Điều này khá phổ biến trong bất cứ thời đại nào và bất cứ vùng miền nào trên trái đất này. Tùy ở mối quan hệ mà người ta gọi tên như nịnh vợ, nịnh con, nịnh bạn gái (nịnh đầm), nịnh thần tượng... Trong các loại xu nịnh đó thì nịnh “chính trị” là loại nịnh nguy hiểm nhất. Ở tầm vĩ mô, những kẻ xu nịnh có thể làm khuynh đảo quốc gia, cạn kiệt ngân khố, hãm hại người tài. Ở tầm thấp hơn, những kẻ xu nịnh có thể làm chệch hướng một đơn vị, làm rối loạn nhân tâm, thu vén cho cá nhân.
Trong lịch sử người ta có thể kể ra nhiều nhân vật xu nịnh, những câu xu nịnh. Thời xưa, tình trạng gian nịnh lũng đoạn triều đình, người ngay từ quan về ở ẩn, là không khó tìm. Thời nay, có thể nhận thấy những mối nguy hại này nên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đề án công vụ (kèm theo Quyết định 1847 về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ), đã quy định một số nội dung mới.
Một trong những nội dung chính được nêu ra trong đề án này là quy định chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, đề án nêu rõ, “đối với lãnh đạo cấp trên..., cán bộ, công chức, viên chức không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Quy định này có thể được cho là rất cần thiết trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền và tổ chức Đảng.
Tuy nhiên, việc chống nịnh bợ bằng cách cấm đoán như thế mới chỉ là trị bệnh phần ngọn, khiến cho những loại người có thói quen nịnh bợ dễ dàng đối phó. Như đã biết, “nịnh cấp trên” trong hoạt động chính trị vì động cơ không trong sáng thường hướng đến 3 mục đích vụ lợi. Thứ nhất là được thăng chức nhanh chóng, bỏ qua mọi luật lệ, quy trình - kể cả trong trường hợp người nịnh bợ hoàn toàn không xứng đáng với vị trí đó. Thứ hai là liên quan đến lợi ích vật chất như tiền bạc, tăng lương, thưởng tiền, của cải (đất đai, nhà, xe) và các lợi ích ưu đãi khác. Thứ ba là các cơ hội học hành, đi nước ngoài, nghỉ mát, tham quan, du lịch.
Nói một cách khác, người nhận được tất cả những thứ đó không phải bằng tài năng thực sự, không phải bằng sự nỗ lực và sự cống hiến, mà chỉ bằng “uốn ba tấc lưỡi”. Còn người được nịnh cho mình cái quyền ban phát quyền lực, của cải và cơ hội cho người xu nịnh.
Do vậy, để triệt tiêu được hiện tượng “nịnh với động cơ không trong sáng” thì phải xây dựng cho được các nguyên tắc làm việc rõ ràng, cơ chế vận hành minh bạch và quy trình chọn lựa chặt chẽ. Việc này nhằm đảm bảo kẻ ưa nịnh dù có muốn cũng không có gì để ban phát “quyền hành, lợi ích”; còn kẻ thích nịnh thì không nhận được gì từ hành động “khom lưng quỳ gối” đó.
Nghĩa là trước một vị trí lãnh đạo còn trống, các ứng cử viên đủ điều kiện tiên quyết sẽ tham gia tuyển chọn công khai. Họ phải trình bày chương trình hành động, cùng nhau tranh luận trước mọi người, trả lời chất vấn của người nghe, các đánh giá viên bỏ phiếu kín và công khai kết quả. Nếu làm được như thế thì nịnh bợ không có đất để sống. Khi nịnh bợ không thu lại lợi ích thì nạn nịnh bợ theo kiểu tâng bốc, sống sượng sẽ giảm hẳn. Còn nếu ai muốn nịnh bợ bất vụ lợi thì cứ việc. Tuy nhiên, lúc này việc đi nịnh và nhận nịnh có diễn ra thì chẳng làm thiệt hại đến danh dự, uy tín của cơ quan công quyền cũng như quyền lợi của chung.
Hiện nay, các nước trên thế giới không có điều khoản tương tự (về cấm nịnh) trong luật của họ. Bởi các nước đã xây dựng được “cơ chế tự động loại nịnh bợ ra khỏi hệ thống”. Cơ chế vận hành, bộ máy công quyền Singapore, Đức, Canada là những ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Khi “nhốt được quyền lực vào trong lồng”, như lời của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì khi đó diệt trừ được loại nịnh vụ lợi từ gốc. Nếu không, dù có cấm đoán nịnh thì cũng chỉ như nước đổ đầu vịt mà thôi.