Niềm vui sau mỗi phần quà!

Vào những ngày gần cuối năm 2010, có dịp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đi trao quà tặng cho học sinh nghèo vượt khó vùng biên giới An Giang, chúng tôi càng cảm nhận một cách rõ rệt những khó khăn vất vả của các em học sinh nơi đây. Để “cõng được con chữ về nhà”, các em phải gồng mình vượt khó gấp nhiều lần học sinh nơi khác..
Niềm vui sau mỗi phần quà!

Vào những ngày gần cuối năm 2010, có dịp cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đi trao quà tặng cho học sinh nghèo vượt khó vùng biên giới An Giang, chúng tôi càng cảm nhận một cách rõ rệt những khó khăn vất vả của các em học sinh nơi đây. Để “cõng được con chữ về nhà”, các em phải gồng mình vượt khó gấp nhiều lần học sinh nơi khác..

Thương lắm những ước mơ

Nghe Sở Lao động-Thương binh và Xã hội An Giang thông báo có đoàn về trao tặng xe đạp và quà cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi, nhiều bậc phụ huynh và học sinh mừng rớt nước mắt.

Chị Nguyễn Thị Liễu, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, An Giang mới 34 tuổi nhưng dáng vẻ lam lũ, khó đoán tuổi cho biết mấy hôm nay 2 đứa con của chị mất ngủ, đợi đến ngày được nhận quà là một chiếc xe đạp và mấy tập vở. Nhà chị Liễu có 2 con, con gái lớn học lớp 8, con trai thứ hai học lớp 6. Cả cha mẹ đều làm mướn ruộng cho người ta, có ngày hên kiếm được 60-70 ngàn đồng; nhiều ngay xui ngồi không, chịu cảnh cơm không no, áo không đủ mặc. Hai đứa con của chị cũng vì nghèo mà không có nổi chiếc xe đạp đến trường, phải cuốc bộ gần 2 cây số.

“Vợ chồng tui đều không biết mặt chữ, nên khó đến mấy cũng ráng lo cho con đến trường. Nhưng ngặt nỗi, nhà nghèo, thu nhập bấp bênh, nên nhiều lúc thương con mà không làm chi nổi”, chị Liễu nói mà ngân ngấn nước mắt.

Cha và con cùng vui mừng vì có xe đạp đến trường

Cha và con cùng vui mừng vì có xe đạp đến trường

Hai đứa con chị cũng như bao nhiêu đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học ở vùng này, đi học một buổi còn một buổi đi làm cỏ mướn cùng bố mẹ kiếm thêm tiền chi tiêu. “Thường thì cả nhà đi làm cỏ thuê đến 12 giờ trưa, chiều lũ nhỏ đến lớp. Đến mùa thì làm nhiều hơn, còn bình thường cũng đỡ hơn chút xíu”, chị Liễu phân trần.

Con trai chị Liễu, cháu Nguyễn Thành Được, lớp 8 trường THCS Ô Long Vĩ là một trong 50 em được nhận quà tặng là một chiếc xe đạp lần này của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Em cho biết, mừng quá đến nỗi mất ngủ. “Có xe, 2 chị em thay nhau đến lớp, hết cảnh đi bộ mỏi chân mới đến được lớp học. Nhà em nghèo nhưng em thích đi học lắm, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Em ráng học để sau này lớn lên làm chú công an”, Được hồn nhiên cho biết.

Không chỉ Được, mà các em học sinh vùng biên An Giang được nhận xe đạp đều thể hiện niềm vui bất tận, mặc dù phần quà không lớn. Em Trần Thị Tuyết Nga, học sinh lớp 9 trường THCS Vĩnh Bình, huyện Châu Thành cũng hồ hởi khoe nhận xe đạp xong sẽ nhường cho em trai đang học lớp 7 đi, vì em yếu hơn mình. “Nhà em nghèo, ba mẹ đi làm mướn suốt ngày, em ráng học để sau này trở thành bác sĩ, quay lại quê hương chữa bệnh cho bà con”, Nga mơ ước. Cô bé có khuôn mặt trong sáng này năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, dù hiện cả nhà em đang phải ở trong căn nhà mà cứ hễ “mưa lớn là dột”.

