* Nâng cao khả năng cung cấp điện phục vụ nền kinh tế
(SGGP).- Ngày 3-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9-2016.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta thấy kết quả, thấy thách thức, thấy đúng tình hình để có giải pháp quyết liệt để quý 4 này phấn đấu đạt mức cao nhất của kế hoạch 2016 - một năm đầy cam go, trở ngại, khó khăn mà chúng ta gặp phải và đang vượt qua”. Theo Thủ tướng, việc đạt mức cao nhất thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ, thành viên Chính phủ, các cấp, các ngành đối với các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao. Thủ tướng định hướng, phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3% - 6,5%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9-2016. Ảnh VGP
Nhận định tình hình tháng 9 và 9 tháng năm 2016, Thủ tướng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhất là quý 3 đạt 6,4%. Lạm phát ở mức thấp. Trong tháng 9, đầu tư gián tiếp tăng. Chứng khoán tăng kỷ lục, cao nhất trong 9 năm qua. Thu hút vốn FDI đạt khá, xuất siêu tăng, kiều hối rót mạnh vào lĩnh vực sản xuất. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cả lượng và vốn. Nông nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ, nếu 6 tháng tăng trưởng âm, giảm 0,18% thì đến quý 3 này đã dương 0,65%...Tình hình xã hội, GD-ĐT, quốc phòng an ninh, đối ngoại có nhiều điểm sáng. Công tác xây dựng thể chế có nhiều tiến bộ. Giải ngân vốn xây dựng cơ bản có bước chuyển rõ nét. An ninh trật tự được giữ vững. Thủ tướng cho biết, đã tạm ứng 3.000 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết và đang chỉ đạo việc này để tiền sớm đến tay người dân.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tăng trưởng 9 tháng mới đạt 5,92%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Để đạt tăng trưởng GDP từ 6,3% - 6,5% thì tăng trưởng kinh tế quý 4 phải đạt 7,1-7,3%. “Tuy đây là mục tiêu cao, khó, nhưng không phải không thực hiện được. Ở những năm trước, quý 4 bao giờ cũng tăng cao hơn các quý. Quý 4 có nhiều điều kiện tốt có thể phấn đấu tăng GDP”, Thủ tướng nói. Đây cũng là nỗ lực rất lớn khi một số tổ chức quốc tế như ADB đánh giá Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng 6%, do các yếu tố khách quan như tình trạng cá chết ở miền Trung, hạn hán, bão lũ…
Năm 2016, Quốc hội giao Chính phủ 13 chỉ tiêu, nay 11 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có GDP. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm cao, có giải pháp cụ thể, những nỗ lực và giải pháp cụ thể của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, mà trước hết là Chính phủ, từng thành viên Chính phủ. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu 6,3% - 6,5%.
Dẫn chứng cụ thể, Thủ tướng cho rằng, nếu chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể thì chắc chắn thời gian tới việc cung cấp điện của Việt Nam, một cân đối lớn của nền kinh tế, sẽ bị hẫng hụt. “Chúng ta không nhìn thấy điều này thì sẽ là nguy cơ. Năm nay nguồn điện bảo đảm vì GDP chưa đạt mục tiêu. Nếu tăng trưởng cao hơn nữa, liên tục hơn nữa và đặc biệt là chúng ta đang phấn đấu mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm và riêng năm nay trên 100.000 doanh nghiệp thì lượng điện tăng như thế nào?. Do đó tầm nhìn về các cân đối lớn của nền kinh tế phải được đặt ra ngay tại kỳ họp này”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp này phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Không chỉ tăng trưởng mà phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016 - 2021.
Chiều 3-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc với một số bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về việc bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế. |
LÂM NGUYÊN
Các tin, bài viết khác
- GDP năm 2016 ước đạt 6,3%
- Kỷ niệm 25 năm thành lập Khu chế xuất Tân Thuận
- Hợp tác đưa nông sản Lai Châu phục vụ thị trường TPHCM
- Doanh nghiệp ngành rượu, bia, nước giải khát không đồng tình với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt
- Bí thư Đinh La Thăng: Điều kiện liên kết tạo sức mạnh Việt đã chín muồi
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến: Tạo thêm du lịch nông thôn, gắn với lợi ích của dân
- Bộ Tài chính đối thoại về thuế, hải quan với DN Hàn Quốc
- Thủ tướng phê duyệt xây dựng 50 trạm kiểm tra tải trọng xe cố định
- Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại do hãng tàu Hanjin Shipping Global phá sản
- 150 gian hàng tham gia Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp TPHCM