Bên cạnh hình ảnh người cán bộ công chức luôn niềm nở, vui vẻ, hết lòng giúp đỡ dân, thì tại nhiều nơi trên địa bàn TPHCM vẫn còn những công chức chưa thật sự tận tụy phục vụ nhân dân. Phổ biến nhất là hành động đùn đẩy trách nhiệm và khi làm sai thì quên nói lời xin lỗi.
Cũng khá lâu tôi mới có dịp gặp lại chị Trần Thị Tư, một người quen ở quận 4 (TPHCM) mà có đôi lần tôi được cùng đi làm công tác thiện nguyện giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Qua những câu chuyện vui, chuyện kể về các chuyến đi gần đây của mình, chị Tư có tâm sự với tôi một chuyện mà chị thấy không hài lòng về một chiến sĩ công an tại địa phương mình đang sống.
Chuyện thế này: Để thuận tiện cho việc buôn bán làm ăn, gia đình chị Tư vừa chuyển nơi ở mới. Trước gia đình chị sống trên địa bàn phường 4, nay chuyển sang sống tại phường 8, cũng trên địa bàn quận 4. Để nhập tạm trú tại nơi ở mới, chị Tư về lại Công an phường 4 để xin chuyển tạm trú. Sau khi làm đúng các giấy tờ theo yêu cầu của cán bộ tại đây, chị Tư được thông báo ngày mai hồ sơ của chị mới giải quyết xong. Vì còn bận buôn bán, chị Tư có nhờ giúp giải quyết trong ngày nhưng được người thụ lý hồ sơ (khi đó đang ngồi gõ gõ trên bàn phím máy tính), bảo: “Không thấy tôi đang bận sao, tôi đâu có ngồi chơi mà không giúp chị”. Im lặng, chị Tư nhìn lên máy tính, thì ra nữ cán bộ đang bận đánh văn bản buổi họp chi bộ cơ quan. “Tôi không hiểu sao trong giờ tiếp dân mà cán bộ lại không dành thời gian giải quyết việc dân. Mà đâu chỉ có vậy, khi nữ cán bộ ghi vào sổ tạm trú chuyển gia đình tôi về phường 8, về nhà tôi phát hiện cô ấy ghi chuyển về địa chỉ mới nhưng lại ghi phường 4”, chị Tư than phiền. Rồi khi chị Tư điện thoại đến Công an phường 4 nói hồ sơ mình có chỗ bị sai, nữ cán bộ tiếp chị bảo mang lên cho xem, nếu cán bộ sai thì sẽ ghi lại, nếu chị Tư ghi tờ khai sai thì phải làm lại các thủ tục giấy tờ. Chị Tư phải tất tả chạy trở lại công an phường. Cũng may cho chị, lỗi này do cán bộ ghi sai nên cô ấy đã dùng viết sửa chỗ sai phường 4 thành phường 8. “Cô ấy không nói gì, sửa xong rồi đưa tôi. Tôi có nói cảm ơn. Còn cô ấy không có một lời xin lỗi”, chị Tư tâm sự.
Câu chuyện của chị Tư làm tôi nhớ đến sự việc xảy ra tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 4. Sáng hôm đó khi tôi đang ngồi chờ lấy giấy tờ của mình, một phụ nữ trên tay cầm tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến gặp cán bộ tiếp dân để than phiền về việc tờ giấy chứng nhận nhà đất mới được cấp có 2 tuần mực in đã phai. “Các chú xem lại giúp chứ tờ giấy này người dân phải để cả đời vì chứng minh tài sản mà mới cấp đã phai màu, đưa tay quẹt qua thì mất hết chữ thế này thì hỏi dân phải làm sao”, người phụ nữ bức xúc. Một nam cán bộ còn khá trẻ tiếp nhận tờ giấy chủ quyền, sau khi đưa tay quẹt qua thì đúng là chữ bay mất hết. Không cần kiểm chứng, tôi nghe anh cán bộ bảo lỗi này do giấy vì đây là cập nhật lại tên sau khi chuyển nhượng nên mực in không ăn. Sau một lúc đôi co, nam cán bộ cầm tờ giấy chủ quyền vào phòng lãnh đạo. Khi trở ra, anh bảo với người phụ nữ: “Giờ chị qua UBND quận để xin cấp lại giấy chủ quyền”. “Tức là phải làm lại các thủ tục và chờ đợi phải không cậu?”, người phụ nữ hỏi. “Qua đó sẽ có cán bộ hướng dẫn”, nam cán bộ trả lời.
Tôi nghe người phụ nữ bảo: “Đây không phải lỗi của dân, lỗi của cán bộ, của chất lượng do không chịu kiểm định thì cán bộ phải giải quyết cho dân thật nhanh và gọn chứ giờ chỉ tôi đi đâu nữa. Thử hỏi nếu tôi không kiểm tra lại giấy tờ thì một thời gian sau khi chữ trên giấy chủ quyền nhà phai hết thì tôi biết kêu cứu ở đâu”. Thấy người phụ nữ làm dữ, anh cán bộ bảo ngồi chờ và ít lâu sau anh quay lại với dòng chữ được in mới đè lên. Đưa tay lên bôi thử, người phụ nữ thấy mực không phai.
Trong câu chuyện trên, từ đầu đến cuối, nam cán bộ không có một lời nhận trách nhiệm hay xin lỗi dân. Tôi chỉ thấy anh muốn đùn đẩy trách nhiệm vào dân và đẩy đi nơi khác, trong khi cái sai thuộc về phía đơn vị mình.
Thiết nghĩ, đã là con người thì không ai có thể lúc nào cũng tránh được sai sót. Nhưng, biết sai mà sửa, biết nhận trách nhiệm về mình và sau đó biết nói một lời xin lỗi thì ắt dân sẽ trọng, sẽ tin yêu hơn.
HỒNG HẢI