Nỗ lực phòng chống cúm gia cầm

(SGGP).- Tính từ đầu tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có 4 ổ cúm gia cầm dương tính với cúm A/H5N1. Ngành thú y Sóc Trăng đã tiêu hủy tổng cộng trên 3.200 con gà, vịt bị bệnh.  Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo các trạm thú y địa phương thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng chống dịch cúm gia cầm.

(SGGP).- Tính từ đầu tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có 4 ổ cúm gia cầm dương tính với cúm A/H5N1. Ngành thú y Sóc Trăng đã tiêu hủy tổng cộng trên 3.200 con gà, vịt bị bệnh.  Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo các trạm thú y địa phương thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng chống dịch cúm gia cầm.

Cụ thể: Phải phối hợp với Ban quản lý chợ, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra giám  sát tình hình kinh doanh gia súc gia cầm, sản phẩm gia cầm, đảm bảo thực phẩm kinh doanh doanh tại các chợ đã qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch thú y; không để xảy ra các trường hợp giết mổ gia cầm trái phép trên địa bàn...

Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang đẩy mạnh phòng chống cúm gia cầm. Theo Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 2 triệu liều vắc-xin, trong khi đó, nhu cầu cho cả năm 2012 vào khoảng 7 triệu liều. Bến Tre có khoảng 3,5 triệu gia cầm và việc tiêm chủng phòng cúm sẽ được tiến hành 2 lần mỗi năm.

Trước mắt, chi cục ưu tiên nguồn vắc-xin sẵn có cho các địa phương ở vùng nguy cơ cao như: Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, đồng thời tăng cường công tác vệ sinh, khử độc tiêu trùng và quản lý chặt chẽ hơn việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ tại các khu vực này. Chi cục cũng phối hợp các cấp liên quan tăng cường quản lý đàn vịt chạy đồng, vốn là đối tượng có khả năng lan truyền dịch bệnh cao.

Tại Cà Mau, theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm ở 5 xã, thị trấn của 3 huyện: Thới Bình, Phú Tân và Trần Văn Thời, tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 3.784 con. Trên tôm nuôi, bệnh xảy ra làm thiệt hại 491ha, trong đó có 75,24ha bị bệnh đốm trắng, 416ha bệnh hoại tử gan tụy và các bệnh khác.

Theo nhận định của Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, trong điều kiện hiện nay, việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ, dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát cao, do vậy, người chăn nuôi và các ngành chức năng địa phương phải nâng cao cảnh giác.

Ngày 15-2, UBND tỉnh Quảng Nam có công điện số 03/CĐ-UBND chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động phòng, chống, dập tắt các ổ cúm gia cầm mới phát sinh. Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam lập đường dây “nóng” miễn phí số 0510.800115 nhằm tiếp nhận thông tin từ người dân để có phương án phòng chống kịp thời cúm A H5N1 trên các đàn gia súc cũng như ở người. Dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chiều 15-2, ông Trần Hùng, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tiếp sau xã Kỳ Trinh (huyện Kỳ Anh) bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, thì tại địa bàn xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) cũng bắt đầu bùng phát ổ dịch cúm gia cầm, khiến cho gần 700 con gà, vịt, bồ câu của 4 hộ dân ở 2 thôn 5 và 6 bị chết hàng loạt. Chi cục Thú y tỉnh về lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Cơ quan Thú y vùng III (đóng tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) để xét nghiệm và đã có kết quả dương tính với dịch cúm gia cầm H5N1. 

Hội thảo phòng chống cúm gia cầm 

Từ ngày 14 đến 16-2, tại thành phố Nha Trang, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã phối hợp với một số bộ, ngành chuyên trách Việt Nam tổ chức Hội thảo liên kết phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam. Gần 100 đại biểu từ các bộ, ngành và cán bộ phụ trách phòng chống cúm gia cầm ở các tỉnh thành toàn quốc đã tham gia.

NHÓM PV


Trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H3N2) đầu tiên có nguồn gốc từ heo  

Ngày 15-2, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cho biết: Cục Y tế dự phòng thông báo trường hợp nhiễm cúm A(H3N2) đầu tiên tại Việt Nam có nguồn gốc từ heo theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Cúm quốc gia - Viện Pasteur TPHCM. Hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia khu vực phía Nam tháng 4-2011 đã ghi nhận một trường hợp cúm A (H3N2) có nguồn gốc từ heo: bệnh nhân nữ 2 tuổi ở huyện Cần Đước, Long An, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và đã khỏi bệnh. Ngày 10-1-2012, kết quả xét nghiệm đã được Phòng xét nghiệm chuẩn thức của WHO tại CDC - Hoa Kỳ xác nhận.

Từ tháng 4-2011 đến nay Việt Nam không phát hiện thêm trường hợp mắc mới chủng cúm trên. Theo Tiến sĩ Dương, trước tình hình dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm đang xảy ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc, để chủ động phòng chống dịch cúm lây truyền từ động vật sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau: Không giết, mổ gia cầm, heo ốm, chết không rõ nguyên nhân; không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm, thịt heo chưa được chế biến kỹ; khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, heo phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

(TTXVN)

- Thông tin liên quan:

>> Dịch cúm gia cầm lan nhanh đến 9 địa phương

Tin cùng chuyên mục