Nỗ lực kiềm chế dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng như sởi, thủy đậu, ngày 15-5, đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến dẫn đầu đã làm việc với Sở Y tế TPHCM cũng như giám sát thực tế tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, 2 và Bệnh nhiệt đới TPHCM.

(SGGP).- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng như sởi, thủy đậu, ngày 15-5, đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến dẫn đầu đã làm việc với Sở Y tế TPHCM cũng như giám sát thực tế tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, 2 và Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết hiện dịch bệnh đang gia tăng liên tục và số ca bệnh truyền nhiễm tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ các loại dịch bệnh có vaccine dự phòng như sởi, thủy đậu mà các bệnh truyền nhiễm không có vaccine dự phòng cũng tăng như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Riêng dịch sốt xuất huyết đã có dấu hiệu tăng từ 2 tháng trở lại đây, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi TPHCM đang bước vào mùa mưa thì trong vòng một tháng nữa dịch sốt xuất huyết mới lên đỉnh. Trong khi đó, dịch bệnh tay chân miệng cũng âm thầm bùng phát với số ca gia tăng 29% so cùng kỳ và đang bước vào đỉnh dịch đầu tiên theo chu kỳ.

Thực tế điều trị tại BV cũng cho thấy dồn dập các ca bệnh dịch nhập viện trong suốt từ đầu tháng 5 đến nay. “Nhiều dịch bệnh tấn công cùng lúc nên khoa phòng quá tải, bác sĩ cũng áp lực nặng”, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết. Tại khoa này sáng 15-5 có nhiều giường bệnh mà 3 cháu phải nằm chung. Cả dịch sởi và tay chân miệng, tuy có biến chứng nặng nhưng BV Nhi đồng 1 chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tại BV Nhi đồng 2, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, số ca mắc tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết, thủy đậu cũng không ngừng tăng lên trong các tuần qua.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong tháng 5, TP sẽ tiếp tục tập trung tiêm ngừa vaccine sởi. Trong đó, giữa tháng 5 sẽ tiêm vét vaccine sởi cho trẻ dưới 10 tuổi với hơn 200.000 liều, tập trung ở các trường học và các trạm y tế phường xã.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cũng cho rằng trong thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng cao, xuất hiện nhiều chủng virus mới nên khó lường sự nguy hiểm, biến chứng của bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ đạo, các đơn vị y tế cần giám sát các ca bệnh, phát hiện sớm để kịp thời phân tuyến, tránh tình trạng bỏ sót ca bệnh, đặc biệt là giám sát tốt các tác nhân gây bệnh. Mặt khác, cần phân luồng điều trị để tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân. Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành y tế TPHCM chỉ đạo kịp thời trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại các quận huyện, đồng thời động viên đội ngũ bác sĩ, cán bộ dự phòng tích cực trong công tác điều trị, dập dịch. Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các quận huyện triển khai vệ sinh khử khuẩn môi trường các trường học để phòng tay chân miệng, sốt xuất huyết; tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là giữ vệ sinh, khử khuẩn, rửa tay cho trẻ…

TƯỜNG LÂM

Ngày 15-5, trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp để giải quyết chống nắng nóng cho người bệnh.

Tại các khoa khám bệnh cần bảo đảm bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám, có nước uống miễn phí, tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám. Các bệnh viện cần sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý; tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; tăng cường tinh thần thái độ phục vụ người bệnh trong điều kiện nóng bức.

Tại các khoa điều trị, tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát, cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. Các bệnh viện hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục