(SGGP).- Ngày 28-6, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và phương hướng triển khai 6 tháng cuối năm 2016.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến hết tháng 5-2016, cả nước đã có 1.965 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 22% và tăng 4,9% so với cuối năm 2015), 23 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhân đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 8 huyện so với cuối năm 2015). Đến nay, tổng vốn đầu tư và huy động cho nông thôn mới trên phạm vi cả nước đã đạt khoảng 263.127 tỷ đồng, trong đó bố trí từ ngân sách Trung ương là 7.374 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Tuy nhiên, đang xuất hiện tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương khi xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, tổng số nợ đọng tại 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khoảng 15.212 tỷ đồng.
Không chỉ nợ đọng xây dựng cơ bản, theo báo cáo của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, hiện nay tiền thưởng cho các địa phương làm tốt phong trào cũng đang còn “treo”. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1620 năm 2011 về khen thưởng cho các địa phương đạt thành tích tốt, theo đó cấp tỉnh được thưởng 30 tỷ đồng, cấp huyện 10 tỷ đồng và cấp xã 1 tỷ đồng nhưng hiện các cơ quan được giao phân bổ ngân sách vẫn đang nợ 13 tỉnh mỗi tỉnh 30 tỷ đồng, 57 huyện mỗi huyện 10 tỷ và 521 xã, tổng cộng là 1.482 tỷ đồng.
Các bộ liên quan như Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính đề nghị khoản thưởng cho xã và huyện nên trích từ ngân sách của các tỉnh, song Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đề nghị đây là quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên cần trích nguồn ngân sách Trung ương để khen thưởng.
Tại hội nghị, đại diện các bộ cũng đề nghị trong giai đoạn mới của chương trình xây dựng nông thôn mới cần bổ sung thêm các tiêu chí. Bộ Y tế và Bộ TN-MT đề nghị nên bổ sung thêm tiêu chí nước sạch và bảo hiểm y tế và vệ sinh môi trường nông thôn. Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cố vấn chương trình xây dựng nông thôn mới, cho rằng cần xem lại cách hiểu về xây dựng nông thôn mới không phải chỉ là cơ sở hạ tầng, có điện - đường - trường - trạm khang trang mới là nông thôn mới mà quan trọng hơn là việc đảm bảo nâng cao đời sống và tạo cơ hội có thu nhập cao cho người dân nông thôn, nên tập trung vào những nội dung cấp thiết mà nông dân cần. Theo ông Lê Huy Ngọ, cơ sở vật chất cũng cần nhưng nếu tuyên truyền, vận động đóng góp, đầu tư tới gần 262.000 tỷ đồng, trong đó nợ cơ bản tới hơn 15.000 tỷ đồng, tính ra mỗi xã nợ tới 1,5 tỷ đồng… và xây dựng nông thôn mới theo kiểu chạy theo thành tích thì sẽ không có hiệu quả.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đến cuối năm 2016, cả nước sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30-35 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân tại các xã trong cả nước tăng thêm 1,12 tiêu chí so với năm 2015; số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, Quốc hội đã thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vì vậy nhiệm vụ đặt ra là cần xây dựng bộ tiêu chí mới cùng các thông tư và hướng dẫn để các địa phương thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sau 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt ở nhiều làng quê đã “thay da đổi thịt” rõ rệt. Tuy nhiên, để triển khai giai đoạn 2 của chương trình có hiệu quả hơn, cần rà soát lại quy hoạch, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch nông thôn mới. Trong tháng 7-2016 cần kiện toàn ban chỉ đạo từ trung ương tới địa phương cùng với tập trung rà soát, bổ sung bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành các văn bản hướng dẫn kèm theo. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu bộ tiêu chí nông thôn mới cần linh động và phù hợp với đặc thù của từng địa phương, không cứng nhắc. Đối với tình trạng nợ đọng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới cần xem xét lại và rút kinh nghiệm trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, cần biểu dương các cá nhân và doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho nông thôn mới. Đối với tình trạng nợ đọng tiền thưởng nông thôn mới, Chính phủ sẽ đôn đốc các bộ liên quan sớm thực hiện, không để nợ đọng.
VĂN PHÚC