Thủ tướng Đức Merkel đến Trung Quốc
Theo báo Bild (Đức), ngày 6-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài 3 ngày. Đây là lần thứ 7, bà Merkel thăm Trung Quốc trên cương vị Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức.
Trọng tâm là thương mại
Chặng dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Merkel là thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Tại đây, Thủ tướng Merkel thăm một số nhà máy liên doanh giữa hai nước, dự Diễn đàn hợp tác đô thị hóa kiểu mới và Diễn đàn đối thoại Trung Quốc - Đức năm 2014. Ngày 7-7, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Merkel sẽ hội đàm và hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang.
Theo hãng tin AP, mục đích chính của chuyến thăm lần này chủ yếu là vấn đề hợp tác thương mại. Tháp tùng Thủ tướng Đức là đại diện hơn 90 doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn như Siemens, Volkswagen, Lufthansa, Deutsche Bank… Dự kiến trong chuyến thăm, hai bên sẽ ký 10 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Hai bên cũng sẽ thảo luận tình hình Ukraine, quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, cũng như tình hình các điểm nóng trong khu vực và trên thế giới. Chuyến thăm này còn nhằm chuẩn bị cơ sở cho Hội nghị Thượng đỉnh Đức - Trung Quốc sẽ diễn ra tại Berlin vào tháng 10 năm nay.
New York Times nhận định, chuyến công du của Thủ tướng Đức nhằm mục đích tái khẳng định “thập niên vàng” giữa Berlin và Bắc Kinh chưa kết thúc. Trước đó, các chuyên gia thương mại Đức nhận định thời vàng son trong kinh doanh của Đức tại Trung Quốc sẽ qua đi trong năm 2014, khi Bắc Kinh đang áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu, đồng thời chủ động kích thích thị trường nội địa vực dậy kinh tế.
Mối lo gián điệp kinh tế
Mối quan hệ thương mại gần gũi giữa Berlin và Bắc Kinh tuy có lợi nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người quan ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng của ngành công nghiệp Đức vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc chỉ chiếm hơn 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức thì một số công ty tư nhân của Đức phụ thuộc đến 40% thị trường Trung Quốc.
Trước chuyến thăm của bà Merkel, ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo BFV của Đức đã lên tiếng cảnh báo mối họa gián điệp kinh tế. Các công ty, tập đoàn lớn của Đức khi đẩy mạnh hợp tác sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ hoạt động gián điệp công nghiệp, từ bí mật cho đến công khai. Ông Hans-Georg Maassen cho rằng: “Khi quan tâm đến lợi nhuận, những công ty này đã bỏ qua việc đang phải chống lại với đối thủ rất mạnh, các cơ quan tình báo điện tử Trung Quốc với hơn 100.000 nhân viên”.
Thời gian gần đây, các công ty Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc đánh cắp công nghệ, từ hạt giống, thương mại cho đến khoa học kỹ thuật quân sự, năng lượng hạt nhân. Giám đốc Viện Chính sách Nottingham về Trung Quốc, ông Steve Tsang cho rằng, người Trung Quốc coi việc mua hàng hay lập liên doanh sản xuất với các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới chỉ là một phương tiện để Trung Quốc bí mật sao chép sản phẩm hoặc đánh cắp công nghệ từ công sức đầu tư nghiên cứu lớn của đối tác nước ngoài.
Lầu Năm góc từng công bố bản báo cáo nghiên cứu cho biết Trung Quốc hiện có lực lượng gián điệp kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc không chỉ đang cố gắng thu thập công nghệ và các thông tin kinh tế của Mỹ mà còn nhắm vào các nước châu Âu đang có quan hệ kinh tế với nước này. Lực lượng gián điệp mạng bí mật của Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển và là một mối đe dọa đối với an ninh kinh tế của nhiều quốc gia phát triển.
THANH HẰNG