LTS: Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động và thân nhân, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội.
Kể từ hôm nay, Báo SGGP mở chuyên mục “Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội”. Những câu hỏi của bạn đọc sẽ được chúng tôi chuyển tới cơ quan chức năng giải đáp và chọn lựa đăng tải (vào thứ tư tuần thứ 1 và tuần thứ 3 của tháng) trong chuyên mục theo từng vấn đề như: hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, thai sản, tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; điện thoại 0914 446618 hoặc email: duongloan@sggp.org.vn.
* Tôi làm việc ở Công ty may TNHH Dino ở Gò Vấp (TPHCM). Tôi nghỉ việc ở công ty nhưng chưa nhận lại sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), bây giờ tôi phải lấy sổ ở đâu vì công ty sang lại cho người khác rồi? (nguyenthihongth…@gmail.com)
- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Nếu công ty cũ đã giải thể (hoặc phá sản hoặc chuyển đi không để lại địa chỉ) thì bà lập hồ sơ theo phiếu GNHS 305. Trong đơn đề nghị (mẫu D01-TS), bà cần ghi rõ khi nghỉ việc bà chưa nhận lại sổ BHXH và nay công ty đã giải thể. Tiếp đó, bà nộp tại cơ quan BHXH nơi công ty cũ đóng BHXH để được giải quyết cấp lại sổ BHXH và chốt sổ.
* Từ 2009 đến 2012, tôi làm việc tại Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng giao thông phía Nam. Nay đã nghỉ làm nhưng công ty còn nợ BHXH nên không chốt sổ BHXH cho tôi. Năm 2014, tôi đi làm ở công ty mới, công ty mới đóng BHXH cho tôi thì BHXH quận Thủ Đức không cho công ty làm sổ mới cho tôi, mà yêu cầu tôi đóng vô sổ cũ. Vậy tôi phải làm thế nào để tiếp tục tham gia BHXH? (vonhathao08…@gmail.com)
- Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội và điều 47 Luật Lao động, khi người lao động nghỉ việc đúng pháp luật, chậm nhất là 30 ngày kể từ khi có quyết định thôi việc, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập thủ tục chốt sổ để trả cho người lao động. Do đó, ông/bà cần liên hệ với công ty cũ yêu cầu công ty lập thủ tục chốt sổ cho ông/bà theo đúng quy định. Nếu công ty vẫn không chốt sổ, trả sổ BHXH, ông/bà có thể khiếu nại với Phòng LĐTB-XH quận, huyện (nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở) hoặc Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM để được can thiệp giúp đỡ.
Trường hợp công ty cũ nợ BHXH và thật sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì ông/bà yêu cầu công ty có thể đóng trước tiền BHXH, BHTN, BHYT (và tiền lãi chậm đóng phát sinh) của ông/bà đến thời điểm nghỉ việc theo hướng dẫn tại công văn 2055/BHXH-THU ngày 21-6-2013 của BHXH TPHCM để chốt sổ BHXH cho ông/bà. Sau khi nhận lại sổ BHXH, ông/bà cần nộp sổ BHXH cho công ty nơi ông/bà đang làm việc để công ty tiếp tục đóng và ghi nhận quá trình đóng BHXH trên sổ BHXH đó.
* Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH khiến người lao động lo lắng. Làm cách nào để người lao động biết được công ty chậm, trễ đóng BHXH, cũng như biết được toàn bộ quá trình đóng BHXH của mình? (phuongha…@yaoo.com.vn)
- Căn cứ Điều 15 Quyết định 1111/QĐ-BHXH ngày 25-10-2011 về việc ban hành Quy định quản lý thu BHXH, BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì: Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin; yêu cầu tổ chức BHXH cung cấp thông tin.
Vì vậy, ông/bà có thể liên hệ công ty cung cấp thông tin đóng BHXH; hoặc đăng nhập chuyên mục “thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN” tại trang web của BHXH TPHCM theo địa chỉ http://c13.bhxhtphcm.gov.vn/ để biết thông tin cụ thể quá trình đóng BHXH của mình.