu đồng và sư cô Diệu Hoa, trụ trì chùa Kỳ Quang, quận Phú Nhuận, TPHCM tài trợ 200 triệu đồng để xây 3 phòng học cho học sinh trung học cơ sở…
Phong trào sôi nổi
Ông Trần Văn Nhì, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giáo dục - đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Từ năm 2001 đến nay, gần 500 cá nhân, đơn vị trên địa bàn 15 thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh đã hiến hơn 707.853m² đất để xây trường học các cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông)”.
Không chỉ ở tỉnh Kiên Giang, những năm qua, người dân các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, có phong trào thi đua sôi nổi hiến đất xây trường, làm đường, xây dựng công trình cấp nước sạch…
Ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Hai năm qua, nhân dân trong huyện đã hiến hơn 460.000m² đất, trị giá hàng chục tỷ đồng để xây cầu, đường, nhà văn hóa. Ông Nguyễn Văn Ngởi ở ấp Mỹ Tân, xã Vĩnh Phú Đông hiến 6.640m² đất trị giá gần 1 tỷ đồng để xây Trường Tiểu học Vĩnh Phú Đông. Ngoài ra dân còn góp gần 20 tỷ đồng tiền mặt và hàng ngàn ngày công để làm đường bê tông liên ấp, xóm.
Từ khi phát động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (năm 2011) đến nay, nhân dân trong xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã đóng góp gần 2,8 tỷ đồng xây dựng cầu, đường nông thôn, cất và sửa chữa 105 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ học sinh khó khăn đến trường…
Dọc ngang sông nước miền Tây, gặp những người hiến đất riêng vì việc chung, tôi nhận thấy đặc điểm chung của họ là hào sảng, nghĩa hiệp. Ai cũng cười nhân từ bảo “thương mấy em, mấy cháu” mà hiến đất xây trường, “để bà con đỡ cực” nên góp đất mở đường, xây trạm y tế, trạm cấp nước, nhà văn hóa...
Xuống miền Tây đã nhiều, có biết bao kỷ niệm, nhưng tôi vẫn nhớ mãi những lần được mời đến ăn khao của những người hiến đất. Họ cho đi mà cứ vui như được nhận về!
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG