Cảm xúc vui mừng xen lẫn xúc động là tâm trạng chung của 20 học sinh nghèo và thầy cô Trường THCS Phong Nẫm, xã Phong Nẫm huyện Giồng Trôm (Bến Tre) tại buổi lễ trao học bổng do Báo SGGP tài trợ diễn ra vào sáng 20-4…
Xe vừa đỗ trước sân trường đã thấy ban giám hiệu, giáo viên cùng đại diện Hội Phụ huynh, Hội Khuyến học xã bước ra đón đoàn. Cô Trương Thị Thúy Nga, hiệu phó, hồ hởi nói: “Mặc dù nhiều học sinh nhà xa trường nhưng các em đã giục phụ huynh đưa đến từ rất sớm và đông đủ, em nào cũng nóng lòng chờ đợi”.
Còn thầy Nguyễn Thanh Liêm, giáo viên chuyên trách phổ cập của trường, cho biết, từ lúc được giáo viên chủ nhiệm thông báo sẽ được nhận học bổng từ các cô chú làm báo trên thành phố xuống thăm và trao tặng, không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng vui mừng.
Bước vào căn phòng họp nằm giữa dãy nhà bên trái khuôn viên trường, địa điểm tổ chức lễ, các em quần áo tươm tất, khăn quàng đỏ thắm nhất loạt đứng bật dậy với tràng pháo tay rộn rã, nét mặt tươi hẳn lên. “Học sinh nghèo đang theo học tại trường rất đông, nhưng vì số suất học bổng có hạn nên chúng tôi chọn những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi để nhận” - cô Nga vừa nói vừa chỉ vào các học sinh tề tựu xung quanh hai dãy bàn giữa lớp giới thiệu.
* “Được Báo SGGP quan tâm hỗ trợ 20 suất học bổng này chúng tôi rất cảm kích. Số tiền 1 triệu đồng cho mỗi suất có thể đối với học sinh thành phố không phải là nhiều, nhưng với hoàn cảnh của các em học sinh nơi đây thì đã đủ để gia đình các em trang trải chi phí học hành suốt năm. Đây là lần đầu tiên trường nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị khác ngoài địa bàn với trị giá cao như vậy. Nhà trường mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực và ý nghĩa này” - cô hiệu trưởng Triệu Thị Quyên bày tỏ trước khi tạm biệt đoàn. |
Tranh thủ đôi phút trước khi buổi lễ bắt đầu, bắt chuyện với em học sinh vóc dáng tuy nhỏ nhắn nhưng cung cách rất chững chạc, Phan Thị Thanh Thúy, ngụ tại ấp 2 xã Phong Mỹ, học sinh lớp 73, chúng tôi thực sự thán phục trước ý chí vượt khó của em.
Cha mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi hai chị em ăn học bằng số tiền lời ít ỏi từ bán vé số. Bữa ăn mỗi ngày chỉ có rau, mắm đạm bạc vậy mà đôi lúc cũng phải chạy từng bữa. Quần áo, sách vở, tiền trường phần lớn đều nhờ vào lòng thương, sự giúp đỡ của hàng xóm, thầy cô và bà con tốt bụng giúp đỡ. Ý thức hoàn cảnh gia đình, Thúy luôn cố gắng hết mình trong học tập. Nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hỏi cảm nghĩ khi được nhận học bổng, cô học trò mắt đỏ hoe, run run giọng: “Con sẽ đưa mẹ số tiền này, con hứa với cô chú là sẽ cố gắng học giỏi để được nhận học bổng nữa”.
Cùng cảnh ngộ như Thúy, em Mai Thị Thảo Ngân, ngụ tại ấp 3 xã Phong Nẫm, học sinh lớp 62 hồn nhiên chia sẻ cảm xúc, ước mơ của mình: “Cha mẹ con làm ruộng cực khổ nuôi tụi con, con thương cha mẹ lắm. Biết con được nhận học bổng cha mẹ rất vui, con hứa sẽ luôn học giỏi và con ước năm nào cũng được nhận học bổng để đỡ đần cha mẹ phần nào”.
Rồi giây phút mà các cô cậu học sinh nhỏ mong đợi nhất cũng đến. Lần lượt các em được đọc tên lên bục nhận học bổng. Nụ cười, nét rạng rỡ trên khuôn mặt, cái gật đầu, vòng tay cảm ơn của các em làm mọi người có mặt xúc động.
Cuối buổi, được nghe đại diện Hội Phụ huynh, Hội Khuyến học xã Phong Nẫm tâm sự về chuyện dạy và học tại địa phương, chúng tôi càng thêm hiểu giá trị mà những suất học bổng tình nghĩa này mang lại.
Ông Trần Văn Cống, Hội trưởng Hội Phụ huynh, chia sẻ rằng vì đa số các em đều là con nhà nông nghèo, nên tùy theo từng quý, từng học kỳ nhà trường cùng với Hội Khuyến học, Hội Phụ huynh trợ cấp, miễn giảm học phí, không để học sinh bỏ học. Trong các cuộc họp định kỳ, đại diện Hội Cha mẹ học sinh đều đứng ra vận động, quyên góp xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh nghèo. Tuy kinh phí hạn hẹp nhưng cứ mỗi đầu năm học, hội đều kết hợp cùng nhà trường tổ chức trao tặng tập vở, quần áo cho học sinh.
Tiếp lời ông Trần Văn Cống, thầy Nguyễn Nghĩa, Hội trưởng Hội Khuyến học xã cũng nêu lên những cố gắng của hội trong việc giúp đỡ học sinh. Tất cả các hội viên chọn phương án đóng góp mỗi ngày 200 đồng gây quỹ. Tuy khá khiêm tốn nhưng đến cuối năm với mỗi hội viên tích lũy được 60.000 - 70.000 đồng cộng lại cũng đủ giúp vài trường hợp học sinh nghèo mua tập sách, thậm chí đỡ phần học phí.
Một số giáo viên khác cho biết thêm, ngoài việc hỗ trợ quần áo, sách vở, trợ giảm học phí; đối với trường hợp học sinh nhà quá xa, điều kiện đi lại khó khăn, nhà trường cũng cố gắng mua những chiếc xe đạp cũ sửa lại tặng các em.
Mai Nguyễn