Khi dòng vốn tín dụng bắt đầu siết chặt ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán…, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đã đẩy mạnh việc huy động vốn từ khách hàng, cổ đông đến CBCNV. Hình thức huy động giống như hoạt động tiền gửi tiết kiệm dân cư của các NHTM, chỉ có khác là lãi suất được chào ngất ngưởng so với trần lãi suất huy động 14%/năm.
Lãi suất 17,5-24%/năm
Đầu tuần này, Công ty Chứng khoán (CTCK) Tân Việt (TVSI) đã triển khai dịch vụ nhắn tin tự động gửi đến khách hàng và cổ đông của các doanh nghiệp do công ty quản lý lời chào mời tham gia dịch vụ mới khá hấp dẫn. Đó là đầu tư lãi suất cao cho khoản đầu tư tại TVSI từ 100 triệu đồng trở lên, hưởng lãi tối thiểu 17,5%/năm. Đây thực chất là hình thức huy động vốn từ khách hàng của một số CTCK hồi đầu năm 2011 mà báo ĐTTC đã từng phản ánh. Đó là việc CTCK Thăng Long (TLS) tăng lãi suất của dịch vụ tiền gửi “hợp tác kinh doanh chứng khoán” lên 17,15% với những hợp đồng trị giá 5 tỷ đồng trở lên. Hoặc mới đây CTCP Du lịch Golf Việt Nam (VNG) thông báo huy động vốn để triển khai các dự án đầu tư năm 2011. Theo đó, VNG sẽ huy động một phần vốn từ CBCNV để triển khai các dự án đầu tư theo hình thức vay vốn tự nguyện của CBCNV. Dự kiến công ty vay 6 tỷ đồng trong 3 tháng với lãi suất 24%/năm (tương đương 2%/tháng). Đối tượng huy động là CBCNV đang làm việc tại VNG, gồm những người có tên trong danh sách công ty đến thời điểm 28-2-2011 và có ký hợp đồng lao động với VNG.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (Basico), cho rằng hiện nay người lao động hoàn toàn có quyền cho công ty mình đang làm việc vay tiền. Vì vậy hình thức huy động của VNG không sai luật, bởi luật chỉ cấm khi tổ chức không phải NH đi huy động và cho vay lại để hưởng lợi nhuận như một nghề nghiệp thường xuyên và liên tục, trong khi VNG có nhu cầu vốn và họ chỉ khoanh vùng trong đối tượng huy động là CBCNV. Sau này nếu công ty không trả được tiền vay này, CBCNV có thể khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, theo ông Hải, về khía cạnh nào đó người lao động tham gia không chỉ bị áp lực về việc công ty kêu gọi huy động mà còn có thể bị rủi ro, bởi hình thức vay mượn này không có gì bảo đảm an toàn như hoạt động của NH. Một lãnh đạo CTCK cho biết hiện hoạt động tự doanh của nhiều CTCK bị thua lỗ, trong khi đó nhiều năm không chi trả cổ tức nên họ khó có thể phát hành cổ phiếu thêm cho cổ đông. Thời điểm này NH lại đang siết vốn cho vay hoạt động đầu tư chứng khoán, nên để chủ động nguốn vốn khi TTCK đổi chiều, các CTCK phải tìm cách huy động vốn qua hình thức hợp tác đầu tư với khách hàng.
Ngân hàng nhấp nhổm
Thực tế hiện nay các NHTM không chỉ cạnh tranh với các CTCK, công ty bất động sản mà còn cạnh tranh quyết liệt với các công ty bảo hiểm trong và ngoài nước. Những doanh nghiệp bảo hiểm huy động một đội ngũ tư vấn, môi giới bảo hiểm hùng hậu gọi điện hoặc đến tận nơi để chào người dân gửi tiền tiết kiệm với lãi suất hấp dẫn, kết hợp với hợp đồng bảo hiểm tặng miễn phí. Khác với trước đây, nhiều sản phẩm tiết kiệm bảo hiểm của các công ty bảo hiểm linh hoạt hơn, cho phép khách hàng rút vốn từng phần nhưng vẫn hưởng lãi suất cao. Đối tượng khách hàng mà các công ty bảo hiểm nhắm đến là danh sách khách hàng ở các NHTM. Nhiều NHTM thừa nhận họ mất không ít khách hàng từ các kênh môi giới bảo hiểm của NH.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho biết NH nào cũng muốn giữ chân khách hàng cũ trước khi tăng huy động mới. Vì vậy, dù muốn giảm lãi suất xuống NH cũng không dám giảm nhanh, vì chỉ cần có kênh vốn nào lãi suất hấp dẫn và linh hoạt hơn tiền gửi NH, khả năng mất khách tiền gửi rất lớn. Tuy nhiên, một chuyên gia NH cho rằng người dân cần cân nhắc khi gửi tiền vào những kênh huy động ngoài NH. Bởi lẽ nếu các doanh nghiệp không huy động vốn được từ NH mới phải huy động vốn ngoài NH. Tức phương án kinh doanh của doanh nghiệp không thuyết phục hoặc tài chính không lành mạnh, rủi ro mất vốn gửi sẽ cao.
Thanh Thiên