Nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 159.313 tỷ đồng

* Có thể tiếp tục được vay ngoại tệ ngắn hạn từ sau năm 2015

* Có thể tiếp tục được vay ngoại tệ ngắn hạn từ sau năm 2015

(SGGP).- Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu về tín dụng, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Theo đó, tính đến 30-6-2015, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là 4.282.604 tỷ đồng, tăng 7,86% so với cuối năm 2014.

Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 3,72%, giảm nhẹ so với mức 3,81% cuối tháng 3-2015, nhưng tăng so với mức 3,49% tháng 1-2015. Tỷ lệ nợ xấu 3,72% tính đến cuối tháng 6-2015 là mức độ phản ánh sát thực hơn chất lượng tín dụng của hệ thống so với các con số báo cáo trước đây. Ứng với quy mô tổng dư nợ cùng thời điểm tháng 6-2015, con số nợ xấu tuyệt đối là 159.313 tỷ đồng.

TS Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ năm 2012 đến hết tháng 6-2015, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 82,4% tổng số nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ vào thời điểm tháng 9-2012 khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh không trực tiếp sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. “Với việc tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, sự nỗ lực của ngành ngân hàng và sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng với những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng việc đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015 là khả thi” - TS Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

° Theo Thông tư 43 được Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối năm 2014, các TCTD được cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31-12-2015. Như vậy, nếu thực hiện theo thông tư này thì đến hết năm nay các nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ sẽ phải dừng lại. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ phải mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán của mình.

Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư quy định về cho vay bằng ngoại tệ vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tuần trước, các quy định của Thông tư 43 sẽ được bãi bỏ. Thay vào đó, từ ngày 1-1-2016 các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn như sau: cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay...


 HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục