Nỗ lực đào tạo nhân lực y tế cho ĐBSCL

Từ khi triển khai thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục và y tế ĐBSCL đã từng bước thoát khỏi “vùng trũng”. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt vướng mắc cần sớm được tháo gỡ về đào tạo nhân lực y tế theo địa chỉ sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở ĐBSCL.
Nỗ lực đào tạo nhân lực y tế cho ĐBSCL

Từ khi triển khai thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục và y tế ĐBSCL đã từng bước thoát khỏi “vùng trũng”. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt vướng mắc cần sớm được tháo gỡ về đào tạo nhân lực y tế theo địa chỉ sử dụng để khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở ĐBSCL.

Một tiết học tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Ảnh: Bình Đại

Thiếu bác sĩ trầm trọng

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nhiều năm qua, ĐBSCL thiếu trầm trọng nhân lực ngành y tế. Toàn vùng hiện còn hơn 300 xã chưa có bác sĩ (BS); hầu hết các tỉnh, thành đều thiếu BS y tế dự phòng, y học cổ truyền và 5 chuyên khoa lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh.Ông Văn Công Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Suốt 20 năm nay, tỉnh chỉ có 2 BS lao vì không tuyển được người, còn cử đi học thì không có nguồn. Trong thời gian tới, khi các địa phương xây dựng xong các bệnh viện y học cổ truyền, tâm thần... thì tình trạng thiếu BS các chuyên ngành càng trầm trọng hơn. Thậm chí một số tỉnh phải hợp đồng với các BS đã nghỉ hưu.

Sinh viên ĐH Y dược Cần Thơ trong giờ thực hành giải phẫu

Một nghịch lý là trong khi ĐBSCL đang thiếu BS trầm trọng nhưng nhiều sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp ra trường không chịu về địa phương công tác. Qua thống kê cho thấy, chỉ có 40% BS đa khoa ra trường về địa phương làm việc. Tỷ lệ này đối với BS răng hàm mặt là 23,81%, dược sĩ 18,64%, cử nhân điều dưỡng là 50%, cử nhân y tế cộng đồng là hơn 42%. Năm 2014, tỉnh Sóc Trăng có 39 sinh viên tốt nghiệp tại Cần Thơ nhưng không ai chịu về tỉnh nhận công tác.

Tương tự, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp BS đa khoa chính quy, có hộ khẩu ở tỉnh Bạc Liêu, sau khi tốt nghiệp về tỉnh công tác rất thấp. “Nguyên nhân chính là chính sách chưa thu hút được sinh viên mới ra trường về gắn bó lâu dài với địa phương. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế ở cơ sở còn thiếu, họ không có điều kiện làm việc, học tập nâng cao tay nghề”, một lãnh đạo ngành y trong vùng cho biết.

Cơ chế đặc thù

Trước tình hình trên, từ năm 2011 đến nay, BCĐ Tây Nam bộ và Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng. Tuy nhiên, việc đào tạo, cung cấp nhân lực y tế theo địa chỉ ở ĐBSCL hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu của các tỉnh, thành. Năm 2014, có 172 BS, dược sĩ được đào tạo chính quy theo địa chỉ đã tốt nghiệp và 436 BS, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hệ liên thông và hệ vừa học vừa làm tốt nghiệp, về địa phương công tác… Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng BCĐ Tây Nam bộ, cho biết thêm: “Năm 2014, BCĐ Tây Nam bộ đề xuất xin 314 chỉ tiêu cho 5 chuyên khoa trên nhưng không được. Năm 2015, Bộ GD-ĐT đồng ý 150 chỉ tiêu. Hiện BCĐ nghiên cứu điểm xét tuyển như thế nào để thu hút các em theo học 5 chuyên khoa hiếm, vì những khoa này rất ít người theo học. Bên cạnh đào tạo, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, các tỉnh cần có chính sách thu hút BS đa khoa về phục vụ các bệnh viện có chuyên khoa hiếm, sau đó đưa đi học chuyên khoa, chứ trông chờ vào nguồn đào tạo thì rất lâu mới giải quyết được tình trạng thiếu BS ở các chuyên khoa này”.

Về vấn đề này, GS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, phân tích: Trước mắt không nên mở mã ngành đào tạo riêng cho từng chuyên ngành này mà nên đào tạo chung theo chương trình đào tạo BS đa khoa. Sau tốt nghiệp, BS sẽ tiếp tục được đào tạo chuyên khoa theo quy định về chứng chỉ hành nghề. GS-TS Phạm Văn Lình cũng đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan xem xét tăng kinh phí cho đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe vì chi phí đào tạo tốn kém nhiều hơn so với ngành khác.

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng BCĐ Tây Nam bộ, đánh giá: Chính sách đào tạo nguồn nhân lực y tế theo địa chỉ của vùng ĐBSCL bước đầu đã đạt được hiệu quả. Thế nhưng, làm thế nào để giữ chân họ gắn bó lâu dài với vùng thì càng khó hơn. Do đó, các địa phương cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ, bổ sung những chính sách mới cho phù hợp và phải đủ mạnh. Đồng thời, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần phải có kế hoạch chỉ tiêu dự trữ nguồn nhân lực phục vụ các lợi thế phát triển về lâu dài.

HÀM LUÔNG - XUÂN QUANG

Tin cùng chuyên mục