Bệnh phong có còn đáng để sợ? Câu trả lời là “Không!”. Những hình ảnh bệnh nhân phong (cùi, hủi) lở loét ăn xin trên đường phố nay chỉ còn trong ký ức. Hiện nay rất khó phát hiện ra người từng mắc bệnh phong, vì họ đã được chữa trị nhanh chóng, lành bệnh trước khi bị biến chứng tàn tật.
Nan y đã có thuốc chữa miễn phí
Bệnh phong là một trong những căn bệnh đi cùng loài người lâu nhất: từ những năm 1400 trước Công nguyên. Không giống các bệnh lý khác gây ra những vết thương ở những cơ quan bên trong (như phổi, tim, gan, thận…), bệnh phong gây ra nhiều vết thương ngoài da, bị lở và nhiễm trùng, hư hại các dây thần kinh, dẫn đến liệt cơ, teo cơ và cụt, rụt tay chân. Những thay đổi này làm cho người bệnh “xấu đi” và người khác xa lánh.
Hướng dẫn bệnh nhân phong tự chăm sóc phòng ngừa tàn tật tại nhà
Qua hàng ngàn năm không có thuốc điều trị, bệnh phong đã gây ra đau đớn cho hàng triệu người, không những đối với người nhiễm bệnh mà còn đối với thân nhân của họ. Do cơ thể không còn lành lặn như xưa nên người mắc bệnh phong bị cộng đồng xa lánh, phải cách ly nơi xa. Bản thân họ cũng tuyệt vọng với chính mình, sống một cuộc sống bi quan, đôi khi không tự chủ được đời mình.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ cần uống thuốc trong thời gian 6 tháng đến 12 tháng là bệnh được chữa khỏi. Các phác đồ điều trị phối hợp nhiều loại kháng sinh được Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định, thống nhất điều trị cho bệnh nhân phong trên toàn cầu. Thuốc được cung cấp miễn phí, bệnh nhân có thể an tâm được điều trị tại nhà.
Những nỗ lực chống bệnh phong
|
TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chống bệnh phong. Năm 1986, số bệnh nhân mới được phát hiện là 303 người, năm 2014 chỉ còn 10 người. Hàng ngàn người đã được chữa khỏi bệnh, miễn phí, tại nhà. Bệnh nhân cũng được chăm sóc vết thương ngoài da; được phẫu thuật để phục hồi chức năng lao động cho bàn tay, chân, mắt; được cung cấp giày để bảo vệ bàn chân mất cảm giác... Ngoài ra, một số bệnh nhân còn được vay vốn tín dụng nhỏ để làm ăn, tự mưu sinh; con em của họ được cấp học bổng học nghề, người khuyết tật thì được cấp xe lăn… Những hoạt động này nhằm xóa bỏ mặc cảm, đem lại sự tự tin cho những người mắc bệnh, giúp họ có thể sống trong cộng đồng, bình thường như những người dân khác. Ngày nay chúng ta không còn thấy cảnh bệnh nhân phong bị khuyết tật, lở loét xin ăn trên đường phố. Tất cả đã được chăm sóc tại nhà, chu đáo, nhanh chóng, kịp thời.
Thành quả đó có được là nhờ những hoạt động tích cực trong việc thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh phong từ những năm 1982. Chương trình này đã được triển khai toàn quốc, được sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương các cấp; của Sở Y tế và nhiều ban ngành đoàn thể; của mạng lưới cán bộ y tế từ thành phố đến phường xã, đặc biệt là cán bộ y tế ngành da liễu. Các hoạt động này bao gồm khám phát hiện bệnh sớm trong cộng đồng dân cư, điều trị sớm tránh lây lan, phòng chống tàn tật, phẫu thuật và chăm sóc vết thương, truyền thông cho người dân biết những dấu hiệu của bệnh để phát hiện sớm và tránh kỳ thị phân biệt, hỗ trợ về kinh tế và giáo dục cho bệnh nhân, tạo điều kiện cho bệnh nhân làm ăn, sinh hoạt như người dân bình thường. Người bệnh nay đã tự tin hơn, hạnh phúc hơn nhiều thập kỷ trước đây.
Năm 2015 loại trừ bệnh phong tại TPHCM
Năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 17 quy định 4 tiêu chuẩn cần đạt được để công nhận “Loại trừ bệnh phong cấp thành phố”, gồm tỷ lệ lưu hành bệnh phong, tỷ lệ phát hiện người bệnh phong mới và tỷ lệ người bệnh phong mới bị tàn tật nặng. Ba tiêu chí này, TPHCM đã đạt được từ nhiều năm trước đây.
Tiêu chí thứ 4 yêu cầu cán bộ xã, cán bộ y tế và học sinh trung học cơ sở tại phường - xã trả lời đúng các câu hỏi cơ bản trong nội dung tuyên truyền về bệnh phong. Năm 2015, TPHCM sẽ được Bộ Y tế kiểm tra công nhận “Loại trừ bệnh phong”, cần tăng cường truyền thông giáo dục y tế để thực hiện tiêu chí này.
Tuy nhiên, không thể chủ quan với bệnh phong. Bệnh phong vẫn có thể tiếp tục xuất hiện, nhưng với một số lượng ít hơn. Đây là bệnh nhiễm khuẩn, có thể lây cho người khác, nên các cán bộ y tế vẫn phải tiếp tục cảnh giác, phát hiện sớm và điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh không quay trở lại.
Ngoài ra, chúng ta còn phải tiếp tục chăm sóc cho số bệnh nhân (thường là lớn tuổi) bị di chứng tàn tật do phát hiện trễ, điều trị không kịp thời từ nhiều năm trước để lại. Công tác chăm sóc bao gồm: cấp bông băng để tự chăm sóc tại nhà, phẫu thuật tại Bệnh viện Da liễu khi cần, cung cấp giày phòng ngừa bảo vệ bàn chân mất cảm giác...
Khi xã hội phát triển, đời sống được nâng cao, sức khỏe người dân được chăm sóc tốt hơn, kỹ lưỡng hơn. Những biểu hiện của bệnh sẽ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không gây tàn tật và không lây cho người khác. Qua nhiều thập kỷ như thế, bệnh phong sẽ dần dần mất đi.
Chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ không còn bệnh phong, không còn dấu tích và di chứng của bệnh phong, trong một tương lai không xa.
|
BS NGUYỄN THANH HÙNG
Bệnh viện Da liễu TPHCM