(SGGPO). - Trong khuôn khổ chuyến công tác tiếp xúc với nhân dân tỉnh Ninh Thuận, chiều 8-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thăm một số cơ sở sản xuất, gia đình tiêu biểu
Giữ vùng san hô lớn nhất Việt Nam
Tỉnh Ninh Thuận hiện là nơi cung ứng giống tôm lớn nhất cả nước, mỗi năm cung ứng 40-50 tỷ con tôm giống; nho, táo, muối đều là nơi chiếm sản lượng lớn nhất nước... Tuy nhiên, vừa qua hạn hán trầm trọng gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của địa phương. Ninh Thuận là một trong tỉnh khó khăn nhất cả nước, vì vậy đề nghị Trung ương có cơ chế quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ tỉnh giải quyết vấn đề khô hạn, thiếu nước...
Góp ý với Ninh Thuận, ông Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải Dương học cho rằng, Ninh Thuận có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là bảo tồn thiên nhiên. Tài nguyên quan trọng của Ninh Thuận là rặng san hô. Riêng vùng Ninh Hải đến Ninh Chữ có 40km san hô, có khoảng hơn 3.200 hecta rạn san hô, chưa kể Sơn Hải và Cà Ná. Đó là vùng san hô lớn nhất Việt Nam. Đây là tài nguyên quan trọng, liên quan đến bảo tồn thiên nhiên không chỉ cho Việt Nam mà còn cả thế giới. Đa dạng sinh học và ý nghĩa của rạn san hô ở Ninh Thuận là rất lớn. Giữ rạn san hô cũng có nghĩa là giữ vùng sản xuất tôm giống. Còn san hô thì ngư dân còn được lợi.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Ninh Thuận cần phát huy những lợi thế đặc biệt của mình, xây dựng các thương hiệu đặc sản, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, chú trọng giải quyết vấn đề nước cho sản xuất, sinh hoạt, giữ gìn phát triển văn hóa Chăm.
Lưu ý vấn đề phát huy văn hóa Chăm
Trước đó, trong sáng 8-10, ông Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã đến thăm một số gia đình tiêu biểu, mô hình kinh tế tại huyện Ninh Phước. Cụ thể, đoàn đã đến trao quà tặng gia đình liệt sỹ Đổng Dậu và trường THCS Đổng Dậu, tại xã Phước Thái; khảo sát mô hình hợp tác xã Hữu Đức (xã Phước Hữu) vùng đồng bào dân tộc Chăm tại xã Phước Hữu, Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại thị trấn Phước Dân; thăm hai gia đình người tiêu biểu dân tộc Raglai tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Tại những nơi đến thăm, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý vấn đề phát huy văn hóa của đồng bào Chăm như dạy tiếng Chăm cho học sinh, phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Chăm.
Đoàn công tác đã đến thăm trường THCS Đổng Dậu
Đoàn cũng đã thăm ông Chamdé Bốc, nguyên Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận và gia đình ông Cham alé Điêu, nguyên Bí thư tỉnh Ninh Thuận. Đây là những người tiêu biểu có vị tri cao nhất trong đồng bào dân tộc Raglai. Ngoài đồng bào dân tộc Chăm, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, dân tộc Raglai có số lượng đông thứ hai với 15.941 hộ/67.202 khẩu.
Không để cá nhân phải thế chấp tài sản vay vốn cho hợp tác xã
Cũng trong buổi sáng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến thăm mô hình hợp tác xã Hữu Đức, vùng đồng bào dân tộc Chăm tại xã Phước Hữu. Đáng chú ý, HTX này quản lý làm dịch vụ và tổ chức sản xuất trên 550 ha trồng lúa với hơn 1.000 xã viên, mỗi năm sản xuất trên 400 tấn lúa và gây tạo giống lúa cung ứng cho bà con. Để phát triển HTX rất cần vốn, nhưng khi vay vốn thì tài sản của HTX không được ngân hàng chấp nhận. Vì vậy, ông Thuận Văn Tài, Giám đốc HTX Hữu Đức đã phải mang sổ đỏ của gia đình mình để thế chấp vay ngân hàng phục vụ hoạt động của HTX. Thông tin này khiến đoàn công tác ngạc nhiên. “Chính phủ đã quy định HTX có thể vay vốn đến 500 triệu đồng không cần thế chấp. Tại sao tài sản HTX lại không thể thế chấp để giám đốc HTX Hữu Đức phải mang cả nhà mình đi thế chấp”, ông Nguyễn Thiện Nhân trăn trở. Trước những khó khăn trong vay vốn của HTX, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý HTX lên kế hoạch dự án vay cụ thể trình lên tỉnh, nếu việc vay vốn gặp khó khăn, ông sẵn sàng giúp đỡ HTX về thủ tục vay để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất của người dân.
PHAN THẢO