Nỗ lực tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích

Ngày 11-11, công tác tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích sau vụ chìm tàu Phúc Xuân 68 vẫn được các đơn vị cứu hộ triển khai khẩn trương. Cùng thời điểm này, thân nhân một số thuyền viên mất tích cũng đã đến Nha Trang, tự thuê ghe tham gia tìm kiếm khu vực ven bờ với hy vọng mong manh.

Ngày 11-11, công tác tìm kiếm 8 thuyền viên mất tích sau vụ chìm tàu Phúc Xuân 68 vẫn được các đơn vị cứu hộ triển khai khẩn trương. Cùng thời điểm này, thân nhân một số thuyền viên mất tích cũng đã đến Nha Trang, tự thuê ghe tham gia tìm kiếm khu vực ven bờ với hy vọng mong manh.

Trên gương mặt thân nhân của các nạn nhân, những giọt nước mắt đau buồn, tuyệt vọng cứ lăn dài. Anh Nguyễn Bá Khanh (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), anh trai của nạn nhân Nguyễn Bá Kha (thợ máy tàu Phúc Xuân 68) hiện bị mất tích, vừa từ TPHCM ra Nha Trang tham gia tìm kiếm em mình trên biển cho biết, em trai anh chỉ mới làm việc cho tàu Phúc Xuân 68 hơn 1 năm nay thì gặp sự cố bi thảm này. Dù chưa có thông tin chính thức về các trường hợp mất tích, nhưng anh và gia đình linh cảm điều xấu nhất có thể đã xảy ra. Dù vậy, anh vẫn cùng một số thân nhân thuyền viên mất tích thuê ghe đi trên các khu vực gần vùng tàu Phúc Xuân 68 bị chìm để tìm kiếm. “Dù còn chút hy vọng mong manh, chúng tôi cũng tìm. Nếu trường hợp xấu nhất cũng phải đưa được thi thể em tôi về an táng, để an ủi phần nào nỗi đau của gia đình”, anh Khanh nói.

Cùng ngày, trả lời phóng viên Báo SGGP, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết, cơ hội tìm thấy các thuyền viên còn sống ngày ít dần, nhưng dù còn chút ít hy vọng thì ngành hàng hải vẫn không ngừng việc tìm kiếm ngay cả khi biết chắc các thuyền viên đã tử nạn. Hiện chưa nói gì đến nguyên nhân đắm tàu, khắc phục sự cố, mà việc ưu tiên là tìm kiếm nạn nhân mất tích. Đại diện chủ tàu Phúc Xuân 68 cũng cho rằng, nếu 8 thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 đã tử nạn, cách tốt nhất để an ủi gia đình các nạn nhân là phải tìm cho được thi thể thuyền viên. Hiện chủ tàu đã liên hệ với các đầu mối thợ lặn trong cả nước, để tìm phương án lặn tìm kiếm, dù biết là chuyện rất khó. Được biết, khu vực tàu Phúc Xuân 68 bị chìm có mực nước sâu hơn 90m. Trong khi đó, hệ thống dụng cụ lặn tại Việt Nam hiện nay cho phép lặn độ sâu 50m. Anh Nguyễn Đức Loan, em trai anh Nguyễn Đức Khoa (thuyền trưởng tàu Phúc Xuân 68, quê Thanh Hóa) cho biết, gia đình anh sẽ tìm mọi cách để tìm kiếm anh trai mình. Hiện anh Loan và gia đình đang tìm kiếm độc lập, đồng thời sẽ thuê thợ lặn tìm kiếm nơi vùng biển tàu chìm.

Theo một số ngư dân và một số thợ lặn chuyên nghiệp trên địa bàn Khánh Hòa, với mực nước này thì không có thợ lặn nào lặn tới đó. Theo họ, cách duy nhất hiện nay để phát hiện vị trí tàu bị nạn là dùng hệ thống lưới giã cào của ngư dân đánh bắt trên biển để dò tìm.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục