Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu dọc tuyến biên giới Tây Nam

Dịp cuối năm, sắp Tết Nguyên đán 2023, hoạt động buôn lậu dọc tuyến biên giới Tây Nam của hai tỉnh An Giang, Kiên Giang diễn ra hết sức phức tạp. Lực lượng chức năng của 2 tỉnh này cũng vì vậy mà phải tăng cường tuần tra suốt ngày đêm. Bình quân, mỗi ngày phát hiện bắt giữ 2-3 vụ vận chuyển hàng trái phép qua biên giới.
4.000 gói thuốc lá bị phát hiện trong vòng 2 giờ đồng hồ tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) sáng nay 25-11. Ảnh: QUỐC BÌNH

Ngày 25-11, Đại úy Huỳnh Việt Kiều, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) cho biết, chỉ trong 2 giờ đồng hồ (từ 3-5 giờ sáng), tại cột mốc 311 đến mốc 311/3 thuộc tổ 14, khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên phối hợp Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ thuốc lá lậu, thu giữ 4.000 gói thuốc lá các loại.

Cụ thể, vào thời gian từ 3-5 giờ sáng tại khu vực gần các cột mốc 311, 311/2, 311/3, tổ công tác liên tục phát hiện 4 bao tải màu xanh bên trong đựng tổng cộng 4.000.000 gói thuốc ngoại nhập lậu.

Trước đó, vào rạng sáng 24-11, tại khu vực cột mốc 310/2, thuộc tổ 14, khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cũng phát hiện ông Pom Dươl vận chuyển một bao tải màu xanh có biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra bên trong bao tải, có đựng 1.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu.

Thực phẩm đóng hộp trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng nhập lậu bị phát hiện tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: QUỐC BÌNH

Tại An Giang, lực lượng chức năng chống buôn lậu (gồm Biên phòng, Công an, Hải quan cửa khẩu) cũng liên tục phát hiện các vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phổ biến diễn ra ở khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên).

Nếu khu vực biên giới thuộc Kiên Giang, hàng hóa nhập lậu chủ yếu là đường cát, thuốc lá và mỹ phẩm (hầu hết xuất xứ Thái Lan - PV), thì cửa khẩu Tịnh Biên lại thường phát hiện các loại hàng hóa có giá trị lớn như: hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm chế biến, máy móc thiết bị, thậm chí có cả thịt gia súc (trâu, bò…).

Theo Đại úy Huỳnh Việt Kiều, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, thậm chí sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Với các đầu nậu chuyên nhập hàng lậu, thủ đoạn phổ biến là 1 tờ hóa đơn sẽ sử dụng nhiều lần, thay nhãn mác, bao bì để hợp thức hóa chủng loại, thủ đoạn này chủ yếu áp dụng cho đường cát.

Với các mặt hàng mang vác hoặc chở bằng xe gắn máy, thì các đối tượng vận chuyển thuê sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” khi bị phát hiện. Nếu có bị bắt thì nhất quyết khai “không biết chủ là ai, chỉ chở thuê”.

Gần đây, xuất hiện một thủ đoạn mới là vận chuyển hàng lậu để tại một địa điểm định trước, nếu không bị phát hiện sẽ có người tới chuyển qua biên giới.

Tin cùng chuyên mục