Nỗ lực giảm nhiệt căng thẳng liên quan Ukraine

Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Pháp E.Macron hội đàm tại Điện Kremlin trong 5 giờ nhằm giảm nhiệt căng thẳng Nga - phương Tây liên quan đến Ukraine. Cùng lúc, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock hội đàm về hợp tác trong khuôn khổ cơ chế Normandy cũng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Đức sốt sắng

Theo hãng thông tấn Interfax của Ukraine, phát biểu với báo giới sau hội đàm giữa Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 7-2, ông Kuleba khẳng định hiện các nhà ngoại giao đang chuẩn bị cho hội nghị các cố vấn Nhóm Normandy, gồm các nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp, dự kiến diễn ra tại Berlin. Đức và Pháp đều thúc đẩy cơ chế thảo luận Normandy từ năm 2014.

Đây là chuyến thăm Ukraine lần thứ hai trong vòng 3 tuần của Ngoại trưởng Đức trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại Ukraine. Đức không muốn “thêm dầu vào lửa” khi từ chối bán vũ khí cho Ukraine cũng như ngăn chặn các nước khác làm điều tương tự, mặc dù điều đó làm Ukraine thất vọng.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức cho biết Berlin và các đồng minh sẵn sàng “trả giá cao về kinh tế” nếu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine với “một loạt biện pháp cứng rắn” chống lại Nga.

Nhiều nhà kinh tế lo ngại sự phụ thuộc của Đức và nhiều nước châu Âu khác vào khí đốt tự nhiên của Nga, một khi căng thẳng tại Ukraine tăng cao sẽ dẫn đến khả năng Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang các nước này. Do đó, Đức vẫn đang chủ động ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng tại Ukraine.

Theo truyền hình Đức DW, ông Stefan Meister thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức cho rằng chuyến thăm của bà Baerbock tới Ukraine cho thấy Đức và Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực hơn trong việc giải quyết căng thẳng tại Ukraine. Theo ông Meister, “EU không muốn để một mình Mỹ định đoạt vấn đề an ninh của châu Âu”.

Tổng thống Pháp tới Nga và Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã tới Moscow để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin với mong muốn tìm cách giảm leo thang căng thẳng Nga - phương Tây. Hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp có cuộc hội đàm kéo dài hơn 5 giờ tại Điện Kremlin để thảo luận về các vấn đề trong quan hệ song phương và quốc tế, trong đó trọng tâm là vấn đề đảm bảo an ninh ở châu Âu và tình hình Ukraine.

Nỗ lực giảm nhiệt căng thẳng liên quan Ukraine ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo sau hội đàm tại Điện Kremlin

Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Pháp, Tổng thống Putin khẳng định Moscow sẽ làm hết khả năng để tìm kiếm thỏa hiệp phù hợp cho các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông khẳng định sẽ không có “người chiến thắng” khi các nước châu Âu bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự với Nga.Tổng thống Pháp cho biết, Nga là một quốc gia châu Âu. Cần phải làm việc với Nga để xây dựng một tương lai ở châu Âu.

Quan hệ Nga và phương Tây đã leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, phía Moscow luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moscow cũng cáo buộc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng ngày 7-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington và Berlin sẵn sàng tiếp tục đàm phán an ninh với Nga. Tổng thống Biden nêu rõ ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết tình hình ở biên giới Nga - Ukraine.

Tin cùng chuyên mục