Đáng thương nhất là em Phạm Văn Nghi, học sinh lớp 7 trường THCS Long An, huyện Tân Châu, mồ côi ba mẹ từ lúc 3 tháng tuổi, em hiện đang ở với người dì. “Dì không lấy chồng, ở vậy nuôi em ăn học. Em chỉ ước học giỏi, lớn lên đi làm ra tiền để nuôi dì”, Nghi cho biết. Em còn chưa thể trả lời là em lớn lên muốn làm gì, “em không biết. Em chỉ biết là muốn nuôi dì”.

Khó khăn không kém là em Phạm Vũ Linh, sinh năm 1999, học lớp 6A3 Trường THCS Tà Đảnh, ấp Tân Bình, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn. Ba mẹ đi làm mướn. Nhà có 2 anh em, anh học hết lớp 9 thì đã nghỉ học 3 năm nay, cũng chịu cảnh làm mướn như ba mẹ.  6 năm liền Linh là học sinh giỏi và em không muốn bỏ học đi làm thuê như anh mình. Ý thức được điều đó nên dù còn nhỏ, nhưng ngoài việc học, hàng ngày Linh phụ trách việc rửa bát, nấu cơm, quét nhà để ba mẹ và anh trai rảnh tay đi làm thuê làm mướn kiếm tiền.

Gian nan dạy và học

Thông tin tại hội nghị giao ban Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lần I năm học 2010-2011 cho thấy, tình hình học sinh bỏ học trong hè của vùng này có giảm nhưng vẫn còn cao so với cả nước: Tiểu học 0,34%, THCS 2,28%, THPT 3,53%. Vùng biên giới, vùng dân tộc thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Long An tỉ lệ còn cao. Khó khăn về kinh tế, gia đình ít quan tâm, các em học yếu, lại phải lao động sớm... đó là hàng lọat các lý do khiến học sinh nơi đây dễ dàng rơi vào tình cảnh học hành dứt gánh giữa đường.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh An Giang cho hay, việc học của trẻ em vùng biên khó khăn gấp bội phần so với trẻ em các vùng khác. “Việc học sinh bỏ học giữa chừng vì không có phương tiện đi lại rất nhiều. Đó là lý do tại sao, học sinh nơi đây lại mừng đến vậy khi được tặng xe đạp”, ông Dũng chia sẻ.

Cô giáo Chau Đa Ra, Tổng phụ trách Đội trường THCS Châu Lăng, Tri Tôn cũng chia sẻ, đa phần học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em ngoài giờ học phải đi bán vé số, làm cỏ mướn phụ ba mẹ. “Gia đình khó khăn, cha mẹ ít quan tâm tới việc học của con cái. Đến mùa lúa, học sinh thường nghỉ học phụ giúp gia đình”, cô cho biết. Ngoài ý thức học hành chưa cao, bỏ học nhiều, theo cô, còn một khó khăn lớn khác khiến việc dạy và học gặp nhiều cản trở, đó là tiếng Việt của học sinh Khmer chưa tốt, dù nhà trường đã luôn tạo điều kiện để các em có cơ hội giao tiếp nhiều bằng tiếng Việt.

An Giang có gần 100 cây số biên giới giáp Campuchia. Nhiều địa bàn chủ yếu là đồng bào Khmer nên việc dạy và học rất khó khăn. Tỉnh An Giang đã yêu cầu ngành giáo dục tỉnh này trong ba năm (2008–2010) phải bồi dưỡng, đào tạo hoàn chỉnh chương trình Khmer ngữ cho khoảng 3.000 cán bộ giáo dục, giáo viên ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu, thị xã Châu Đốc, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Các cán bộ giáo viên bắt buộc phải đọc thông, nói thạo, giao tiếp được bằng tiếng Khmer. Tuy nhiên, thực tế vẫn diễn ra tình trạng thầy trò bất đồng ngồn ngữ, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Điều đó càng khiến cho việc dạy và học vùng biên thêm phần gian nan.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục