Nỗ lực vực dậy doanh nghiệp trong nước

Yếu thế cạnh tranh
Nỗ lực vực dậy doanh nghiệp trong nước

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, sau nhiều năm hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang teo tóp dần. Trước thực trạng này, Nhà nước cần làm gì để DN trong nước lớn mạnh? PV Báo SGGP đã phỏng vấn TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Yếu thế cạnh tranh

TS Cao Sỹ Kiêm

TS Cao Sỹ Kiêm

- Phóng viên: Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có hơn 500.000 DN đang hoạt động, nhưng có đến 95% - 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Ông suy nghĩ gì về sự phát triển của DN Việt Nam thời gian qua?

>> TS CAO SỸ KIÊM: Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa phát triển với tốc độ rất nhanh sau khi có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. DN Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa được chuẩn bị đầy đủ nên đây là thành phần kinh tế vốn ít nhất, trình độ lao động chưa được đào tạo bài bản, hiểu biết thị trường kinh doanh chỉ mới dừng ở mức cơ bản. Có thể nói rằng, DN Việt Nam yếu thế trong cạnh tranh. Sự yếu thế trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và lạm phát làm DN ngày càng cạn kiệt, quy mô ngày càng nhỏ dần. Số DN từ vừa xuống nhỏ, từ nhỏ xuống siêu nhỏ. Lao động bị mất việc làm nhiều, đây là thực trạng đầy khó khăn trong cộng đồng DN Việt Nam.

- Tại sao sau nhiều năm cải cách và hội nhập, chúng ta vẫn chưa có những DN trong nước thực sự có tên tuổi và lớn mạnh, thưa ông?

Bản thân DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, khi sinh ra đã có những khó khăn. Trong thời kỳ kinh tế suy giảm, DN trong nước bị tác động nhiều nhất do môi trường, điều kiện không được bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Các DN trong nước thiếu vốn nhưng các hình thức giúp DN tiếp cận vốn có những hạn chế. Chẳng hạn, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa ra đời, nhưng chưa đi vào hoạt động một cách mạnh mẽ, chưa phát triển đầy đủ ở các địa phương. Còn việc bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa chỉ mới giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhưng ngân hàng này không đảm bảo về cơ chế, quy định, điều kiện nên sau thời gian dài, số lượng DN được bảo lãnh chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ với số vốn khiêm tốn.

Ngoài ra, những điều kiện triển khai cụ thể hóa không đi vào cuộc sống nên DN vẫn thiếu vốn. Vì trong điều kiện khó khăn, chi phí tăng lên, thị trường co lại và sức cạnh tranh yếu nên hàng hóa không tiêu thụ được làm DN càng ngày càng yếu đi. DN yếu đi thì khả năng nợ quá hạn, nợ xấu, nợ thuế càng tăng lên và khi các yếu tố này tăng lên thì lại vi phạm tiêu chuẩn vay ngân hàng. Thế cho nên, DN đã khó càng khó thêm, đã yếu, cạn kiệt rồi lại càng suy giảm, quy mô phát triển co lại. Đấy là sự lúng túng, hạn chế, luẩn quẩn của các DN trong nước.

DN trong nước đang ngày càng thu hẹp quy mô kinh doanh. (Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ thuộc KCN Tây Bắc Củ Chi).

DN trong nước đang ngày càng thu hẹp quy mô kinh doanh. (Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ thuộc KCN Tây Bắc Củ Chi).

Ưu tiên thu hút “ngoại”, bỏ quên “nội”

- Có ý kiến cho rằng, do thời gian qua chúng ta quá ưu tiên trong việc thu hút doanh nghiệp FDI mà quên đi DN trong nước, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Tiềm năng của DN nhỏ và vừa rất nhiều. Các DN trong nước góp phần giải quyết vấn đề lao động, xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề người thu nhập thấp ở rất nhiều vùng khác nhau, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng các DN trong nước lại không được bình đẳng trong tạo điều kiện phát triển. Ví dụ như không được tiếp cận vốn ODA, không được ưu đãi về đất đai, về vốn, về những chính sách cụ thể khác… Hơn thế nữa, chi phí của họ không giảm được nhanh do thủ tục hành chính làm thời cơ mất đi, họ không tranh thủ được. Vì vậy đã làm giá thành cao, sức cạnh tranh yếu. Và như thế, tạo ra sự không bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh và sức khỏe, sức cạnh tranh của các DN trong nước ngày càng yếu.

- Để DN trong nước ngày càng lớn mạnh, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ gì, thưa ông?

Điều quan trọng nhất là phải xây dựng hệ thống chính sách đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ngoài môi trường đầu tư còn phải bình đẳng trong việc sử dụng mặt bằng, thuế, vốn (kể cả vốn trong nước và nước ngoài). Thứ hai, phải hỗ trợ những điểm DN không khắc phục được như hệ thống đào tạo, chất lượng nguồn lực và vấn đề trang bị công nghệ, kỹ thuật mới. Thủ tục hành chính phải đơn giản, công khai, minh bạch, bình đẳng để tạo động lực, sự hứng khởi cho các thành phần kinh tế này vươn lên chớp thời cơ, tranh thủ được những yếu tố thuận lợi để giảm chi phí thì mới có thể lớn mạnh.

Đấy là những động tác rất cụ thể để giúp họ, hỗ trợ họ có thể tạo thêm môi trường, những yếu tố, những điều kiện đầu tư thuận lợi hơn, bình đẳng hơn tạo động lực cho họ phấn đấu tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

- Cảm ơn ông!

ĐÌNH LÝ thực hiện

Tin cùng chuyên mục